Bán thuốc lá cho trẻ em dưới 16 tuổi... bị phạt!

Bạn thân mến,

Kỳ này vấn đề cốt lõi là bạn tìm xem có văn bản nào quy định hành vi bán thuốc lá cho trẻ em 10 tuổi bị xử phạt hành chính không, vì như bà A đã nói chí phải: “Không có luật định thì không có xử phạt”!

Một số đông các bạn đã tìm ra Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6-4-2005 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này (điểm b khoản 1 Điều 16) quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nêu rõ: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi bán thuốc lá cho trẻ em dưới 16 tuổi”.

Bán thuốc lá cho trẻ em dưới 16 tuổi... bị phạt! ảnh 1

Một số bạn cũng đã tìm thấy nghị định này rồi nhưng lại cho rằng cảnh sát khu vực không có thẩm quyền phạt nên kết luận bà A: đúng, người cảnh sát: sai. Bạn xem kỹ lại Điều 47 Nghị định 45 đi, nó nêu rõ: “Ngoài những người quy định tại Điều 45 và 46 của nghị định này (tức thanh tra chuyên ngành y tế và chủ tịch UBND các cấp) những người khác (như công an chẳng hạn) phát hiện hành vi vi phạm (bán thuốc lá cho trẻ em) ở địa bàn quản lý của mình thì cũng có quyền xử phạt . Theo điểm b khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 200.000 đồng. Như vậy thì cảnh sát khu vực có quyền xử phạt hành vi bán thuốc lá cho trẻ em thuộc khu vực quản lý của mình ở mức trung bình của khung tiền phạt là 75.000 đồng (tức 50.000 đồng cộng với 100.000 đồng rồi chia hai). Vậy đúng rồi. Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định cảnh sát khu vực có thẩm quyền phạt tiền tới 200.000 đồng mà ở đây mức tối đa của khung tiền phạt theo Nghị định 45 là 100.000 đồng thì đương nhiên cũng thuộc thẩm quyền của cảnh sát khu vực rồi.

Nhiều bạn bị rớt vì chỉ tìm tới các văn bản “cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” (như Nghị định 119 ngày 18-7-2007 về sản xuất, kinh doanh thuốc lá; Nghị quyết 12/2000 ngày 14-8-2000 của Chính phủ quy định chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá; hoặc Nghị định số 76/2001 ngày 22-10-2001; Nghị định 11/1999 ngày 3-3-1999; Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ...). Bởi vì về nguyên tắc, dù đã có “quy định cấm” mà hễ không có “quy định phạt” (hành vi gì, phạt như thế nào) thì cũng không được phạt đâu nhe! Bạn nào dẫn chứng lý do như vầy chỉ được 6 điểm thôi.

Lẽ dĩ nhiên số bạn dễ dàng đồng tình với bà A là “lâu nay không thấy có văn bản nào quy định việc phạt” thì cũng được 0 điểm, rớt tuốt luốt ngoài vòng loại!

Đó là bài học bổ ích “không có luật phạt thì không có xử phạt” thể hiện trong lĩnh vực hành chính, cũng như trong lĩnh vực hình sự mà khi xử lý kỷ luật lao động, tinh thần chung cũng “same same” vậy thôi!

Số báo Chủ nhật 19-9 tới sẽ bắt đầu đăng đề Kỳ 81. Bạn nhớ rủ thêm đông đảo bạn bè, xóm giềng cùng ngâm cứu, dự chơi cho vui nhe!

Thân chào À Ra Thế!

BAN TỔ CHỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm