Bầu Kiên phủ nhận cáo buộc kinh doanh vàng trái phép

Cáo trạng quy kết, bầu Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch HĐTV của 6 Công ty gồm: Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B; Công ty Cổ phần tập đoàn tài chính Á châu; Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á châu.

Bầu Kiên bị buộc tội kinh doanh trái phép thông qua cả 6 công ty nêu trên. Đáp lại, bầu Kiên nói mình đồng ý với tất cả các số liệu ghi trong cáo trạng, nhưng không đồng ý về hành vi. “Cáo trạng ghi sai không đúng bản chất hoạt động công ty, không đúng pháp luật”- bầu Kiên nói.

Bầu Kiên sau đó dẫn điều 4, điều 7, điều 8 Luật Doanh nghiệp; Điều 26 Luật Đầu tư… và khẳng định, các công ty này đã thực hiện các khoản đầu tư đúng các quy định của pháp luật.

Phần thẩm vấn đầu tiên là hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Công ty Thiên Nam.

-HĐXX hỏi: Việc kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam có giấy phép kinh doanh không?

+Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái. Thiên Nam đầu tư vào giá vàng. Đây là sản phẩm tài chính phái sinh. ACB đã định nghĩa rất rõ trong hợp đồng.

-Việc đặt lệnh mua vàng của Thiên Nam có cần giấy phép kinh doanh không?

 +Công ty Thiên Nam không đặt lệnh mua vàng. HĐXX cần có phiếu lệnh trước mặt bàn để xem nội dung các phiếu lệnh đó là gì. Trong các phiếu lệnh đó không có bất cứ nội dung nào về mua, bán vàng. Tôi xác nhận số liệu chứ không thừa nhận đây là trạng thái mua bán vàng.

Theo bầu Kiên, trước 2012, pháp luật không có quy định về việc đầu tư trạng thái giá vàng là kinh doanh vàng. Đây không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện (năm 2012, Chính phủ mới ban hành Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó điều chỉnh cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng- PV).

HĐXX sau đó dẫn nội dung Quyết định 03/2006/NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, tại đó đã nêu các khái niệm: “trạng thái vàng của tổ chức tín dụng”, hay “trạng thái vàng của doanh nghiệp kinh doanh vàng”. Cũng theo Quyết định này, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. 

Đáp lại, bầu Kiên nói: “Tôi rất thuộc các nội dung của Quyết định 03. Nội dung đó là “trạng thái vàng” chứ không có quy định nào về “trạng thái giá vàng” và các sản phẩm tài chính phái sinh. Chỉ đến năm 2012 mới có khái niệm này”- bầu Kiên nói.

Theo cáo trạng, ngành nghề kinh doanh của Công ty Thiên Nam là sản xuất may mặc, thêu ren; kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng; đại lý mua bán ký gửi hàng hóa; cửa hàng ăn uống dịch vụ, giải khát… 
Tuy nhiên, tháng 11-2009, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam đã ký văn bản thỏa thuận với Vietinbank, theo đó, Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn được gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng, hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản). Ngoài ra, Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với Ngân hàng ACB.

Chiều nay, Tòa sẽ bắt đầu làm việc vào lúc 14 giờ với phần thẩm vấn.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm