Bỏ pháp y của công an tỉnh?

Ngày 20-2, tại TP.HCM, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo góp ý dự luật giám định tư pháp. Nhiều ý kiến đã tranh luận gay gắt về việc gom các tổ chức giám định pháp y công lập cấp tỉnh, TP về đầu mối ngành y tế quản lý...

Gây khó cho công tác điều tra tội phạm?

Hiện nay, nước ta có đến ba hệ thống tổ chức giám định pháp y tồn tại song song thuộc ba bộ (Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng). Mỗi nơi áp dụng một quy trình giám định riêng, dẫn đến việc có thể có những kết quả khác nhau.

Viện Pháp y (Bộ Y tế) cho rằng do lực lượng pháp y bị phân chia ở ba bộ nên pháp y không phát triển được. Bộ Tư pháp cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng để tổ chức pháp y trong ngành công an quản lý sẽ thiếu khách quan khi giải quyết các vụ án.

Vì vậy, dự luật giám định tư pháp đã quy định theo hướng bãi bỏ tổ chức pháp y thuộc công an các tỉnh, thành và giao cho trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế các địa phương đảm nhiệm.

Tuy nhiên, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, lại khẳng định cần thiết phải duy trì hệ thống giám định pháp y trong lực lượng công an bởi giám định của ngành y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xóa bỏ hay thu hẹp hệ thống pháp y trong ngành công an sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Bỏ pháp y của công an tỉnh? ảnh 1

Việc gom các tổ chức giám định pháp y về đầu mối ngành y tế quản lý có nhiều ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Giám định thương tích trong một vụ án. Ảnh: NĐH

Trước hết, để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, các giám định viên pháp y phải có đủ kiến thức về pháp luật và kỹ thuật hình sự xác định nguyên nhân, tính chất vụ việc để khẩn trương truy tìm thủ phạm theo dấu vết nóng và xây dựng kế hoạch điều tra phù hợp. Trong các vụ giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích…, giám định pháp y không chỉ đơn thuần làm rõ nguyên nhân chết người, mức độ tổn hại… (thuộc lĩnh vực y tế) mà còn phải phân tích, đánh giá để xác định cơ chế hình thành dấu vết, hung khí gây án, vị trí, tư thế, cách thức thủ phạm sử dụng hung khí…

Đa số vụ việc đều cần phải có các lực lượng chuyên môn khác của kỹ thuật hình sự hỗ trợ để giám định dấu vết vân tay, giám định súng đạn, dấu vết công cụ… Điển hình trong vụ cướp tiệm vàng Bắc Giang, tuy có nhiều luồng dư luận khác nhau nhưng qua giám định pháp y, cơ quan điều tra mới xác định được chỉ có một hung thủ gây án.

“Với thực tế đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y của ngành công an và sự hỗ trợ của các lực lượng chuyên môn kỹ thuật hình sự khác thì giám định viên của ngành công an đáp ứng tốt yêu cầu, còn giám định viên của ngành y tế thì chưa” - ông Ngọ nhấn mạnh.

Mặt khác, giám định viên pháp y là sĩ quan công an, phải sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh khó khăn, bất kể ngày đêm, hiện trường ở vùng sâu vùng xa, thậm chí gia đình nạn nhân chống đối, cản trở. Trong những vụ giết người, hiếp dâm, tai nạn giao thông thì không thể để tử thi ở hiện trường kéo dài mà chờ đợi giám định viên. Rất nhiều chuyện phức tạp, nhạy cảm kéo theo mà lúc cần thì tìm giám định viên ngành y tế rất khó.

Trên thực tế, ở những địa phương nào mà công an chưa có bác sĩ pháp y thì công tác điều tra xử lý tội phạm rất khó khăn, thậm chí có những vụ còn bế tắc.

Trung tướng Ngọ còn băn khoăn: Nếu chuyển pháp y sang ngành y tế thì Sở Y tế các địa phương có đảm nhận được (hiện công an cấp tỉnh thực hiện giám định pháp y trên 60% tổng số vụ việc)? Theo báo cáo từ 56 tỉnh, thành thì có đến 40 tỉnh, thành cả hai ngành công an và y tế đều thống nhất đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức giám định pháp y hiện nay.

Ngành y tế đủ sức đảm đương?

Ngược lại, BS Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM, khẳng định giám định pháp y của ngành y tế hoàn toàn có thể hoàn thành tốt yêu cầu giám định.

BS Hiếu dẫn chứng: Năm qua, Trung tâm Pháp y TP.HCM thực hiện 1.682 ca giải phẫu tử thi (chiếm tỉ lệ 2/3), phía pháp y của Công an TP chỉ làm 875 ca (1/3). Còn giám định pháp y các mảng độ tuổi, xâm hại tình dục, tổn hại sức khỏe, giám định gen, độc chất… thì Trung tâm Pháp y TP làm hết.

Trung tâm Pháp y TP còn giám định cho cả những tỉnh, thành lân cận và làm rất nhanh. Vụ ngộ độc rượu tại Lâm Đồng, vụ bốn nạn nhân chết cháy ở Bình Thuận đã áp dụng những kỹ thuật mới cho kết quả giám định ngay trong ngày. Giám định viên ngành y tế cũng không hề ngại khó, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ 24/24 giờ.

Mặt khác, giám định viên ngành y tế có ưu thế chuyên môn sâu, trong những trường hợp khó có thể huy động những giáo sư đầu ngành cùng đánh giá, phân tích đưa ra những kết quả chuẩn xác. Có những ca đột tử rất phức tạp mà một bác sĩ pháp y thông thường khó kết luận được, phải cần đến những bác sĩ pháp y chuyên sâu về tim, phổi, não… cùng phân tích thì mới đánh giá chuẩn xác.

Chẳng hạn, một người nhũn não rồi té xuống, đập đầu, tử vong thì không thể đơn giản kết luận là chấn thương sọ não chết, điều này dẫn đến hậu quả cực kỳ nguy hiểm cho cơ quan tố tụng mà phải phân tích sâu về cơ chế gây tử vong.

BS Hiếu phản biện thêm: Những năm qua, Trung tâm Pháp y TP.HCM đã có đến bảy công trình khoa học pháp y, còn chưa thấy phía pháp y của Công an TP đưa ra công trình nghiên cứu khoa học nào. Vì vậy, không nên lo ngại mà có thể yên tâm về chất lượng đội ngũ giám định viên ngành y tế.

Theo BS Hiếu, pháp y là lĩnh vực khoa học đòi hỏi chuyên môn sâu, nên giao cho Bộ Y tế. Bộ Công an nên tập trung vào kỹ thuật hình sự, không nên dàn trải ôm vào mảng pháp y.

Còn nếu tồn tại song song hai hệ thống pháp y của ngành công an và ngành y tế như hiện nay, cùng lúc phải trang bị hai hệ thống thiết bị giám định thì rất tốn kém, lãng phí.

Tách bạch pháp y và kỹ thuật hình sự

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, lý do duy trì pháp y trong lực lượng công an tỉnh, thành nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra chưa thuyết phục. Tuy cơ quan điều tra và tổ chức pháp y khác nhau nhưng cùng thực hiện hoạt động chứng minh tội phạm, cùng nằm trong lực lượng CAND nên người dân nhìn vào còn lo ngại tính khách quan. Do đó cần thiết phải tách bạch pháp y và kỹ thuật hình sự.

Cũng theo bà Thu Ba, trong xu hướng cải cách tư pháp thì không nên vì lợi ích cục bộ. Trong khi Trung tâm Pháp y TP.HCM có nhiều cán bộ giỏi, kỹ thuật hiện đại thì pháp y của ngành y tế một số tỉnh, thành còn khó khăn. Dự thảo đặt ra lộ trình ba năm chuyển giao từng bước lĩnh vực pháp y về Sở Y tế địa phương nhưng không có nghĩa áp dụng cứng nhắc mà nơi nào có đủ điều kiện thì nên làm trước.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm