Bỏ phố về quê nuôi gà quý

Với mục đích bảo tồn giống gà tre mã lại, sau gần hai năm âm thầm gây giống, anh Đăng đã lai tạo ra được nhiều chú gà kiểng rất đẹp, nhiều con được đánh giá là độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được Hiệp hội gà Lông Vũ thế giới đánh giá cao.

Bỏ phố về quê

Sinh ra ở Phú Nnhuận, từ hồi tám tuổi, anh Đăng đã theo các anh trong vùng ra chợ Phú Nhuận, chợ Bà Chiểu xem gà và mê gà kiểng từ thời niên thiếu.

Sau này, một lần có người bạn than thở muốn kiếm một con gà kiểng tặng cho con trai nhưng tìm hoài không thấy. Anh Đăng ngạc nhiên: “Trước năm 1975, gà tre nuôi thịnh hành, bán dọc chợ khắp miền Nam mà giờ chả lẽ không có”. Từ đó, anh ấp ủ ý nghĩ sẽ nuôi và phổ biến giống gà tre mã lại. Nói là làm, năm 2006, anh xuống Tây Ninh thuê đất nuôi gà. Tuy nhiên, do công việc kinh doanh còn dang dở nên chủ yếu để vợ chăm sóc. Tháng 12-2009, anh quyết định từ bỏ hẳn việc kinh doanh để đến huyện Hòa Thành (Tây Ninh) thuê đất dồn sức cho đàn gà.

Bỏ phố về quê nuôi gà quý ảnh 1

Nhiều người chơi gà kiểng từ khắp các tỉnh miền Nam đổ về một quán cà phê ở Tây Ninh để cùng nhau chiêm ngưỡng những con gà quý. Ảnh: HÀN GIANG

“Người nhà và bạn bè rất ngạc nhiên, thậm chí phản ứng khi tôi quyết định dành hết thời gian cho việc nuôi gà kiểng. Ai cũng lo lắng liệu việc từ bỏ mức thu nhập 1.000 USD/tháng để đi làm một việc chẳng biết tương lai ra sao có nên hay không. Ai cũng hoang mang lo lắng cho tôi. Tôi phải nhiều lần thuyết phục họ về vẻ đẹp, đặc tính và sự quý hiếm của giống gà này mãi mới được ủng hộ” - anh kể.

Bán đất nuôi gà

Từ ngày bỏ phố về quê nuôi gà kiểng tới nay, anh đã phải bán hai miếng đất hơn 3.000 m2 để “cho gà ăn”. “Có người khuyên tôi nên nuôi thêm trăn, con gà nào bệnh thì làm mồi cho trăn ăn luôn để khỏi lây lan bệnh nhưng tôi kiên quyết không chịu. Con nào bệnh, tôi tách riêng ra để chăm sóc tới cùng, nếu chẳng may nó chết thì đem chôn” - anh Đăng chia sẻ.

Vì mặt bằng ở TP.HCM hiếm và đắt nên sau khi mua được gần 40 con gà mã lại, anh Đăng đành phải về đây thuê đất nuôi. “Mỗi chuồng diện tích khoảng 2 x 4 m, chỉ nuôi được bốn con gà mái và một con gà trống. Nếu ở thành phố thì không thể nào phát triển được. Trang trại của tôi hiện có gần 400 con gà mã lại, chi phí cho chúng ăn mỗi ngày lên tới cả triệu bạc” - anh Đăng cười, chia sẻ lý do bán đất của mình.

Bỏ phố về quê nuôi gà quý ảnh 2

Chú gà bạch nhạn quý hiếm. Ảnh: HÀN GIANG

Anh mê gà đến mức mỗi buổi sáng nghe tiếng gà gáy, anh có thể biết được con gà nào đang gáy, ở chuồng số mấy. “Nhiều lúc, mình chỉ cần búng tay vào là lông của nó liền xòe ra. Mỗi con có một dáng đi rất vui vẻ, nhanh nhẹn, vừa đi, trong miệng vừa phát ra tiếng cúc cúc rất vui tai”. Tiếng gáy rất to giống gà rừng, mỗi con anh đều đặt tên cho nó: “Anh nhìn xem, con “Cốt Đòn” kia thuộc đuôi một lớp, bước đi mạnh mẽ, còn chú gà “Cốt Lông” này, bộ đuôi hai lớp, dáng đi oai phong, rất đẹp, con “Phụng Vĩ” có tiếng gáy rất thanh thoát”. Vừa nói, anh vừa chỉ vào một chú gà quý đang bươi cát và rồi nói thêm: “Nhìn chúng dễ thương thế, có bán hết cả cơ nghiệp để bảo tồn giống gà này, tôi cũng chấp nhận”.

Bảo tồn gà quý

Anh Đăng cho biết: “Những năm sau 1975, cuộc sống khó khăn, tất cả gà tre bị lai tạo xử thịt, giống gà thuần chủng mất dần. Người ta ghét gà tre vì nó đạp mái lai tạo cho ra giống gà nhỏ con, không có lợi về mặt kinh tế, thấy gà tre là xua đuổi. Hồi đó, không ai nuôi để làm kiểng, mà để lấy thịt thì giống gà đó quá nhỏ”.

Năm 2006, giống gà mã lại đuôi quạt đầu tiên ở TP.HCM được ông Bảy C. (quận 8) đổ giống (phối giống) và cho ra những chú gà đầu tiên cực đẹp. Con gà có hình dáng giống chú công đực đang xòe đuôi tỏ tình với bạn gái. Bộ đuôi của chú gà thẳng đứng, đẹp như đuôi công. Thế nhưng sau một đợt dịch, giống gà này gần như bị chết sạch. Năm 2008, sau khi thành lập Hội Gà cảnh TP.HCM, hội đã lấy hình ảnh con gà này làm biểu tượng của hội. Tuy nhiên, hầu hết những người chơi đều không giữ lại được dòng gà mã lại này nữa. “Nhận thấy nguy cơ tuyệt chủng của giống gà này rất cao, tôi mày mò tìm kiếm tài liệu nghiên cứu để kiếm giống. Lần mò khắp các tỉnh miền Nam, sau một năm mới tìm được giống gà này. Trong quá trình đổ giống hàng trăm lần, tôi mới cho ra được những chú gà đuôi quạt đầu tiên.

Bỏ phố về quê nuôi gà quý ảnh 3

Anh Nguyễn Hải Đăng bên chú gà mã lại màu xám đuôi quạt quý hiếm của mình. Giá mỗi con lên tới cả ngàn đô. Ảnh: HÀN GIANG

Hiện nay số người nuôi gà kiểng ở TP.HCM còn quá ít, họ lại vướng nhiều thủ tục pháp lý. Nhiều người dạt về các vùng ven TP.HCM như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để chơi. Tôi cũng nhiều lần lên trạm thú y huyện đăng ký các thủ tục pháp lý, kiểm dịch để chăn nuôi một cách hợp pháp. Cán bộ ở đây hỏi số lượng bao nhiêu, tôi trả lời khoảng 400 con. Mấy ổng bảo biết rồi, về đi. Nhiều lúc tôi cũng lo lắng, gà mình tuy số lượng ít nhưng mỗi con rẻ cũng tiền triệu đến vài chục triệu đồng. Nếu không được đăng ký cấp phép chăn nuôi, kiểm dịch lúc xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại rất lớn.

Sau khi phổ biến được giống gà này, tôi có nhã ý tặng lại một vài cặp gà tre mã lại đuôi quạt cho Thảo Cầm Viên để mọi người có thể chiêm ngưỡng giống gà từng một thời tuyệt chủng này”.

Tiêu chuẩn “gà hoa hậu”

Gà tre mã lại gọi là gà mã lại (hoặc gà mái lại theo tên gọi cách đây hơn 50 năm) du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20 từ các vị công sứ người Pháp khi họ sinh sống, làm việc tại Việt Nam và các nước châu Á. Dòng gà mã lại kiểng có đặc điểm chân thấp, bộ đuôi xiên. Dòng gà mã lại đá mang đặc điểm chân cao, bộ đuôi tôm một lớp.

Phần đầu cái mào và cái tích phải cân đối với khuôn mặt, cái tích tai phải màu trắng (có nét đặc trưng của gà rừng); bộ đuôi phải cân đối và phải xòe ra giống hình cây quạt hoặc bộ đuôi của con công trống; mặt phải màu son (đỏ hoặc đỏ sậm).

Về màu sắc, tùy theo thị hiếu người chơi nhưng những chú gà đắt giá thường có bộ lông màu trắng (gà nhạn), đặc biệt là bạch nhạn (lông trắng, mỏ trắng, tích tai trắng, chân, móng, cựa trắng…). Gà bạch nhạn có giá không dưới 20 triệu đồng/con. Ngoài ra, gà ô tuyền cũng được liệt vào danh sách những chú gà vô giá. Toàn bộ cơ thể của giống gà này đều có màu đen. Hiện anh Nguyễn Hải Đăng có hai con gà bạch nhạn và ô tuyền mà theo anh thì ở TP.HCM không thể có con thứ ba.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm