Buồng hạnh phúc trong trại giam

Buồng hạnh phúc còn có tên gọi khác là Nhà 24 giờ. Đây thực sự là nguồn động viên lớn để các phạm nhân tích cực cải tạo để sớm hòa nhập cộng đồng.

Nhà 24 giờ

Nhà 24 giờ ra đời khi nào? Ai là người sáng lập?... Phải tốn khá nhiều thời gian và công sức tìm hiểu chúng tôi mới tìm được lời lý giải.

Cụ Võ Đình Nhân, nguyên là phó cục trưởng Cục Cảnh sát trại giam - Bộ Công an, nay đã 88 tuổi, kể lại: Người có công sáng lập ra buồng hạnh phúc trong trại giam là cụ Hoàng Mai, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát trại giam thời kỳ 1960. Khi đó, cụ Nhân đang là cục phó, người hỗ trợ đắc lực, cùng đồng chí cục trưởng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Nhà 24 giờ.

Những năm 1960, cả nước có hai loại trại giam: Một là nơi chuyên giam giữ những đối tượng phạm tội hình sự, bị kết án; hai là nơi tập trung cải tạo những thành phần chống phá cách mạng. Đối với nơi tập trung cải tạo, lãnh đạo cục chủ trương không quá khắt khe trong công tác giam giữ, nếu ai cải tạo tốt, tiến bộ thì sẽ cho phép họ được gặp riêng người thân trong vòng 24 giờ. Thoạt đầu ý tưởng này của cụ Hoàng Mai đã gặp nhiều ý kiến phản đối quyết liệt. Có người cho rằng đó là nơi giam giữ những người phạm tội, vậy tại sao lại để vợ chồng được phép ngủ với nhau ở đó. Nhưng Cục trưởng Hoàng Mai nói rằng đó là sự động viên lớn đối với những người đang cải tạo. Được gặp gia đình, vợ con, họ sẽ yên tâm cải tạo, lao động tích cực hơn nữa để ngày về ngắn lại.

Buồng hạnh phúc trong trại giam ảnh 1

Nhà hạnh phúc tại Trại giam Ngọc Lý. Ảnh: VIẾT THỊNH

Năm 1960, lãnh đạo Bộ Công an đồng ý thông qua và Nhà 24 giờ đầu tiên đã ra đời tại Trại giam Bất Bạt, Sơn Tây. Có khoảng 5-6 gian buồng hạnh phúc mở cửa đón người nhà của người đang cải tạo vào thăm.

Từ khi Nhà 24 giờ đi vào hoạt động, mọi người từ lãnh đạo Cục Trại giam, giám thị, cán bộ quản giáo cho đến những người đang tập trung cải tạo đều nhận thấy mặt tích cực của ngôi nhà này. Tuy nhiên, một năm sau thì Trại Bất Bạt bị đế quốc Mỹ đánh sập, toàn bộ khu trại được sơ tán và nhập về Trại Phú Sơn 4 (Thái Nguyên). Từ đó, Nhà 24 giờ được khuyến khích, áp dụng cho tất cả các trại giam. Đến nay thì 100% các trại giam đều có Nhà 24 giờ và những ngôi nhà hạnh phúc này ngày càng được quan tâm, đầu tư hơn để khuyến khích các phạm nhân cùng gia đình họ có thêm nhiều thời gian thăm gặp.

Làm đơn vào trại thăm chồng để có con

Theo quy định của trại giam, các phạm nhân khi gặp vợ (hoặc chồng) phải thực hiện tốt các biện pháp tránh thai trong quá trình thăm gặp tại buồng hạnh phúc. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ được lãnh đạo trại xem xét đặc cách. “Những trường hợp như phạm nhân là tử tù, án lâu năm chưa có con…, nếu gia đình có nguyện vọng và được sự chấp thuận của địa phương sẽ được trại xem xét được gặp vợ tại phòng hạnh phúc” - một giám thị Trại Phú Sơn cho biết.

Quang - một phạm nhân quê ở Bắc Giang đang thụ án chung thân và cải tạo tại Trại Phú Sơn 4 là một trong những trường hợp hi hữu như thế. Quang phạm tội mua bán trái phép chất ma túy một tháng sau khi vừa cưới vợ. Anh ta bị bắt và đi thụ án. Sự việc này khiến bố mẹ Quang vô cùng đau lòng bởi anh ta là con trai độc nhất, giờ lại lãnh án chung thân. Thế là gia đình Quang mỗi người viết một lá đơn, có đóng dấu xác nhận của xã nơi gia đình đang sinh sống, trong đơn nêu rõ hoàn cảnh hiếm muộn của gia đình, muốn được ban giám thị tạo điều kiện cho vợ Quang được thăm gặp hằng tháng để có thể có con.

Đại úy Nguyễn Đức Thuận, Đội trưởng Đội Giáo dục, Phân trại số 1, nơi phạm nhân Quang đang cải tạo, cho biết lúc đầu vào trại Quang có tâm lý hoang mang vì bản án cao nên anh ta chán nản, lười lao động... Sau khi được gặp vợ ở phòng hạnh phúc, Quang đã tiến bộ hẳn, anh ta tích cực cải tạo và tháng nào cũng được gặp vợ đều đặn. Nhưng những nỗ lực của hai vợ chồng Quang cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ quản giáo trong trại không giúp được vợ Quang có bầu vì lỗi hiếm muộn lại ở người vợ.

Buồng hạnh phúc trong trại giam ảnh 2

 Phạm nhân Thắng và vợ trong căn buồng hạnh phúc. Ảnh: VIẾT THỊNH

“Nốt lặng” ở buồng hạnh phúc

Tuy nhiên, phạm nhân Quang còn may mắn hơn so với phạm nhân Vũ Lăng Vương (ngụ Phú Bình, Thái Nguyên). Vương phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, án phạt 13 năm. Gặp Vương ở Trại giam Phú Sơn 4, Vương tâm sự vợ anh ta là giáo viên, hiện đang chăm sóc ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn ở quê. Hồi ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên, thi thoảng vợ Vương cũng lên thăm. Nhưng từ khi chuyển lên Trại Phú Sơn thì không hiểu sao cô ấy bặt tăm. “Tôi cải tạo tốt lắm, thừa tiêu chuẩn được gặp vợ ở buồng hạnh phúc. Nhưng gần một năm nay vợ tôi không lên thăm. Lần nào có tiêu chuẩn tôi cũng gọi điện thoại cho vợ bảo lên nhưng cô ta cứ thoái thác” - Vương chia sẻ. Tôi hỏi Vương phải chăng vợ anh ta thay lòng đổi dạ, Vương nói chắc như đinh đóng cột: “Tôi tin vợ tuyệt đối, cô ấy không phải là người dễ thay đổi. Nhưng tính vợ tôi hơi khô khan và có phần… lãnh cảm. Án tôi 13 năm nhưng giờ mới trả án được ba năm, còn 10 năm nữa. Tôi chỉ tiếc mình đang ở tuổi khỏe nhất, sung sức nhất mà không được “gặp” vợ”. Phạm nhân buồn bã nói rồi quay mặt ra phía cổng trại, nơi có những phụ nữ đang líu tíu làm thủ tục vào thăm chồng.

Ở Trại giam Ngọc Lý, Bộ Công an (đóng tại tỉnh Bắc Giang), chúng tôi được chứng kiến cuộc gặp mặt đầy hạnh phúc của vợ chồng phạm nhân Dương Việt Thắng (sinh năm 1979, ngụ Bắc Ninh), phạm tội hủy hoại tài sản, thụ án năm năm. Thắng từng tham gia vụ đòi nợ thuê gây chấn động dư luận ở Bắc Ninh. Trước khi bị bắt, Thắng là giáo viên cùng trường với vợ dạy môn nhạc, cuộc sống hạnh phúc bên cậu con trai chín tuổi. Đang yên lành thì Thắng phạm tội và phải đi trả án để vợ con ở nhà vô cùng phiền muộn.

Nhưng khi vào trại, Thắng lao động, cải tạo rất tích cực nên có đủ tiêu chuẩn được gặp vợ ở Nhà 24 giờ. Trung tá Trần Như Ba, cán bộ quản lý nhà thăm gặp, cho biết trong số các phạm nhân ở đây thì Thắng là người gặp riêng vợ nhiều nhất. Vợ Thắng như người quen ở trại, mỗi lần trại có chương trình văn nghệ hay giao lưu thì chị đều lên, cùng chồng tham gia chơi đàn, biểu diễn góp vui.

Hôm chúng tôi lên Trại Ngọc Lý thì cũng là lúc gặp vợ chồng Thắng đang làm thủ tục vào nhận buồng hạnh phúc. Căn buồng 10 m2 tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi và trọn vẹn riêng tư để họ cùng nhau thỏa thuê hạnh phúc sau một tháng cách xa. Tuy ở xa nhưng hạnh phúc với họ luôn thật gần.

Từ năm 1990 đến nay, trại cho xây khu thăm gặp riêng thành dãy nhà hai tầng với nhiều phòng tiện nghi như khách sạn, nhà nghỉ. Trước đây, tỉ lệ ly hôn của các phạm nhân mang án chung thân, án dài là rất cao. Nhưng từ khi nhà hạnh phúc được mở rộng và nâng cấp thì tỉ lệ này giảm hẳn.

Thượng tá HOÀNG MẠNH QUÂN,
Phó giám thị Trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an

MINH HÀ - VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm