Cá ba sa hay cá basa?

Nhưng theo em biết tên gọi "cá ba sa" là tiếng Việt thuần túy. Thuở nhỏ sinh ra ở miền Tây Nam bộ, em vẫn thường ăn cá ba sa nấu canh chua hay kho tộ. Khi nước mình xuất khẩu cá ba sa của nước mình ra nước ngoài, họ mới lấy tên tiếng Việt mà dùng theo nên viết là "basa" hay "catfish" tức là loại cá có râu như con mèo.

Vậy sao bây giờ báo chí mình không dùng tiếng Việt gọi là "cá ba sa" mà lại viết theo tiếng nước ngoài là "cá basa"?

ANH PHÓ trả lời: Em Ngọc Thành thân mến,

Tôi đồng ý với em là từ lâu ở nước ta có giống cá da trơn gọi là "cá ba sa". Chữ "ba sa" là tiếng Việt thuần túy, mang tính "truyền thống" của người Nam bộ. Từ điển từ ngữ Nam bộ của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (do Huỳnh Công Tín biên soạn), NXB Khoa học xã hội có giải thích: "Ba sa là loại cá da trơn, bụng trắng, to có ba sa mỡ ở bên trong, cá sống ở sông lớn thuộc nhóm cá tra, nay được nuôi bè, có ngạnh hai bên thân, con lớn đến vài ký-lô. Nông dân An Giang, Đồng Tháp hiện nay đang nuôi rất nhiều cá ba sa để xuất khẩu" (Sđd, trang 100).

Như vậy "ba sa" vốn gốc là tiếng Việt, được người nước ngoài mô phỏng theo mà viết là "basa". Nay báo chí Việt Nam lại viết theo chữ nước ngoài, không dùng chữ Việt thì có lẽ cũng là vi phạm nghĩa vụ của báo chí Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Báo chí: Báo chí có nhiệm vụ "góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".

Cho nên tôi cũng nghĩ như em vậy.

Thân mến chào em.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm