Cá nhân dạy môi trường di động tại Đức

Điều ấn tượng nhất với tôi trong chuyến đi là xe di động dạy cho trẻ em về sinh thái.

Một trong những điều thú vị nhất khi đến Đức là được trải nghiệm, học tập và thảo luận các vấn đề môi trường trên chiếc xe buýt xanh Lumbricus - chiếc xe vừa là lớp học di động cho trẻ em về vấn đề môi trường, vừa là một đơn vị nghiên cứu môi trường di động.

Muốn học sinh thái phải đi thực tế

Đó là triết lý đơn giản nhưng quan trọng và hiệu quả của ông Ottmar Hartwig, một trong những người sáng lập và giảng dạy sinh thái di động tại Đức. “Nếu bạn muốn học bơi, bạn phải đến hồ bơi và xuống nước. Nếu muốn trở thành người chơi đàn, bạn phải cầm lấy nhạc cụ và tập. Học về môi trường, sinh thái cũng đòi hỏi những trải nghiệm thực sự ngoài cuộc sống chứ không chỉ nhìn qua sách vở” - ông Ottmar nhấn mạnh.

Những người Đức điển hình như ông Ottmar thích làm hơn là nói, đó là điều mà hầu hết đại sứ Môi trường Bayer đến từ 19 nước trên toàn thế giới có thể nhận ra và học tập. Trong khoa học và trong cả cách giáo dục con người, đặc biệt về vấn đề sinh thái, môi trường, người Đức đặc biệt chú ý đến yếu tố “thực hành” và mục tiêu “thấu hiểu” chứ không phải “thuộc lòng”. Thế nên những giáo viên ở đây đều chú trọng phương châm học từ việc thực hành, trải nghiệm thực tế, khẩu hiệu của họ là Learning by doing (học bằng thực hành).

Cá nhân dạy môi trường di động tại Đức ảnh 1

Lớp học di động Lumbricus được trang trí bắt mắtvới trẻ em. Ảnh: Comenius-gymnasium.de

Với kinh nghiệm lâu năm giảng dạy trẻ nhỏ, ông Ottmar giải thích: “Trẻ nhỏ sẽ nhớ điều bạn dạy nếu chúng được học bằng hình vẽ, video... Bọn trẻ không nhớ kiến thức như vẹt mà chúng sẽ hiểu tường tận vấn đề nếu được thực hành những gì chúng đã học”.

Ông Ottmar kết luận muốn hiệu quả thì phải cho trẻ được tận tay chạm vào và cảm nhận. “Giống như bạn cho trẻ vuốt ve một con mèo có bộ lông mượt, sau đó chúng sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ con mèo khỏi bụi tro nơi góc nhà, xó bếp” - ông nói.

Trực quan sinh động trên xe buýt Lumbricus

Chiếc xe được trang trí đẹp mắt với các họa tiết gần gũi với trẻ em. Bên trong xe là một lớp học đầy đủ bàn ghế, được trang bị từ các học cụ đơn giản như tranh ảnh, biểu đồ, mô hình… đến các thiết bị nghe nhìn điện tử cho người học tiện sử dụng. Kết hợp với các thiết bị này là nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, tương thích với từng lứa tuổi học sinh, thậm chí cho cả người lớn.

Mỗi buổi học lý thuyết trong xe người học được quan sát mô hình, sau đó ra khỏi xe để tiếp xúc thực tế. Ví dụ, khi học về giun đất, các em sẽ đi thực tế đến những vùng giun đất hay sinh sống để quan sát, thu thập kiến thức về các yếu tố sinh học như da, các đốt, cách di chuyển, tác dụng làm tơi xốp đất của loài giun. Học sinh còn được đến nhiều vùng đất khác nhau để so sánh về thảm động, thực vật giữa các khu vực. Từ đó, các em sẽ rút ra bài học về ảnh hưởng của rừng cây, nguồn nước đến sự phân bố của môi trường xung quanh.

Cá nhân dạy môi trường di động tại Đức ảnh 2

Bên trong xe Lumbricus là một lớp học môi trường rất tiện nghi. Ảnh: Đ.THIỆN

“Bọn trẻ được tận mắt chứng kiến con ve sầu lột xác buổi đêm hay con bướm thoát khỏi cái kén như thế nào. Chúng cũng được nhìn thấy sự đa dạng của động, thực vật trong các cánh rừng. Từ đó, chúng nhận ra nơi rừng bị tàn phá sẽ có ít cỏ cây, hoa lá hơn, chúng sẽ biết nên làm gì và điều gì cần tránh” - ông Ottmar Hartwig hăng say kể bên cạnh màn hình đang chiếu những hoạt động của Lumbricus.

Các buổi học mà chúng tôi được tham gia hầu hết đều diễn ra trong phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện hiện đại. Ngay cả các bài học về nguồn nước, rừng, rác thải, cây xanh, vật liệu xây dựng mới… đều có trang bị đầy đủ dụng cụ cần thiết để người học “sờ vào” và làm thử. Điều quan trọng là sau giờ học lý thuyết có mô hình, người học được vào rừng, khu bảo tồn, đi đến các con sông, nhà máy xử lý rác thải hay chế biến vật liệu… để nắm rõ bài học.

Kết quả thực tế của những khóa học môi trường di động là bọn trẻ có thể đọc tốt mức độ ô nhiễm hay tình trạng cảnh báo thông qua màu sắc trên các biểu đồ, biết chọn giống cây trồng phù hợp để cải thiện độ PH cho đất… Đáng ngạc nhiên hơn, chúng có thể nhận ra một số lỗi dễ mắc phải khi quy hoạch kênh rạch, ao hồ tại các vùng nông thôn ở Đức. Ông Ottmar Hartwig chia sẻ thêm: “Ngoài việc được học rất nhiều về sinh thái, môi trường từ thực tế, các nhóm học viên còn đưa ra những sáng kiến tốt nhất để có thể tham gia vào việc bảo vệ thiên nhiên xung quanh”.

Người dạy phải trải nghiệm trước

Ông Ottmar và nhiều đồng nghiệp đã nỗ lực xây dựng mô hình chiếc xe Lumbricus hoàn thiện. Ông nhận được sự hỗ trợ của Viện Bảo vệ môi trường và tự nhiên bang Northrhine-Westfalia. Trung bình mỗi năm, Lumbricus tổ chức lớp học cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Cá nhân dạy môi trường di động tại Đức ảnh 3

Ông Ottmar Hartwig, sáng lập viên lớp học di động Lumbricus. Ảnh: Đ.THIỆN

Một đối tượng khác của mô hình xe buýt xanh Lumbricus là người giảng dạy các bộ môn sinh học, môi trường trong cả nước. Những học viên là giảng viên này cũng sẽ được dạy học trên xe bằng phương pháp tiếp cận riêng, được trải nghiệm thực tế tại nhiều nơi để có ý tưởng thiết kế giáo án giảng dạy. Những bài nào giáo viên dạy cho học sinh cũng đều được quan sát, tham gia vào thực tế thông qua hoạt động du khảo sinh thái. Ông Ottmar Hartwig hướng dẫn họ cách dạy trẻ em hiệu quả và thiết thực. Các buổi học, học viên sẽ chủ động ghi hình, chụp ảnh làm tư liệu để áp dụng vào phương pháp giảng dạy của riêng họ tại trường.

Ông Ottmar Hartwig khiêm tốn nói: “Tôi không phải giáo sư, tiến sĩ. Tôi chỉ là một nhà khoa học về địa lý và sinh thái. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, hài lòng nhất với tôi đó là tôi được dạy học một cách trực quan, thực tế”. Hầu hết giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học giảng dạy trong chương trình của Lumbricus đều làm việc tại những tổ chức “hành động” như: Cục Bảo vệ môi trường, bộ phận quản lý nguồn nước, chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, xử lý rác thải, quản lý các dự án về tiết kiệm thức ăn, năng lượng. Do đó, ngoài kiến thức thực tế phong phú, những thao tác nghiệp vụ của họ cũng vô cùng thành thạo. Nhiều giáo viên khi rời khóa học của ông đã chia sẻ các bài giảng về môi trường của họ sau đó đã sinh động, thực tế hơn rất nhiều và họ thực sự mong muốn trẻ em luôn được nhìn tận mắt, sờ tận tay kho báu thiên nhiên mà chúng ta đang có.

Trên thế giới hiện nay chưa có nhiều nước áp dụng mô hình lớp học di động như ở Đức, dù ở một số nơi, ý tưởng này đã được thử nghiệm. Ông Ottmar Hartwig muốn biến xe Lumbricus thành nơi tập huấn, đào tạo những ai muốn làm giáo viên dạy môi trường, sinh thái giống ông. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu triển khai các dự án tương tự Lumbricus có thể tham khảo thông tin tại www.lumbricus.nrw.de và có thể liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ.

ĐỖ THIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm