Cần một trái tim nóng chứ không phải cái đầu nóng

Cũng có người cho rằng BLHS quy định mức hình phạt với người chưa thành niên phạm tội chưa phù hợp với tình hình xã hội hiện nay vì tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày một gia tăng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...

Lùi lại thời gian, khi chưa có BLHS năm 1985 (BLHS đầu tiên của nước ta), đã có tòa án kết án tử hình một bị cáo chưa đủ 18 tuổi phạm tội giết người cướp tài sản. Vụ án này đã được bàn thảo rất kỹ khi ban hành BLHS năm 1985. Khi đó, có ý kiến cho rằng vẫn có thể áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với người chưa thành niên. Tuy nhiên, cuối cùng BLHS năm 1985 ban hành, quy định mức hình phạt tối đa với người chưa thành niên phạm tội là 20 năm tù. BLHS năm 1999 rút xuống còn 18 năm tù.

Vì sao có điều này? Ai cũng biết thanh thiếu niên là tương lai của đất nước. Việc bồi dưỡng, giáo dục thanh, thiếu niên là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng một cơ quan tổ chức nào. Thanh, thiếu niên hư, có những hành động bạo lực hoặc phạm tội, trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn, gia đình và xã hội. Chúng ta cần có một trái tim nóng chứ không cần cái đầu nóng.

Đúng là thanh thiếu niên ngày càng trưởng thành sớm nhưng không vì thế mà bắt họ phải chịu trách nhiệm sớm hơn. Ở một số nước tiên tiến, họ quy định độ tuổi của người chưa thành niên cao hơn Việt Nam (chưa đủ 19, thậm chí chưa đủ 20). Một xã hội phát triển thì pháp luật hình sự càng khoan hồng với người phạm tội.

Ở ta, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước với người chưa thành niên được thể hiện rất đầy đủ khi BLHS dành hẳn một chương quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc xử lý chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với họ chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù...

Trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm áp dụng rộng rãi các biện pháp tư pháp như ngoài hình phạt tù (giáo dục tại xã, phường, thị trấn), chiếu cố lắm mới cho hưởng án treo… Nhận thức và áp dụng như vậy là chưa quán triệt đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 69 BLHS mà Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung.

Tôi thấy cần phải cụ thể hóa hơn nữa trường hợp nào thì được áp dụng hình phạt tù, trường hợp nào thì không được áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội. TAND Tối cao cần hướng dẫn cụ thể hơn. Ví dụ: Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại, còn các trường hợp khác thì không áp dụng hình phạt tù; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại. Riêng đối với thiệt hại về tài sản thì chỉ áp dụng hình phạt tù đối với trường hợp thiệt hại gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng v.v… Có như vậy mới thể hiện đầy đủ quan điểm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nếu có chủ trương sửa đổi, bổ sung BLHS mà ai đó nêu lại vụ án Lê Văn Luyện để đặt vấn đề áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân với người chưa thành niên phạm tội, tôi tin Quốc hội sẽ không đồng ý, xã hội cũng không đồng tình. Bởi đó là điều không tưởng, đi ngược lại xu thế phát triển và khoan hồng của Nhà nước.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm