Cậu bé lang thang làm chủ studio ảnh cưới

Tới tiệm ảnh cưới Dreams trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) của Hồ Quốc Thống, chúng tôi thấy anh thật tất bật với đủ thứ việc. Hết lo ngắm duyệt ảnh cho khách trước khi giao hàng, anh lại chỉ bảo “đệ tử” chỉnh ảnh cho chuẩn từng đường nét, rồi lại tranh thủ quay ra chơi đùa với cô con gái nhỏ.

Năm năm sống “bụi”

Ngồi nói chuyện với chúng tôi về hướng phát triển nghề nghiệp, ánh mắt Thống sáng lên niềm hy vọng. Anh dự định vay vốn Quỹ Khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM để mở thêm một tiệm studio nữa gần Công viên phần mềm Quang Trung. Tâm sự một hồi, câu chuyện của chúng tôi lại xoay về quãng thời gian Thống sống “bụi” tại Sài Gòn để rồi gặp duyên lập nghiệp như ngày hôm nay. Rơm rớm nước mắt, Thống không giấu nổi nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện đời mình. Anh bảo, nhớ về quá khứ cũng là cách giúp anh sống tốt và phấn đấu nhiều hơn.

Thống sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Từ nhỏ, một tay của Thống đã bị tật teo lại. Nhà nghèo, cứ đến tết thì niềm vui đón xuân không bao giờ về trong gia đình Thống. Không khí gia đình trở nên u ám, buồn tủi hơn vì chủ nợ kéo đến đòi nợ. Nợ chồng nợ, lãi chồng lãi, cả nhà cật lực lao động cũng không thể thoát cảnh túng thiếu. Vậy là Thống quyết nghỉ ngang lớp 7 để cha mẹ dồn tiền lo cho hai người em ăn học.

Cậu bé lang thang làm chủ studio ảnh cưới ảnh 1

Anh Hồ Quốc Thống đang chỉ bảo “đệ tử” chỉnh ảnh cho chuẩn nét. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Theo chân người họ hàng, Thống bỏ nhà vào Sài Gòn với tâm niệm “phải kiếm tiền để gửi về quê”. Ngày Thống đi, cha mẹ vò võ chờ tin, nhiều lần đi tìm nhưng không biết Thống ở đâu. Phương tiện liên lạc ngày ấy cũng không thuận tiện như bây giờ.

Đặt chân lên đất Sài Gòn, Thống thuê nhà trọ ở tạm rồi bắt đầu mưu sinh với đủ thứ nghề. Bán vé số, bán báo, phụ hồ…, việc nào Thống cũng làm qua. Dần dần, việc thì hiếm mà số người ở quê vào Sài Gòn ngày càng đông nên Thống cũng khó kiếm việc. Thống bỏ ra ở “bụi” với tụi bạn cùng cảnh. Ngày đi đánh giày, đêm xuống thì cả nhóm ngủ tại ga Sài Gòn, có bữa lại tụ về ven bờ kênh Nhiêu Lộc. “Nhóm của mình khá đông, cũng có quậy phá nhưng chỉ là trò trẻ con, chưa làm việc gì phạm pháp. Tuy vậy, nhìn bộ dạng lếch thếch của chúng tôi, nhiều người coi thường, xa lánh. Họ không tin chúng tôi là những đứa trẻ tốt. Bởi xung quanh tệ nạn, thói xấu quá nhiều. Khi ấy, tôi rất muốn ngày nào đó mình có nghề nghiệp ổn định, quay về gặp họ để chứng tỏ mình không phải người xấu” - Thống trầm ngâm nhớ lại.

Bén duyên cùng nhiếp ảnh

Năm 2003, một người bạn tên Long giới thiệu Thống đi học lớp nhiếp ảnh miễn phí của Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM. Từ đó, Thống được vào sống trong mái ấm “Trẻ lớn hội nhập” - một dự án thuộc Hội nằm ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Vào lớp nhiếp ảnh, thực sự ban đầu Thống cũng không biết mình sẽ học để làm gì, cũng chưa xác định sẽ lấy nghề đó để xây dựng cơ nghiệp. Được thầy cô giúp đỡ chỉ bảo nhiều, Thống dần thấy thích môn này dù học không xuất sắc.

Quá trình học là khoảng thời gian ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Thống. Nhiều lần gặp khó khăn, Thống nản muốn xin nghỉ. Nhưng nghĩ đến mơ ước có một công việc ổn định, kiếm ra tiền gửi về cho gia đình, Thống lại quyết chí học. Làm quen với máy ảnh, máy vi tính là cả một sự khổ luyện không ngừng đối với Thống. Tay bị tật, cầm máy run nên Thống phải học cách nín thở, bấm máy sao cho ảnh đạt chất lượng và không bị rung. Trong một lần thực tập ở tỉnh Tiền Giang, bức ảnh của Thống được chọn ra để triển lãm cho các bạn khác trong Hội. Đó là sự động viên rất lớn cho sự nỗ lực của anh.

Sau mấy tháng học cơ bản về nhiếp ảnh, Thống được cử đi thực tập tại một studio trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM) trong thời gian bảy tháng. Được mái ấm tặng một chiếc xe đạp cũ, mỗi ngày Thống đạp xe hơn mười mấy km đi tập nghề. “Mỗi tháng chủ tiệm cho mình 30.000 đồng để gửi xe đạp. Nhưng thời gian đầu mình thường làm hư hình nên bị trừ âm tiền. Nhờ những anh đi trước chỉ bảo, mình dần dần làm việc tốt hơn rồi xin đi làm bên ngoài”.

Cậu bé lang thang làm chủ studio ảnh cưới ảnh 2

Rạng rỡ bên con gái. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Phụ việc tại nhiều tiệm ảnh, Thống chắt chiu được ít tiền mới dám về quê thăm gia đình. Cũng từ đó, anh dành dụm mua hai dàn máy vi tính, thuê phòng làm chỗ ở cũng là nơi nhận chỉnh sửa ảnh gia công cho các tiệm khác. Có được “cơ ngơi” nho nhỏ, Thống nhận đưa các em trong mái ấm về ở cùng, vừa dạy nghề, vừa kiếm việc làm thêm cho các em.

Không ngừng ước mơ

Bước ngoặt tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc đời Thống khi anh được tuyên dương là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2006. Trong buổi gặp gỡ các công dân trẻ với lãnh đạo Thành Đoàn TP.HCM, Thống tâm sự ước mơ của mình về một dự án mở studio ảnh cưới khang trang, đưa gia đình và các em nhỏ tới cùng sống, cùng học nghề. Ước mơ đó đã thành hiện thực khi anh nhận được vốn vay từ Quỹ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM là 87 triệu đồng. Ngày khai trương studio, Thống không giấu nổi niềm vui và nước mắt. Từ đó, với vốn liếng về bài học làm quản lý, kinh doanh tích lũy từ những ngày đi làm thuê, Thống dồn hết tâm sức vào studio. Anh cũng nhận thêm và truyền nghề cho nhiều lứa học trò.

Hiện nay, ngoài công việc ổn định, Thống còn có một chỗ dựa vững chắc là gia đình. Cha mẹ và hai em Thống đều đã chuyển từ quê vào sống cùng anh. Cô em gái đang học năm cuối đại học, còn em trai thì theo nghề ảnh. Thống cũng có một mái ấm gia đình riêng với người vợ hiền luôn bên anh những ngày cơ cực, cùng một bé gái xinh xắn.

Vẻ mặt hiện rõ sự rạng ngời, Thống bày tỏ tâm niệm của mình và những dự định trong tương lai: “Giúp đỡ các em là điều mình cần phải làm như để báo đáp một phần công ơn của thầy cô đã giúp mình có được ngày hôm nay. Tuy nhiên, hiện cơ sở chật, số lượng các em đến học ngày càng đông nên phải mở rộng thêm nữa. Sau khi trả được số vốn vay cũ, mình chuẩn bị nhận vay vốn đợt hai của Quỹ khởi nghiệp để mở một studio, dự tính sẽ khai trương trong tháng này”.

Chúng tôi chia tay Thống trong niềm khâm phục sức kiên trì vượt khó của anh. Cuộc sống sẽ mỉm cười khi chúng ta biết ước mơ và không ngừng nỗ lực để biến ước mơ ấy thành sự thật.

TRÙNG KHÁNH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm