BÓNG CÂY KỂ CHUYỆN CUỘC ĐỜI - BÀI 2

Cây me che chắn dân làng

Cây me 600 năm tuổi đứng oai vệ, hùng vĩ như trụ chống trời giữa đồng trong sóc Bà Đen, thuộc ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cây gợi nhớ về một câu ca xưa: “Cây me che bóng mát mỗi chiều ta đứng chờ nhau, dư âm xưa như ngỡ sống lại bên giây phút đầu…”. Tán me xòe rộng như bàn tay mẹ che chở những đứa con trong những năm đầu của thế kỷ 20. Khi bọn giặc, cướp tràn lan trong vùng lăm lăm súng ống, dân làng hai sóc Bà Đen và Chrôy đã thoát chết nhiều lần nhờ trốn ở những bọng rễ khổng lồ của cây.

Cây me như có linh hồn

Trong câu chuyện tiếng được, tiếng mất do không thạo Việt ngữ, ông Chau Phy (75 tuổi), chủ nhân cây me chua, kể lại nhiều câu chuyện ly kỳ đã xảy ra dưới gốc me tồn tại qua hơn nửa thiên niên kỷ. Ông không biết cây me có tự bao giờ, ngay cả ông cố nội của ông cũng chẳng rõ lai lịch của cây me từ đâu mà mọc giữa đồng như thế. “Nếu nhẩm tính thì cây me chua nhà tui đã sống qua tệ lắm cũng bảy thế hệ cha ông. Nó có thể là một cây me mọc tự nhiên giữa rừng, bởi khi tui còn thơ ấu thì chung quanh sóc Bà Đen được bao bọc toàn bằng rừng cây chằng chịt. Tổ tiên, ông bà tui truyền lại rằng không được đốn cây me, vì thế hết đời này sang đời khác, nó vẫn phơi mình cùng nắng, gió trên vùng cát sỏi Thất Sơn này” - ông Phy kể.

Cầm tấm bằng Cây di sản Việt Nam, ông Phy mới ngẫm nghĩ và nghiệm ra giá trị từ những lời khuyên nhủ của tổ tiên. Đã bao lần làng xóm đến xin ông Phy đốn cây me để làm củi, bởi cây chẳng mang lại lợi ích kinh tế gì cho gia đình. Nhưng vì nghe theo lời dặn của ông bà, ông quyết tâm giữ nó lại. “Đến giờ, khi cây me chua được Nhà nước quan tâm, chăm sóc và vinh danh, tui thực sự rất mừng. Ở vùng phum sóc heo hút này, vẫn còn đó một giá trị di sản quý. Nghe bên kiểm lâm người ta nói cây me này ngoài ý nghĩa che mát, bảo vệ môi trường sống trong lành, nó còn là nguồn gen quý của vùng đồi núi nữa. Tui mừng vì mình là chủ của cây me” - ông Phy chia sẻ.

Cây me che chắn dân làng ảnh 1

Bên cây me rợp bóng mát khiến nhiều người xao xuyến nhớ về quê hương, nguồn cội. Ảnh: Vĩnh Sơn

Chuyện đời qua gốc me trải dài sáu thế kỷ, sánh cùng tuổi thọ với cây me thực sự không sao kể xiết. Đến thế hệ của ông Chau Phy, ông vẫn nhớ những câu chuyện trong làng gắn với sự tồn tại của cây me. Ông nói cây me này được ngành kiểm lâm đo phần gốc, xác định bề hoành là bảy thước. Một vài người núp dưới gốc me, người đi ruộng cách chừng vài chục mét nhìn vào là không thể nào phát hiện được. Từ năm ông lên 5-7 tuổi, mỗi chiều gió lộng ra chơi sau nhà, bên gốc cây me, thấy trong người mát rượi. Gần cả đời ông ngắm nhìn cây me qua năm tháng, chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài nhánh mục hay trái chín rơi rụng xuống. Thân cây ấy dường như vẫn cao lớn, hùng vĩ như thế từ bao đời nay.

Chị Nèang Sóc Phon (35 tuổi), là con gái thứ ba trong gia đình, nhận bổn phận phụng dưỡng vợ chồng ông Phy, kể chuyện dân trong sóc Bà Đen và các sóc lân cận rất sợ cây me chua nhà mình, bởi vóc dáng khổng lồ của nó. “Gần đây bên kiểm lâm đến gia đình tui phụ chặt, dọn, phát hoang cây cối chung quanh thân cây nó mới được trống trải như vậy. Ngày trước, nó um tùm ghê lắm. Cứ chạng vạng tối, bà con người Khmer đi cấy lúa, khai nước cho đất ruộng cao. Họ đi trên bờ đê từ ngoài đồng ngang qua chỗ cây me, cách cả trăm thước mà còn sợ. Tiếng gió thổi làm cành lá xào xạc không ngừng, chung quanh lại bít bùng cây rừng khác nên người ta đồn thổi thấy trên cây có ma. Nó như có linh hồn ẩn trong thân. Bởi thế mà cách nay 10 năm, bà con không ai dám đến gần cây me” - chị Phon nhớ lại.

Giúp dân trốn cướp

Chính vì sự um tùm của cành lá, thế cây sừng sững, oai vệ nên bà con đồng bào dân tộc Khmer vùng Núi Tô mới nảy sinh tâm lý e sợ đó. Chỉ có gia đình chủ là hiểu cây và dám ra đó hóng mát, trú nắng mỗi buổi trưa hè. “Cây me này gia đình tui chẳng cần chăm sóc gì. Từ khi tui còn nhỏ đã thấy nó cao lớn quá cỡ rồi, cây sai trĩu quả. Nhưng vùng này me chua nhiều lắm, không ai cần mua. Cứ mỗi độ me có trái, gia đình chờ khi nó hườm hườm chín mới chọc xuống để dành ăn chơi” - chị Nèang Sóc Phon nói.

Ông Chau Phy nhớ lại những năm đất nước chìm trong chiến tranh, lửa loạn, vùng Núi Tô cũng không ngoại lệ. Ông nhớ rõ một sự kiện xảy ra khi ông được khoảng 5-7 tuổi. Thời ấy, để trốn giặc, cướp, cha mẹ đã dẫn ông và các anh em trốn vào trong gốc me. Cây me chua từ thời Nhật, Pháp còn xâm chiếm vùng Bảy Núi rễ đã nhô cao, tạo nên nhiều hang bọng. Chính cái gốc me khổng lồ ấy đã trở thành nơi ẩn trú lý tưởng cho cả gia đình ông. “Hồi đó, hễ nghe tiếng chó sủa đầu hôm ở sóc bên văng vẳng là trong này cha mẹ tui đã chuẩn bị gom đồ đạc. Nhà tui ở hiện nay là cái gốc, cái nôi của biết bao đời tổ tiên sinh sống ở đây, nó nằm choi loi giữa đồng và cách biệt với đường xe, đi chợ đường ruộng còn té lên té xuống. Nhưng ăn cướp nó lùng sục chẳng sót nhà nào” - ông Phy hồi tưởng. Bọn cướp đi từng toán 5-10 người, trên tay lăm lăm những khẩu súng lê sáng loáng. Hễ vào nhà nào là chúng cướp sạch hết lương thực từ khoai lang, khoai mì đến gà, vịt, kể cả quần áo, không chừa một thứ gì. Ai kháng cự đều bị chúng giết chết. Thế nhưng chúng lại không dám bén mảng đến gần gốc me già. Nhờ vậy mà gia đình ông được an toàn, bảo vệ được cả chút gia tài bé mọn.

Ông Phy kể sóc Bà Đen từ mấy chục năm về trước chỉ có hai ngôi nhà, dần dần đến nay được tổng cộng sáu hộ. “Những năm ấy chiến tranh triền miên, khói lửa bao phủ hết cả phum, sóc. Vậy mà chỗ cây me không bị trúng một viên đạn nào. Lúc đó bà con bên sóc Chrôy cũng chạy sang cây me nhà tui trốn. Nhờ nó mà dân làng này thoát chết mấy phen. Nó như người mẹ che chở đàn con ở cả làng này vậy” - ông Phy xúc động vỗ nhẹ lên thân cây, nói với chúng tôi mà như đang nói với chính mình.

Theo tiêu chí của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để được công nhận là cây di sản, đối với cây mọc tự nhiên phải có tuổi thọ 200 năm trở lên, đối với cây trồng là từ 100 năm trở lên.

Cây me che chắn dân làng ảnh 2

Thời gian gần đây có rất nhiều tỉnh, thành quan tâm bảo vệ cây cổ thụ và không ngừng đăng ký để được công nhận cây di sản tại địa phương mình. Tính đến cuối tháng 11-2013, cả nước đã có 514 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản. TS Lê Sơn, Thư ký Hội đồng Giải thưởng Trần Văn Giàu, cho biết: “Ở Nam Bộ, cây di sản Việt Nam được vinh danh còn quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi thực chất lượng cây di sản ở Nam Bộ vô cùng dồi dào, phong phú. Điều đó chứng tỏ hoạt động này còn chưa được đông đảo người dân ở Nam Bộ biết đến”.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm