Chưa sửa luật, vẫn có thể phát triển án lệ

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải loạt bài về án lệ, với một góc nhìn xuất phát từ thực tiễn xét xử ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Hiện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ông Hiện nói theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, ngoài những nhiệm vụ lâu nay vẫn làm như tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật… thì TAND Tối cao có thêm việc “phát triển án lệ”.

Vấn đề này thật ra không hoàn toàn mới. Ngành tòa án từ khi ra đời đã quan tâm tới án lệ dưới hình thức là nghiên cứu thực tiễn công tác xét xử, tổng kết và ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Các tổng kết, hướng dẫn của TAND Tối cao còn mang tính tổng hợp cao hơn nếu so với khái niệm án lệ ở các nước là dùng một bản án cụ thể để dẫn chiếu, áp dụng cho các vụ án tương tự khác.

Nhưng chỉ bốn chữ “phát triển án lệ” trong Nghị quyết 49 đi vào thực tiễn là không hề đơn giản. Bởi trước hết cần phải hiểu thống nhất “án lệ” là gì và mục đích của “phát triển án lệ” là gì.

Chưa sửa luật, vẫn có thể phát triển án lệ ảnh 1

Theo TS Nguyễn Văn Hiện, phát triển án lệ là phát triển ngày càng nhiều những bản án mẫu mực để áp dụng vào cuộc sống. Ảnh minh họa. HTD

Giúp hoàn thiện pháp luật

. Thưa ông, Chính phủ khi góp ý dự án sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự của TAND Tối cao cũng đề nghị làm rõ khái niệm án lệ. Vậy theo ông, án lệ ở Việt Nam nên hiểu như thế nào?

+ Theo tôi, bản án được coi là án lệ là bản án mẫu mực về áp dụng đúng pháp luật, cả nội dung và hình thức trong giải quyết vụ án cụ thể. Bản án ấy, bằng quy trình cụ thể, được xác định có giá trị tham khảo để giải quyết đúng pháp luật các vụ việc khác tương tự.

Như vậy, phát triển án lệ theo Nghị quyết 49 là phát triển ngày càng nhiều những bản án mẫu mực ấy, làm phong phú nguồn pháp luật để áp dụng vào cuộc sống. Hiểu thống nhất như thế thì tôi tin là không còn phải băn khoăn, vướng mắc gì nữa.

Như vậy, phát triển án lệ không phải là ta bê y nguyên khái niệm bên ngoài vào để dùng án lệ thay thế cho pháp luật thành văn. Án lệ ở ta chỉ để giúp việc áp dụng pháp luật thành văn đúng hơn.

. Nhưng VKSND Tối cao lại cho rằng hệ thống pháp luật của ta chưa hoàn chỉnh, thường xuyên thay đổi; chất lượng xét xử của tòa án các cấp còn hạn chế, thậm chí có cả những phán quyết ở cấp cao nhất là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bị phát hiện sai sót… nên chưa thể phát triển án lệ được…

+ Vì chưa thống nhất cách hiểu về án lệ ở Việt Nam nên mới có băn khoăn như vậy. Chứ nếu hiểu phát triển án lệ là nỗ lực để ngày càng nhiều hơn những bản án mẫu mực, đúng pháp luật, có giá trị tham khảo cao với các vụ việc tương tự thì sẽ không có gì mâu thuẫn với thực tế cả. Luật pháp chưa hoàn thiện, chất lượng xét xử còn thấp thì càng cần phát triển án lệ.

Chính án lệ sẽ giúp ta hoàn thiện pháp luật hơn, khắc phục những yếu kém của ngành tòa án cũng như các cơ quan pháp luật khác. Phát triển án lệ cũng giúp ta quen dần với việc công khai bản án, bộc lộ ra những khiếm khuyết của ngành tòa án. Những bản án mẫu mực được công khai còn giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn việc áp dụng pháp luật của cơ quan tư pháp trong quan hệ pháp luật cụ thể. Từ đó nếu gặp vụ việc tương tự, đương sự sẽ đoán biết dễ dàng hơn hậu quả pháp lý. Thay vì đâm đơn ra tòa, họ sẽ tìm cách tự dàn xếp, hòa giải với nhau, bớt phí tổn và giảm tải cho cơ quan xét xử…

Hơn nữa, một án lệ cụ thể không có giá trị vĩnh cửu. Nó chỉ có giá trị trong thời gian, điều kiện, hoàn cảnh nhất định và với quy phạm pháp luật cụ thể. Khi pháp luật thay đổi, điều kiện, hoàn cảnh thay đổi thì bản án mẫu mực theo quy phạm cũ sẽ không còn giá trị án lệ nữa.

Tất nhiên, pháp luật thường xuyên thay đổi, chất lượng xét xử còn hạn chế thì cũng khó để có được những bản án mẫu mực, có giá trị làm án lệ. Nhưng ta không thể đợi chờ pháp luật hoàn thiện, xét xử hết sai sót. Đợi chờ như vậy giống như chuyện con gà - quả trứng, biết cái nào có trước, cái nào có sau.

. Thưa ông, một vấn đề gây tranh cãi là nên chọn bản án loại nào, của cấp nào để xây dựng thành án lệ?

+ TAND Tối cao được xây dựng với nhiệm vụ giám đốc, tái thẩm, tổng kết thực tiễn công tác xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Nhân lực ở cấp này là những người có kinh nghiệm nhất, trình độ nhất. Nên phát triển án lệ đầu tiên phải từ các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm điển hình của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Ngoài ra, án lệ cũng có thể được phát triển từ những bản án của tòa địa phương, miễn là mẫu mực, đúng pháp luật và có giá trị tham khảo cao để giải quyết các quan hệ pháp luật tương tự cả về nội dung, điều kiện hoàn cảnh xảy ra sự kiện pháp lý…

Về loại án, tôi thấy việc TAND Tối cao đề xuất chỉ đưa án lệ vào Bộ luật Tố tụng dân sự là chưa ổn. Bởi phát triển những bản án mẫu mực thì cần ở tất cả các loại án, vụ việc.

Bước đầu chưa cần sửa luật

. Qua các thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên diễn đàn mà Pháp Luật TP.HCMvừa đăng tải thì thấy ý tưởng tốt đẹp về án lệ và thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Vậy theo ông, để đưa án lệ vào sinh hoạt pháp lý, cần bước đi, lộ trình thế nào?

+ Theo tôi, nên bắt đầu bằng việc tăng chất lượng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm ở TAND Tối cao, từ đó hình thành những phán quyết mẫu mực, có giá trị án lệ. Nếu có thể, những tòa địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM do số lượng vụ việc nhiều, phong phú, hay gặp những sự kiện pháp lý điển hình cũng nên hệ thống hóa, công khai rộng rãi các bản án, phán quyết của mình. Tòa địa phương cũng có thể đề xuất lên trên những bản án mẫu mực để TAND Tối cao nâng lên thành án lệ.

. Nhưng có ý kiến cho rằng hiến pháp và các luật tố tụng hiện tại quy định thẩm phán khi xét xử phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy phải sửa hiến pháp và các luật liên quan thì án lệ mới đi vào cuộc sống được. Ý kiến ông thế nào?

+ Với bước đi ban đầu, không nhất thiết phải sửa hiến pháp và các luật tố tụng ngay. Trước mắt hãy đưa từ “án lệ” và giá trị của nó vào sinh hoạt nghiệp vụ ngành tòa án cũng như các văn bản hướng dẫn, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Các cơ quan tố tụng và xã hội sẽ dần quen với khái niệm nó.

Nâng chất lượng xét xử, xuất hiện ngày càng nhiều những bản án điển hình mẫu mực thì tự bản thân nó sẽ có giá trị tham khảo cao với mọi chủ thể pháp luật. Chưa cần ghi vào luật thì các thẩm phán, luật sư, đương sự cũng vẫn nghiên cứu, tham khảo những lập luận, phân tích trong các bản án mẫu mực đó để vận dụng vào vụ việc của mình.

Cùng với quá trình phát triển án lệ, tổng kết công tác xét xử, TAND Tối cao sẽ phát hiện ra những bất cập, khe hở của hệ thống pháp luật, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Đến lúc nào án lệ được chấp nhận rộng rãi là nguồn pháp luật thì sửa hiến pháp, các luật liên quan cũng chưa muộn.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm