Chuyện chưa kể ở vùng đất “chết”

Trong vòng bảy năm trở lại đây, xã này phát hiện 116 trường hợp bị ung thư, trong đó 98 người đã chết…

Vùng đất Định Liên (Yên Định, Thanh Hóa) từ lâu vốn đẹp như tranh vẽ, làng quê sống trong thanh bình, yên ổn nhưng khoảng bảy năm trở lại đây trở nên tiêu điều, hoang vắng. Bây giờ đã không còn tiếng vợ gọi chồng, con gọi mẹ… mỗi khi chiều xuống. Con đường trở về quê nghèo cũng trở nên xa ngái, im lìm, vắng ngắt. Tất cả như bị cuốn theo bởi những cơn ác mộng triền miên, dài lê thê bởi căn bệnh ung thư quái ác. Cũng chính ung thư đã biến nơi đây trở thành vùng đất “chết”.

“Suốt ngày lo nghĩ cũng đủ chết thôi”

Đêm đông trở gió, lạnh cóng, chị Hoàng Thị Nga (thôn Bái Thủy, Định Liên) kéo chăn đắp lại cho ba đứa con của mình rồi lặng lẽ bước ra bên ngoài ô cửa sổ, gió rít lên từng cơn, cây bàng trước ngõ giờ đây đã trơ cọng, chị thở dài, xót xa về thân phận của chính mình. Mới chỉ 40 tuổi chị đã mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác nhưng chị lại nghĩ về ba đứa con của mình nhiều hơn. Không biết những đứa trẻ lớn lên có bị ung thư như chị không, chúng sẽ sống thế nào khi không có sự chăm sóc của mẹ. Đêm nào cũng thế, chị sợ không dám ngủ vì cứ đặt lưng xuống những cơn ác mộng lại ùa về, chị sợ ngủ sẽ ngủ mãi mãi. Chị sợ giây phút ly biệt rời xa với cõi đời này.

Chuyện chưa kể ở vùng đất “chết” ảnh 1

Chỉ trong vòng bảy năm, xã Định Liên đã có 116 trường hợp phát hiện bị ung thư, trở nên tiêu điều, hoang vắng.

Mỗi thời khắc của ngày mới bắt đầu chị lại hy vọng nhưng hy vọng không phải cho chính chị mà những đứa con thơ dại của mình. Đầu óc chị lại quay cuồng với câu hỏi: “Đến bao giờ được uống, ăn, tắm giặt với nước sạch để “thần chết” không gọi tên con mình khi tuổi đời chúng còn quá nhỏ?”.

Đã ba năm trôi qua, chị biết, chị nghe đã có rất nhiều đoàn trên tỉnh, trung ương về kiểm tra nguồn nước... nhưng đến nay ước mơ có một nhà máy nước được xây dựng lên để người dân nơi đây sử dụng vẫn mãi mãi xa vời. Chị Nga đã bắt đầu câu chuyện như thế với chúng tôi vào một buổi sáng đầu đông lạnh buốt. Đôi bàn tay run run, dính đầy bùn đất, vừa cầm chiếc chậu ra giếng nước khoan, chị vừa nói: “Nước ở đây không đục nhưng uống có mùi tanh tanh, để lâu nước chuyển sang màu vàng ố. Đấy cái chậu này cứ chừng khoảng 10 ngày mà không đánh thì vàng cượm như thế này đây. Người dân quê tôi quanh năm chỉ biết mưu sinh lo chạy ăn từng bữa, có biết gì đâu. Mong chính quyền sớm cho chúng tôi một cái nhà máy để những em nhỏ nơi đây lớn lên không bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ”. Nhìn những đứa con thân yêu của mình, nước mắt chị rơi lã chã khiến những người đi cùng chúng tôi ai nấy cũng ngậm ngùi.

Trong căn nhà bốn gian rộng thênh thang, bà Lê Thị Ấn (thôn Bái Thủy) đã nhiều năm sống trong sự cô đơn, buồn tủi thiếu vắng chồng, cháu con. Cuộc sống của bà dường như chỉ dựa vào mấy luống rau quanh vườn và vài người thân còn lại ở xa giúp đỡ. “Cứ ngỡ cuối đời sẽ hạnh phúc sum vầy bên con cháu, vậy mà hạnh phúc ấy, niềm vui ấy bỗng chốc vụt qua và tai họa đã ập xuống liên tiếp” - bà Ấn nói và cho biết người con thứ hai của bà là Nguyễn Văn Dũng vừa lập gia đình được một năm thì qua đời năm 2005, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới sinh. Chưa kịp làm giỗ con thì lần lượt chồng bà là Nguyễn Gia Cát và đứa con út là Nguyễn Văn Phượng đi gần như cùng lúc, vào cuối tháng 4-2009.

Chuyện chưa kể ở vùng đất “chết” ảnh 2

Chiếc chậu được chị Hoàng Thị Nga đựng nước có màu vàng cượm.

Ông Nguyễn Ngợi Ca, một người dân trong xã, cũng kể câu chuyện mình: “Tôi được bác sĩ cho biết bị ung thư gan từ cuối năm 2011, dù gia đình đã chữa chạy nhưng bệnh tình không thuyên giảm nên tôi quyết định về nhà chờ chết. Mình thì già rồi chứ mai này con cháu mà cũng bị bệnh giống như tôi chắc nhắm mắt không yên. Tôi mong chính quyền các cấp sớm có kết luận để người dân địa phương an tâm làm ăn chứ cứ sống vầy, suốt ngày lo nghĩ cũng đủ chết thôi”.

Đợi đến bao giờ?

Ông Lê Văn Ngợi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Định Liên, cho biết: “Từ năm 2005 đến 2012 xã Định Liên phát hiện 116 trường hợp bị ung thư, trong đó có 98 người đã chết, 18 người đang trong giai đoạn chờ chết. Riêng trong năm 2012, Định Liên đã có 16 trường hợp chết và phát hiện bệnh ung thư. Trong số 116 trường hợp thì ung thư dạ dày chiếm số lượng cao nhất, tiếp đến là ung thư phổi, ung thư gan. Độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất từ 41 đến 50 (31,7%), tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới là 61% và ở nữ giới là 39%. Thôn có nhiều người mắc bệnh ung thư nhất là Bái Thủy 53 người, Duyên Thượng 41 người, Vực Phá 18 người, còn lại nằm rải rác ở một số thôn khác”. Tuy nhiên, cũng theo ông Ngợi, thực tế số người có thể mắc bệnh ung thư nhưng chưa được phát hiện còn nhiều hơn nữa.

Chuyện chưa kể ở vùng đất “chết” ảnh 3

Bà Lê Thị Ấn còm cõi một mình giữa căn nhà bốn gian trống huếch không con cháu. Ảnh trong bài: ĐẶNG TRUNG

Trước tình hình bệnh tật của người dân nơi đây, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu nước ở Định Liên đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 6/8 mẫu nước nhiễm asen vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 4,4 lần, hầu hết tập trung ở làng Bái Thủy. Hiện Sở TN&MT đã kết luận: “Nguồn nước ở Định Liên nhiễm asen quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần và có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư”. Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã có văn bản hướng dẫn cách xử lý tạm thời như xây dựng bể lọc, thực hiện tốt công tác vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Chủ tịch UBND xã Định Liên Nguyễn Văn Sĩ cầu cứu: “Vấn đề lúc này quá cấp bách, tôi đề nghị cơ quan cấp tỉnh nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà máy nước để người dân có thể sử dụng nước sạch trong năm 2013”.

Sẽ có thêm nhiều những “án tử hình” mới và nỗi đau Định Liên sẽ còn kéo dài nếu UBND tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan chức năng liên quan không kịp thời xây dựng nhà máy nước cho những người dân nơi đây trong thời gian sớm nhất.

Rời làng bỏ xứ

Cách đây năm năm về trước, sau những ngày tháng phải chống chọi sống với căn bệnh ung thư quái ác, vợ chồng ông Lưu Thiên Bang (thôn Bái Thủy) lần lượt qua đời. Sáu người con của ông cũng rời làng ra đi từ đó. Họ ra đi có thể một phần vì cuộc mưu sinh nhưng cũng một phần bởi sợ phải ăn, sống với nguồn nước được cho là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư.

Làng quê tôi bây giờ cũng đổi thay nhiều, dù ở quê vẫn nhiều việc làm phù hợp và thu nhập cũng khá nhưng ngay sau khi lập gia đình xong, nhiều cặp vợ chồng lại quyết định vào Nam lập nghiệp. Chúng nó bảo: “Chúng cháu cũng muốn ở quê lắm nhưng mà không thể được. Đời bố mẹ, ông bà đã gánh chịu, giờ đến lượt con cái chúng cháu sinh ra nữa thì biết tính sao”. Nghe các cháu nói mà tôi ứa nước mắt. Có làng, có nhà mà nhiều người vẫn phải bỏ quê mà đi…

Đến tận bây giờ, người dân quê tôi cứ hay nói đùa với nhau ở miền Nam có cả ngôi làng “Bái Thủy - Đồng Nai” hay “Bái Thủy ở Đắk Lắk” tận ở Tây Nguyên xa tít ấy. Những cô cậu đi Nam gọi điện thoại về bảo rằng: “May mà chúng con đi sớm chứ không cũng bị ung thư mà chết hết”. Như bản thân tôi giờ già rồi nên đành chấp nhận sống chung với “nước asen” này thôi! Trường hợp nhà bà Ấn, sau khi chồng và hai con mất vì ung thư, sợ quá, cô con dâu khuyên bà Ấn bán nhà lên thị trấn ở nhưng bà không chịu, thế là hai mẹ con cô ấy bồng bế nhau đi…

Ông LÊ VĂN NGỢI, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Định Liên

ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm