Chuyện xưa chuyện nay: Chiến tranh lạnh

ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Mã Thành,

Trong lịch sử thế giới, người ta thường dùng khái niệm “chiến tranh lạnh” để chỉ tình trạng xung đột căng thẳng sau Thế chiến lần thứ hai (1939-1945) giữa phe các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô với phe các nước tư bản (gọi là “thế giới tự do”) đứng đầu là Mỹ. Thời gian cuộc chiến tranh lạnh diễn ra được tính từ năm 1945 (kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai) đến năm 1991 (Liên Xô sụp đổ).

Như ông cũng thấy, sau chiến thắng của Liên Xô (cũ) chống phát xít Đức trong những năm 1941-1945 và sự sụp đổ hoàn toàn của các nước phát xít Đức, Ý, Nhật, chủ nghĩa xã hội đã vượt ra khỏi phạm vi một nước (Liên Xô), bước đầu hình thành một hệ thống thế giới gồm nhiều nước xã hội chủ nghĩa trên những lục địa khác nhau. Cũng từ sau đại chiến thế giới thứ hai, theo thỏa thuận tại Hội nghị Yalta (tháng 2-1945) giữa ba cường quốc Liên Xô, Mỹ và Anh thì một trật tự thế giới mới đã được thành lập mà lịch sử thường gọi là “trật tự hai cực Yalta”. Đó là sự phân chia ảnh hưởng giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, mỗi siêu cường đứng đầu “một cực” với các khu vực ảnh hưởng của mình…

Những biến chuyển to lớn đó đã làm thay đổi sâu sắc tình hình thế giới và bộ mặt của xã hội loài người. Cuộc “chiến tranh lạnh” diễn ra có khi âm ỉ, có khi căng thẳng đến mức độ “nóng” đáng kể. Hai phe ngày càng thể hiện lập trường thù địch với nhau, từng lúc từng nơi “nóng” dần, đặc biệt là từ khi Trung Quốc (một nước châu Á đông dân nhất thế giới) chuyển qua chế độ xã hội chủ nghĩa (1949)…

Cuộc chiến tranh lạnh như vậy diễn ra thường xuyên, liên tục. Đôi khi hai phe phải đối đầu với nhau một cách tàn bạo, khốc liệt bằng “chiến tranh nóng” cục bộ như trường hợp chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào tháng 6-1950. Trường hợp Việt Nam ta gánh chịu “nóng” suốt 30 năm ròng rã từ 1945 đến 1975 cũng là nằm trong cuộc “chiến tranh lạnh” đó, ông ạ.

Thân chào.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 3-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm