Chuyện xưa chuyện nay: “Thu hồi” hay “triệu hồi”?

Báo Tuổi Trẻ ngày 8-4 giải thích rõ nhất: “Triệu hồi được dùng trong trường hợp một nhà sản xuất kêu gọi khách hàng mang sản phẩm đến các cửa hàng trung tâm của nhà sản xuất đó để khắc phục lỗi miễn phí. Việc này khác với thu hồi (thu lại không hoàn trả sản phẩm”... Vậy sao ta không dùng thống nhất một từ? Riêng chữ “triệu hồi” tôi thấy hơi lạ, vì lâu nay tôi chỉ thấy dùng “triệu hồi” đối với cán bộ đi công tác xa như đại sứ chẳng hạn...

ANH PHÓ trả lời: Bạn Trần Văn Thanh thân mến,

Lâu nay, thuật ngữ pháp lý được sử dụng ở nước ta chỉ quen dùng từ thu hồi sản phẩm để sửa chữa. Đơn cử như trong sách “Tìm hiểu luật bảo vệ người tiêu dùng các nước và vấn đề bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam” của Viện Nhà nước và pháp luật, NXB. Lao động, Hà Nội, 1999, ở phần giới thiệu “Bản hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng của Liên Hiệp quốc” có viết như sau: “Nhà sản xuất và/hoặc nhà phân phối phải thu hồi và phải thay thế hoặc sửa chữa hoặc đổi sản phẩm khác” (trang 12). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17-11-2010 cũng quy định “Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật” (Điều 22) như sau: “Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm thông báo công khai hàng hóa có khuyết tật về việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất năm số liên tiếp trên báo... với nội dung nêu rõ thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa” (khoản 2 điểm d)...

Như vậy, để phù hợp với ngôn ngữ pháp luật Việt Nam, theo tôi, ta nên dùng thống nhất từ “thu hồi”, vừa rõ nghĩa vừa bảo đảm nghĩa vụ thông tin. Đối với báo chí, đó cũng là “góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Báo chí.

Bạn nào có ý kiến chi thêm, xin vui lòng bàn cho... “thấu tình đạt lý”.

Thân chào bạn.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 167)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm