‘Cô gái Hà Nội’ bây giờ thay đổi thế nào ?

“Nếu một cụ nào xa vắng Hà Nội chừng vài mươi năm, nay trở lại nhìn, tất không khỏi lạ lùng, bỡ ngỡ. Dù có gặp đôi ba cái quá mới, làm cho chướng mắt trái tai, nhưng cũng phải khen thầm: ‘Cô gái Hà Nội ngày nay quả đã trẻ lại và xinh đẹp hơn xưa nhiều”.

Lời nói đầu trong cuốn sách Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện có lẽ đã gợi nguồn để Nhà xuất bản Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hoá Pháp L'Espace tổ chức hội thảo: “Hà Nội đã thay đổi như thế nào?” vào tối 9-9.

Chủ đề này đã thu hút một lượng công chúng đông đảo, khán phòng của Trung tâm không đủ sức chứa. Có lẽ, trong tâm thức của nhiều người, đặc biệt là người trẻ đang cư ngụ ở chốn đô thành, Hà Nội dù tân thời hay xưa cũ vẫn vương vấn đâu đó đan xen nét hoài cổ trong lòng đô thị đang ngày càng hiện đại hóa.

 Các diễn giả tại hội thảo. Từ trái sang: Họa sỹ Thế Sơn; Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức; Tiến sĩ-Kiến trúc sư Phó Đức Tùng; Nhà thơ Vi Thùy Linh

Trong con mắt của nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử (Nhà nghiên cứu) Trần Quang Đức, Hà Nội xưa cũng có nhiều ưu điểm bên cạnh nhược điểm. Nhìn ở góc độ văn hóa, cụ thể là ngôn ngữ, có một phạm trù mà người ta hay gọi vui là “văn hóa chửi”. Ông Đức cho rằng dù xưa hay nay thì ngôn ngữ chửi của người bình dân vẫn thế, nhưng ngôn ngữ của giới trí thức, có học thời xưa khi chửi ra một câu có gì đó về mặt đạo đức, tâm lý, liêm sỉ, lễ nghĩa nặng nề hơn bây giờ. Ngày nay, người ta chửi nhiều hơn ngày xưa, bởi họ có những không gian riêng, nhất là không gian mạng xã hội. Một người ngoài đời có thể không vung một lời chửi tục, nhưng có thể lại chửi tục trên mạng. “Xã hội hiện tại về mặt tư tưởng niềm tin khác xa thời xưa nên mới có tệ trạng như thế”, ông nhận định. Đồng thời, nhà nghiên cứu này cũng đánh giá, nhìn vào Hà Nội thấy thị hiếu đương đại có vấn đề.

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn thông qua những dự án của mình đã đưa đến những hình ảnh trực quan về sự biến đổi của Hà Nội qua những biển quảng cáo sặc sỡ, những căn biệt thự Pháp từ không gian riêng trở thành không gian chung, qua những mặt tiền căn nhà từ chỗ là không gian riêng tư trở thành không gian công cộng.

 Một hình ảnh về Hà Nội trong triền lãm ảnh Nguyễn Thế Sơn

Nhà thơ Vi Thùy Linh với những ngồn ngộn ký ức về Hà Nội xưa nhìn Hà Nội nay bằng một đánh giá: “Hà Nội bây giờ rất xấu. Tôi xót xa khi đi trên phố Hà Nội. Hà Nội của tôi bị gù…”. Theo nhà thơ Vi Thùy Linh, điều này có nguyên nhân từ việc thay đổi trong tư duy và phần hồn của người Hà Nội và những nhà người quản lý đô thị.

Khác với nhà thơ, tiến sĩ, kiến trúc sư (TS, KTS) Phó Đức Tùng lại cho rằng dù Hà Nội có biến đổi như thế nào đi nữa thì khi đi đâu ông vẫn thích về Hà Nội nhất. “Đối với tôi Hà Nội đẹp nhiều hơn xấu”, ông Tùng nêu quan điểm.

 Hà Nội xưa - phù điêu tác giả Nguyễn Thế Sơn

Cũng theo ông Tùng, “giá trị cuộc sống không chỉ có giá trị tinh hoa, giá trị ở một quần thể đông người có giá trị khác”.

Hà Nội là vùng đất cổ kính song đến tận bây giờ, chúng ta vẫn đang trăn trở nhận diện một Hà Nội với những mặc định của riêng mình. Cô gái Hà Nội cũng như bất cứ cô gái nào khác, phải lớn lên, phải chấp nhận lao mình vào dòng đời và tất yếu biến đổi. Với người này, cô gái kia là xấu xí, với người khác đó lại là một cô gái đẹp bắt kịp thời đại. Hà Nội khác, khác nhiều có lẽ ở trong cách nghĩ của mỗi người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm