Có một nhà thơ cả đời… cuốc bộ

Nổi tiếng trên văn đàn từ năm 16 tuổi, ông đã có 70 tác phẩm với hàng vạn trang viết đoạt nhiều giải thưởng cả về văn học và sân khấu. Ông là nhà thơ-nhà văn Hoài Anh.

Từ đi bộ…

Ngoài nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Hoài Anh là người giữ kỷ lục về đi bộ. Từ nhỏ, ông đã muốn làm một “người-bút” (L’homme-stylo), tức là đem cơ thể của mình phục vụ cho việc viết văn, cơ quan nào không dùng cho viết văn thì cứ việc thoái hóa, tức là bắt cái xác tuân theo sự điều khiển của cái hồn khi viết. Sở thích đi bộ hình thành trong ông từ đó.

Có một nhà thơ cả đời… cuốc bộ ảnh 1

Chân dung nhà thơ Hoài Anh. Ảnh: N.TÝ

Năm 13 tuổi, ông bị ngã gãy tay, sau đó lại bị ngã gãy tay hai lần nữa. Ba lần gặp nạn khiến mộng làm “người-bút” của ông tan tành vì ông không thể viết được mà phải dùng máy đánh chữ. Trở thành “người-máy chữ”, ông quen đánh máy chữ mổ cò nên khi có máy vi tính thì cũng không thể tập đánh được. Vả lại, sử dụng máy vi tính làm đầu óc tập trung căng thẳng, dễ mất hứng khi viết.

Cũng do ba lần gãy tay nên khi tập đi xe đạp, ông đều không đủ sức thắng và bị ngã. Sợ bị gãy tay nữa, ông cũng giã từ ý muốn đi xe đạp. Mà kể cũng thú, đi bộ vừa giúp ông tập thể dục, vừa nhìn, nghĩ và viết.

…đến hàng vạn trang sách

Gần gũi với ông non 10 năm, tôi biết Hoài Anh khao khát cháy bỏng được xuất bản những tác phẩm tâm huyết. Ông bị điếc. Trời đã lấy đi thính giác nhưng lại phú cho ông trí nhớ Đông Tây kim cổ. Bước vào làng văn, chàng trai Hoài Anh rất chịu khó ngao du, học hỏi ở các bậc đàn anh. Ông thành công ở mọi thể loại, từ sáng tác kịch bản văn học đến làm thơ, dịch thơ, viết tiểu thuyết lịch sử, biên khảo nghiên cứu.

Có một nhà thơ cả đời… cuốc bộ ảnh 2

Nhà văn Triệu Xuân thay mặt nhóm Văn chương Hồn Việt tặng hoa mừng sinh nhật nhà thơ Hoài Anh tròn 70 tuổi, năm 2008. Ảnh: N.TÝ

Năm 2006, NXB Văn học in 16 cuốn Tuyển tập Truyện lịch sử của Hoài Anh. Đầu năm 2008, ông trình làng tập Hòa mạng viết về các chân dung văn học bằng thơ. Tác phẩm là niềm vui lớn của ông vào tuổi thất thập cổ lai hy. Với ông, thơ là niềm đam mê đến trọn đời.

Nhiều người hoài nghi sao Hoài Anh không biết đi xe đạp, chỉ đi bộ nhưng sức viết lại “sung sức” đến vậy. Trong lời giới thiệu bộ ba tập Người chở đò thời đại, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết “… đôi lúc tôi bắt gặp anh đi bộ trên đường, rất cô đơn, và đôi lúc cũng bắt gặp anh ngồi khật khờ một mình trước một vại bia trong một cái quán ồn ào… Hoài Anh như một người tu giữa chợ… Trong cái lúc lơ mơ, ngẩn ngơ, khật khờ và lầm lũi một mình ấy là lúc anh nhớ đến các tác phẩm của các nhà văn, suy gẫm để rồi bùng lên tác phẩm Chân dung văn học dâng hiến cho đời”.

Đến nay, Hoài Anh đã khắc họa gần 500 chân dung văn học, nghệ sĩ Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX. Sách về chân dung văn nghệ sĩ nằm ngoài dự liệu sáng tác của ông. Còn nhớ năm 1994, Tạp chí Văn của Hội Nhà văn TP.HCM mời Hoài Anh giữ mục “Chân dung văn học” trên tạp chí, mỗi tháng một bài. Ông nhận lời và dấn thân phiêu lưu trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình xa lạ nhưng hấp dẫn.

“Vì quen sáng tác, chỉ khi nảy ra tứ mới, hay có hứng tôi mới viết được nên mỗi bài mang tâm trạng lúc viết. Có bài thấy chưa ổn, tôi đành tạm gác lại, mãi sau có thời gian tôi mới hoàn thành. Cuốn sách chỉ nhằm gợi ý và chuyển giao tư liệu trích dẫn cho các nhà nghiên cứu phê bình trẻ, chứ không dám làm thay nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp” - Hoài Anh tâm sự.

Người Thăng Long ở Sài Gòn

Là người con của đất Bắc Hà, Hoài Anh luôn đau đáu nhớ về Hà Nội và khao khát viết về quê hương mình. Năm nào ông cũng tìm cách ra đất Bắc để thực tế sáng tác và thăm thú bạn bè. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông đã kịp hoàn thành tiểu thuyết-kịch lịch sử đồ sộ Thuận Thiên Lý Công Uẩn (NXB Văn Học, 2008), được trao giải B (không có giải A) của Hội Sân khấu Việt Nam dành cho các ấn phẩm sách, nghiên cứu, lý luận sân khấu năm 2008.

Có một nhà thơ cả đời… cuốc bộ ảnh 3

Hơn 10 tuổi đời, nhạc sĩ Hồ Bông (trái) vẫn gọi nhà thơ Hoài Anh bằng thầy trong văn học. Ảnh: N.TÝ

Tác phẩm kể về Lý Công Uẩn trong khi tìm kiếm nguồn gốc của mình đã tìm thấy nguyên nhân nỗi khổ của dân chúng dưới sự thống trị của hôn quân bạo chúa. Vạn Hạnh trong khi tìm kiếm sự thanh tĩnh an lạc cho bản thân mình cũng chỉ ra con đường đưa dân Việt đến ấm no hạnh phúc với tinh thần “vô công dụng hạnh”, chí công vô tư. Hoài Anh đã khéo léo giải quyết được mối hoài nghi: Thiền sư Vạn Hạnh - Lý Công Uẩn không phải là quan hệ cha-con mà là quan hệ bác-cháu. Và chính chi tiết tháo nút này làm cho cuốn sách trở nên hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

Tâm sự về thành công này, ông nói vui với tôi: “Cũng tại anh đấy! Hôm gặp anh, tôi vui miệng nói đôi nét về Lý Công Uẩn, anh vội đưa tin lên báo Văn Nghệ Trẻ, báo hại tôi ngày đêm phải viết cho xong, kẻo mang tiếng là nói dóc”.

Hưởng ứng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Hoài Anh vừa xuất bản cuốn Luật sư đỏ (NXB Kim Đồng, 2010) viết về luật sư Phan Văn Trường và tập ký Hà Nội trước cách mạng Mùa Thu (NXB Văn học, 2010). Nhà văn Triệu Xuân nhận xét: “Nhà văn Hoài Anh có thói quen ghi chép khá chi tiết. Ông có những cuốn sổ tay bắt đầu ghi từ năm 1960… để chuẩn bị cho việc viết tiểu thuyết về Hà Nội…”. Tập ký này tái hiện nhân tình thế thái ở Hà Nội, những công trình xây dựng đầu tiên của thực dân Pháp ở Hà Nội, bộ mặt Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, cách ăn mặc, xưng hô của người Hà Nội…”. Hiện tại, ông chuẩn bị in tuyển tập truyện ngắn và tập thơ về Hà Nội và Bác Hồ.

Gác bút giữ cháu

Tuy chưa nhận giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý nhưng với những đóng góp cho văn học và sân khấu, Hoài Anh xứng đáng là người con nghệ sĩ của đất Bắc Hà. Yêu quý và kính trọng ông, nhà giáo Phạm Ngọc Hiền đã hướng dẫn cho một sinh viên thực hiện đề tài “Tìm hiểu sự nghiệp văn học của nhà văn Hoài Anh”. Buổi bảo vệ khóa luận được tổ chức vào ngày 4-6-2010 tại Trường ĐH Văn Hiến.

Theo khai sinh, Hoài Anh tên thật là Trần Trung Phương, nhưng tên “cúng cơm” là Trần Quốc Tộ. Bởi ông thuộc hậu duệ nhà Trần, hào khí Đông A một thời. Ông lấy bút danh Hoài Anh vì có người anh kết nghĩa là nhà soạn kịch Hoài Giao. Thoạt đầu, ông định đặt tên cho hai con trai sinh đôi là Hoài Văn và Hoài Vũ. Nhưng chợt nhớ đã có nhà thơ Hoài Vũ nổi tiếng Vàm Cỏ Đông, ông chuyển thành Minh Vũ. Coi trọng chuyện húy kỵ trong tên gọi cũng là nét đặc biệt trong tính cách Hoài Anh.

Có một nhà thơ cả đời… cuốc bộ ảnh 4

Tác phẩm mới nhất của nhà thơ Hoài Anh. Ảnh: N.TÝ

Một đời sáng tác, ông bảo giờ chỉ muốn nghỉ hẳn để trở về thú vui thanh thản tâm hồn cuối đời là trông hai cháu nội. Ông ít nói về bản thân mình. Vậy nên khi sinh thời, nhà thơ Thu Bồn đã ngạc nhiên thốt lên: “Ông Hoài Anh ơi. Ông tài, nhưng kín đáo quá xá! Về tôi, thơ phú thế nào, tiểu thuyết ra sao, bạn bè, bồ bịch nhiều ít, cái gì ông cũng biết. Vậy mà, về đời tư của ông, tôi mù tịt, cạy răng ông cũng không nói”.

Vài nét về nhà thơ Hoài Anh

- Tên khai sinh: Trần Trung Phương, sinh ngày 8-7-1938, quê quán Bình Lục, Hà Nam. Tham gia kháng chiến chống Pháp từ nhỏ. Từ tháng 10-1954: Cán bộ Phòng Văn nghệ và nhà sáng tác Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, cán bộ biên tập Hội Văn nghệ Hà Nội. Từ năm 1975: Cán bộ biên tập Xưởng phim Tổng hợp TP.HCM, biên tập viên tuần báo Văn Nghệ TP.HCM. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

- Tác phẩm mới nhất: Tuyển tập Truyện lịch sử gồm 18 quyển (13 tiểu thuyết và ba tập truyện), Xác và hồn của tiểu thuyết, Hòa mạng, Thuận Thiên Lý Công Uẩn, Hà Nội trước cách mạng Mùa Thu, Danh sĩ Hà Nội…

- Tác phẩm sắp xuất bản: Chân dung người làm văn hóa, Đáo hạn.

- Giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1961 cho kịch Xe pháo mã. Giải thưởng 1981-1983 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết lịch sử Đuốc lá dừa. Tặng thưởng lý luận phê bình 2002-2003 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Chân dung văn học. Giải thưởng của Hội Văn nghệ Đồng Nai cho tác phẩm Gia Định tam gia. Giải A năm 2003 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tác phẩm Tác gia kịch nói và kịch thơ. Giải B (không có giải A) năm 2008 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tác phẩm Thuận Thiên Lý Công Uẩn.

- Hiện nghỉ hưu tại TP.HCM.

NGUYỄN TÝ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm