Cồn Cưỡi cô đơn

Cồn Cưỡi nhỏ bé bị vây giữa sóng nước. Không cầu, chỉ có những con đò là phương tiện duy nhất để hàng trăm hộ dân Cồn Cưỡi qua bên kia sông trao đổi hàng hóa, mua nhu yếu phẩm và chạy lũ trong mùa mưa bão.

Bốn bề sóng nước

Từ TP Đồng Hới, đi hơn 60 km đến bến đò Cồn Sông. Hét đến khản cổ và chờ đợi một hồi lâu mới thấy con đò từ phía bên kia sang. Con đò tròng trành, mỏng manh rẽ sóng nước sông Gianh chạy thẳng đến làng Cồn Cưỡi. Cập bến, chủ đò không quên cho khách số điện thoại liên lạc để tiện gọi lúc quay về.

Cách đây hàng chục năm, làng Cồn Cưỡi là một mô đất lớn, nằm trơ trọi giữa dòng sông Gianh. Một số ngư dân lang bạt theo con nước từ trên Tuyên Hóa về, dưới Ba Đồn lên thấy đất rộng, không người ở nên đã dựng lều lán, vỡ đất khai hoang trồng trọt. Đất lành chim đậu, nhiều người rủ nhau lên Cồn Cưỡi định cư, lập xóm làng. Đến nay, Cồn Cưỡi có gần 600 nhân khẩu với hơn 160 hộ dân.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Hạnh không giấu hết nỗi lo lắng khi nhìn ốc đảo Cồn Cưỡi đang bị sông Gianh ăn dần, đất đai, nhà cửa bị cuốn trôi trong vòng năm năm trở lại đây. Cuộc sống người dân đang chìm trong vòng vây khốn khó, những cánh đồng cỏ khô cháy, cây cối ngả màu héo úa.

Chị Trần Thị Thủy, cư dân ở đây, than thở: “Đất ngày mỗi cằn khô, khó có cây chi có thể phát triển tốt được. Dân chúng tôi không trồng lúa vì có thể chưa tới mùa bão lũ, nước sông Gianh đã cuốn trôi tất cả”. Người dân trồng các loài cây ngắn ngày như ngô, khoai, lạc…

Đa số các hộ dân Cồn Cưỡi mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông Gianh. Từ người già tới trẻ nhỏ phải dầm mình cả ngày giữa làn nước đục để cào chắt chắt (một loài giống hến nhưng nhỏ hơn).

Cồn Cưỡi cô đơn ảnh 1

Chị Hoàng Thị Thắm bên giếng nước đã bị nhiễm phèn, mặn không dùng được. Ảnh: THANH TUẤN

Nguy hiểm đò ngang

Mùa mưa bão, nước sông Gianh dâng cao hung hãn, bao vây làng xóm. Cồn Cưỡi lại nằm nơi địa thế hiểm trở, nước chảy xiết. Chị Lê Thị Sương, một người chèo đò, cho biết: “Trung bình mỗi ngày tôi đưa 150-200 chuyến đò chở khách sang sông, trong đó có cả những em học sinh. Biết đi đò mùa lũ là nguy hiểm vô cùng nhưng vì nhu cầu của người dân nên đành chấp nhận”.

Hầu như trên mỗi chuyến đò ngang xuất phát từ Cồn Cưỡi đều không được trang bị áo phao hoặc nếu có thì cũng không ai mang vào. Duy nhất trên chiếc đò cũ kỹ, ván đò đã bị nước ngâm mòn, gãy mục của chị Sương là có trang bị áo phao nhưng nhiều chiếc rách đến lòi cả lõi phao ra ngoài. Chị Sương hóm hỉnh: “Mình treo áo phao trên đò cho vui thôi, gọi là tạo cảm giác an toàn cho khách qua sông. Nếu khách có muốn dùng cũng chẳng được vì chúng đã được buộc chặt để khỏi rớt xuống sông” (!).

Em Nguyễn Thị Hiền, học sinh Trường THCS Quảng Tiên, tâm sự: “Mỗi lần mưa to, sóng dữ, thuyền tròng trành không qua sông được đành phải nghỉ học. Hôm nào sau giờ học trời mưa lớn không về nhà được chúng cháu phải xin ngủ lại nhà người dân, có khi 2-3 ngày sau mới về nhà mình được”.

Cồn Cưỡi cô đơn ảnh 2

Những chuyến đò ngang luôn rình rập nguy hiểm là phương tiện duy nhất để người dân qua lại bên kia sông. Ảnh: THANH TUẤN

Ông Trần Xuân Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên, cho biết: “Trường tiểu học đã được xây dựng, nằm ở vị trí trung tâm trong làng Cồn Cưỡi, có thầy cô tới tận nơi để dạy. Còn các lớp cấp 2, cấp 3 thì phải chịu khó lên đò qua sông đi học”. Trường tiểu học nhìn bề ngoài khang trang, kiên cố nhất làng cũng là nơi để chính quyền di tản dân lên ở khi có bão lũ đến. Cũng theo ông Đức, trước thực tế hằng năm có nhiều vụ tai nạn chìm đò chết người trên sông Gianh, xã có hỗ trợ cho người dân một chiếc đò lớn để đưa học sinh qua sông nhưng xã không đủ kinh phí để thuê người đưa đò nên con đò vẫn còn nằm bờ. Mỗi hộ dân được xã cấp cho một can nhựa 50 lít, vừa dùng để đựng nước sạch vừa để chống chọi khi mưa lũ đến. “Khi nước lũ dâng ngập xóm làng, người dân chỉ việc đu bám vào các can nhựa được kết nối với nhau bằng dây thừng, chờ thuyền đò cứu hộ. Nước sông chảy qua Cồn Cưỡi rất xiết nên năm nào việc cứu hộ cứu nạn cũng gặp khó khăn. Không có nhà trú bão nên đành chấp nhận như vậy thôi” - ông Đức phân bua.

Cồn Cưỡi cô đơn ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Bát lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông, cuốn trôi đất của dân làng. Ảnh: THANH TUẤN

Sông “nuốt” đất, đảo khát nước sạch

Đất đai khô cằn, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng nên tất cả giếng nước trong làng đào ra đều nhiễm phèn, mặn. Chị Hoàng Thị Thắm than: “Mọi người trong xóm này đều phải mua nước sạch với giá rất cao, 80.000 đồng/m3 chở từ Tuyên Hóa về. Nhưng lúc nào có tiền mới mua còn bình thường thì hứng nước mưa để dùng”. Nói rồi, chị Thắm chỉ tay lên phía mái nhà nơi có hệ thống máng là những thanh tre chẻ đôi đặt bên dưới mái ngói. Mỗi lần có mưa, nước chảy thành dòng rơi xuống mái gạch đã rêu phong, bụi bẩn rồi mới chảy theo ống dẫn về bể chứa. Nhà nào sang hơn thì mua ống nhựa làm đường dẫn, nước sạch sẽ hơn. Chị Thắm giải thích thêm: “Dù sao có nước này xài cũng tốt lắm rồi, đỡ khối tiền. Mình và mấy đứa nhỏ phải tắm nước giếng bị phèn, mặn. Nước này dùng để nấu nước và nấu cơm”.

Năm 2006, Tổ chức UNICEF có đầu tư, hỗ trợ cho mỗi hộ dân Cồn Cưỡi một bể cạn chứa nước sạch. Tuy nhiên, cơn bão lũ lịch sử hồi tháng 10-2010 đã cuốn phăng, làm hư hại, vỡ nhiều bể cạn.

Cũng theo ông Đức, bên cạnh vấn đề nước sạch gây nhức nhối, người dân còn hoang mang bởi hiện tượng sạt lở bờ sông. Theo tính toán, trung bình mỗi năm nước sông Gianh ăn sâu vào đất liền đến 3 m. Đã có 18 hộ dân di dời đến nơi ở mới, bốn hộ trong diện di dời khẩn cấp. Hộ ông Nguyễn Văn Bát là một trong những hộ chịu sạt lở nặng nề nhất. Ông Bát ngậm ngùi nói: “Năm ngoái nhà tôi có trồng ba sào đậu trong vườn, vậy mà giờ phần đất đó biến đâu mất cả”. Theo ông Bát thì nguyên nhân của tình trạng này là trước kia các đò khai thác cát sạn đua nhau nạo vét, cày xới lòng sông bất kể ngày đêm.

Chính quyền xã đã phát động người dân trồng dứa, đóng cọc tre chống sạt lở đất nhưng chỉ mang tính tình thế, về lâu dài thì… đâu vẫn vào đó.

Đã có không ít hộ dân Cồn Cưỡi bỏ nhà, bỏ làng ra đi vì không chịu nổi sự thiếu thốn trăm bề. Những hộ còn ở lại thì hoang mang, lo lắng đất không có ở, nước chẳng có dùng. “Ốc đảo” Cồn Cưỡi đã cô đơn nay càng khốn khó hơn.

Sắp tới, xã sẽ kiến nghị lên tỉnh đầu tư xây dựng đường ống ngầm dẫn nước đặt dưới sông. Nhưng cách này tốn kém, khó hiệu quả. Theo tôi, cách khả quan nhất là xây dựng cầu bắc qua sông cho người dân tiện qua lại, vừa giúp phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề nước sạch.

Ông TRẦN XUÂN ĐỨC, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên

NGUYỄN THANH TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm