Cửu dương công

Người lên núi gặp người xuống núi

Quách Tương, một cô gái mới mười sáu tuổi, tính tình hào sảng, thoáng đạt. Cô thầm thương trộm nhớ Dương Quá, người đã cứu sống cô khi cô còn rất nhỏ dù Dương Quá đã ra đi cùng với một người phụ nữ khác. Tâm thức lãng mạn khiến cô tự tưởng tượng ra khung cảnh phiêu bạt giang hồ và tái ngộ Dương Quá trên đường đi.

Cửu dương công ảnh 1

Công phu Thiếu Lâm tự. Ảnh: ST

Nghe nói Dương Quá chơi thân với Vô Sắc thiền sư ở chùa Thiếu Lâm núi Thiếu Thất tỉnh Hà Nam, Quách Tương bỏ nhà, cỡi con lừa xám lên núi Thiếu Thất. “Đoản kiếm bên lưng, sắc diện phong trần, rõ ràng cô đi xa đã lâu ngày. Tuổi xuân như hoa, cô đang ở giai đoạn hồn nhiên không lo nghĩ vậy mà sắc diện lại phảng phất nỗi sầu muộn” - tác giả mô tả Quách Tương như vậy. Ta hiểu trong lòng cô đang có nỗi đau tình.

Giữa rừng bách trên núi, cô gặp một trung niên văn sĩ trạc chừng bốn mươi tuổi, mặc đạo bào trắng. Anh ta than thở: “Ôm trường kiếm, trợn ngược lông mày; than ôi sao nước xanh và đá trắng lại rời rạc nhau đến vậy. Thế gian không tri kỷ, ta sống ngàn năm có ích chi?”. Nghe lời than thở, Quách Tương xúc động, biết người kia cũng đang trong tâm trạng cô đơn như mình. Nước xanh là người phụ nữ; đá trắng là người đàn ông. Anh ta đang mơ ước có một hồng nhan tri kỷ trên đời.

Giữa rừng sâu, người đàn ông chơi cây tiêu vĩ cầm. Anh ta tấu lên hai khúc Không sơn điểu ngữ và Bách điểu triều phụng tối cổ với nghệ thuật rất tinh vi. Muôn chim nghe tiếng đàn kéo đến múa lượn, cất tiếng hót theo. Đàn xong, anh ta cầm thanh kiếm vạch xuống đất 19 đường dọc, 19 đường ngang thành hình một bàn vi kỳ (cờ vây). Sử dụng mũi kiếm đánh chéo thành quân đen, khuyên tròn làm quân trắng, anh ta đánh cờ một mình. Đánh được một lát, quân trắng yếu thế, bị quân đen vây hãm giữa bàn cờ khiến anh ta chống kiếm đứng ngẩn ngơ, không biết làm sao giải cứu quân trắng.

Quách Tương khá giỏi vi kỳ, thấy vậy bèn mách nước: “Sao tiên sinh không bỏ Trung Nguyên mà quay về giành lấy Tây Vực”. Trung niên văn sĩ giật mình tỉnh ngộ, rút quân trắng ra khỏi trùng vây, chạy về một góc bàn cờ. Anh ta dừng đánh cờ, lên tiếng cám ơn lời chỉ giáo. Quách Tương hiện thân, tương kiến.

Trung niên văn sĩ ấy tên là Hà Túc Đạo, ngoại hiệu là Côn Luân tam thánh, từ núi Côn Luân giáp biên giới Tây Vực xuống Trung Nguyên. Người đời xưng tụng anh ta là bậc thánh chơi đàn (cầm thánh), bậc thánh đánh cờ (kỳ thánh) và bậc thánh sử kiếm (kiếm thánh), gọi anh ta là tam thánh.

Thế nhưng anh ta thấy cách xưng tụng đó lớn lao quá nên tự đặt tên cho mình là Hà Túc Đạo, có nghĩa là không đáng nói như vậy. Kết hợp cả ngoại hiệu và tên Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo có nghĩa là không đáng để được gọi là Côn Luân tam thánh! Anh ta xuống Trung Nguyên lần này là để gặp nhà sư Giác Viễn phái Thiếu Lâm. Có hai người trước khi chết ăn năn vì đã lấy trộm cuốn kinh Lăng Ca, muốn nhờ anh ta chuyển tới Giác Viễn câu nói: “Kinh ở trong hầu”.

Đánh ngoại địch, phạm tội học lén võ công

Hà Túc Đạo xuống núi Côn Luân lần này để lên chùa Thiếu Lâm là để nhắn giúp câu nói ấy với nhà sư Giác Viễn. Thế nhưng anh ta tính khí ngông cuồng, muốn biểu diễn khinh công nên đã đột nhập Đại Hùng bảo điện chùa Thiếu Lâm, dán lên trên bức tượng Phật Giáng Long một bức thư. Thư có nội dung: “Võ công Thiếu Lâm xưng hùng Trung Nguyên và Tây Vực đã lâu. Vài hôm nữa, Côn Luân tam thánh sẽ liều mình đến xin thỉnh giáo”.

Hai chữ thỉnh giáo trong ngữ nghĩa thông thường có nghĩa là xin được dạy dỗ nhưng trong võ học lại có nghĩa là... đánh nhau. Nhà sư Vô Sắc phụ trách La Hán đường, chuyên việc đánh nhau với ngoại địch nhận được thư này thì hiểu ngay kẻ đưa thư có khinh công rất cao cường. Bức tượng Giáng Long là bức tượng cao nhất mà kẻ đưa thư lọt vào chùa không ai hay, lại dán được thư lên tượng chứng tỏ hắn là kẻ địch đáng nể. Ông suy luận tam thánh là... ba  người khác nhau có võ công cực cao từ Côn Luân xuống nên rất gia tâm đề phòng.

Giác Viễn chỉ là một nhà sư quèn trong chùa. Ông đi tu nhưng không được học võ công, được phân công giữ tàng kinh các của Thiếu Lâm tự. Bổn phận Giác Viễn là quét bụi, lau ghế, chống mối mọt phá hoại kinh sách, giữ sách nguyên vẹn phục vụ các nhà sư khác vào đọc để rèn luyện võ công. Ông làm mất quyển kinh Lăng ca (Lăng già), đang bị chùa Thiếu Lâm thi hành giới luật. Mỗi ngày ông phải gánh hai trăm thùng nước dưới dốc lên chùa, đổ vào trong... giếng của nhà chùa.

Giác Viễn chân tay bị xiềng khóa, lại gánh một đôi thùng to bằng sắt nặng khoảng hai trăm cân, múc đầy nước vào sức nặng có thể lên bốn trăm cân (khoảng 240 kg ngày nay). Quách Tường từng quen biết Giác Viễn, thấy ông bị xiềng khóa thì nổi lòng thương mến, dùng kiếm chặt đứt xiềng khóa cho ông. Giác Viễn chẳng những không mừng là lại tỏ ra lo lắng.

Cửu dương công ảnh 2

Công phu phái Võ Đang. Ảnh: ST

Giác Viễn còn có một đệ tử tục gia khoảng mười sáu tuổi tên là Trương Quân Bảo chuyên nấu nước pha trà giúp ông. Hai thầy trò ở trong tàng kinh các, chẳng giao du với ai. Họ có một lần lên núi Hoa Sơn gặp được Dương Quá. Ấy vậy mà Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo tìm đến xin gặp gỡ và lĩnh giáo Giác Viễn mới là chuyện lạ lùng.

Trước quần tăng chùa Thiếu Lâm, Hà Túc Đạo dùng một viên đá nhỏ kẻ trên nền đá một bàn vi kỳ. Nội công anh ta thật thâm hậu, những đường kẻ như khắc trên nền đá, ngay ngắn và sâu cạn như nhau. Nhà sư Giác Viễn thản nhiên gánh đôi thùng nước, bước theo những nét kẻ đó. Chân ông bước tới đâu, nét kẻ của Hà Túc Đạo bị xóa mờ tới đó.

Hà Túc Đạo nổi nóng, dùng kiếm đánh Giác Viễn. Giác Viễn chân tay cuống quýt, dùng đôi thùng nước nặng chống trả đường kiếm. Hai chiếc thùng sắt kẹp cứng lưỡi kiếm của nhân vật được tôn xưng là kiếm thánh. Thẹn quá hóa giận, Hà Túc Đạo bỏ kiếm, phát chưởng đánh Giác Viễn. Cậu bé Trương Quân Bảo xuất chưởng cứu thầy, chịu đúng ba chưởng của Hà Túc Đạo mà vẫn an toàn. Côn Luân tam thánh Hà Túc Đạo tuyệt vọng, đau đớn khi biết võ công của mình kém xa một kẻ bình thường giữ tàng kinh các và một cậu bé pha trà, quét rác trong chùa Thiếu Lâm. Y bỏ chạy về Côn Luân, từ đó không dám xuống Trung Nguyên nữa.

Quần tăng chùa Thiếu Lâm được chứng kiến trận đánh. Ai cũng khen thầy trò Giác Viễn đã đuổi được một kình địch, bảo vệ danh tiếng cho chùa Thiếu Lâm. Nhưng dưới đôi mắt của các vị cao tăng Thiếu Lâm thì thầy trò Giác Viễn đã phạm trọng tội học lén võ công của nhà chùa. Phương trượng ra lệnh bắt giữ thầy trò Giác Viễn.

Người ra đi, Cửu dương công ở lại

Trước tình thế nguy cấp, Giác Viễn múc Quách Tương một bên, Trương Quân Bảo một bên thùng, quay đôi thùng sắt như hai quả chùy lớn chống trả quần tăng. Rồi ông cứ gánh cả hai, chạy băng băng lên núi. Quần tăng chùa Thiếu Lâm đuổi theo nhưng khinh công của họ còn kém Giác Viễn rất xa.

Chạy đến nửa đêm, Giác Viễn dừng lại dưới một gốc đại thụ. Quách Tương và Trương Quân Bảo nhảy ra khỏi thùng, thấy khí sắc của ông rất mệt mỏi. Ông ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây, chắp tay niệm Phật và đọc kinh Lăng ca. Quách Tương và Trương Quân Bảo nằm cạnh ông, để tai lắng nghe. Trong những thuật ngữ của kinh Phật, họ nghe được những câu viết về về cách luyện công, cách phát chiêu.

Cửu dương công ảnh 3

Công phu phái Nga My. Ảnh: ST

Hóa ra ngày trước, một vị cao tăng nào đó sợ đời sau sa đà vào võ học mà quên Phật pháp, đã chép chung Cửu dương công, một công phu tối cao của Thiếu Lâm tự vào chung trong quyển kinh Lăng ca. Giác Viễn chất phác, cứ nghĩ đó là kinh Lăng ca bình thường, ngày nào cũng đọc đến nỗi thuộc lòng. Công lực ông tăng tiến một cách không ngờ, ngay đến chính ông cũng chẳng biết. Ông đánh nhau với Hà Túc Đạo, cứu Quách Tương và Trương Quân Bảo cũng chỉ là quán tính trước tình huống nguy hiểm mà thôi.

Quách Tương và Trương Quân Bảo nằm nghe Giác Viễn đọc kinh, thuộc được một mớ khẩu quyết. Trời rạng sáng, họ không nghe ông đọc nữa. Trương Quân Bảo nghĩ có lẽ sư phụ mệt mỏi nên đã ngủ rồi. Nào ngờ sáng ra, khi lay thầy dậy, cậu thấy tay chân thầy lạnh giá. Nhà sư đã như ngọn đèn cạn dầu, chết đi thầm lặng khi đọc chữ cuối cùng trong bộ kinh Lăng ca. Đúng lúc đó thì Vô Sắc đại sư của chùa Thiếu Lâm xuất hiện. Ông làm lễ cầu siêu cho Giác Viễn.

Phần Cửu dương công mà Giác Viễn đọc lên in vào trí nhớ của ba người Vô Sắc, Quách Tương và Trương Quân Bảo. Vô Sắc đem phần ấy dạy cho đệ tử Thiếu Lâm, thành ra Thiếu Lâm Cửu dương công. Quách Tương tìm người thầm yêu không gặp, thất tình lên núi Nga My đi tu, lập ra phái Nga My, dạy các đệ tử Nga My Cửu dương công.

Trương Quân Bảo lưu lạc đến một vùng núi cao, thấy ba ngọn núi khá hùng vĩ, đổi tên mình lại là Trương Tam Phong. Trương Tam Phong nhớ lại Cửu dương công của thầy, tự lập ra phái Võ Đang tu theo Đạo giáo, lấy Võ Đang Cửu dương công làm căn bản. Ông ta trở thành một đại tôn sư võ học, sống trên 104 tuổi.

SAO BIỂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 9-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm