Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 1: Gia đình rái cá

LTS: Nạn săn bắt chim, thú quý hiếm và thói quen mua bán, ăn uống, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã của người dân đã đẩy một số loài động vật quý hiếm ở Việt Nam đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Trong bối cảnh đó, nỗ lực của những trung tâm cứu hộ động vật hoang dã như tiếng gào thét cuối cùng để thức tỉnh lương tri con người.

Được thành lập từ năm 2006, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi do Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) thực hiện đã cứu hộ và thả về tự nhiên gần 2.000 cá thể động vật hoang dã. Hiện trung tâm đang cứu hộ hơn 25 loài với hơn 1.500 cá thể, trong đó nhiều loài thuộc nhóm quý hiếm sắp tuyệt chủng. Đây được xem là “bệnh viện” của thú hoang dã lớn nhất phía Nam. Do chưa đủ điều kiện để thả về tự nhiên nên quá trình nuôi nhốt một số loài đã sinh sản và các thế hệ thứ hai bắt đầu xuất hiện ở nơi này.

Hai cô nàng đỏng đảnh

Anh Trần Anh Tú, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, vẫn còn nhớ như in những đêm anh phải thức trắng để canh cho hai con rái cá con uống từng bình sữa bột. Hai rái cá con này được một cô gái người nước ngoài tên là Kenlly mua lại của một người dân bán dạo trên đường ở TP.HCM rồi mang đến trung tâm để nhờ cứu hộ. Khi mới đến, chúng luôn miệng kêu ét ét như trẻ con khát sữa đòi mẹ. Các nhân viên trung tâm và bác sĩ thú y không tìm đâu ra sữa… rái cá mẹ nên phải pha sữa bột cho vào bình để hai chú uống. Đang đói nên khi núm vú vừa chạm miệng hai con rái cá đã bú chùn chụt. No bụng, chúng nằm ềnh ra và hết kêu la.

Từ đó hai rái cá con được nuôi dưỡng bằng dòng sữa bột do các nhân viên trung tâm pha chế. “Anh em thay phiên nhau chăm sóc và túc trực để pha sữa cho rái cá bú. Có đêm phải cho uống đến bốn, năm lần. Hễ đói là nó lại kêu và quấy. Khi pha sữa chúng tôi cũng phải cho bình vào nước sôi, vệ sinh kỹ lưỡng kẻo nó bị bệnh. Đôi khi thấy nó đáng yêu như một đứa trẻ vậy. Chúng tôi bất đắc dĩ trở thành “bảo mẫu”” - anh Tú vui vẻ kể.

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 1: Gia đình rái cá ảnh 1

Ánh mắt nhớ rừng của con vượn mang tên Lê Ngọc Hân. Ảnh: HUYỀN VI

Do anh Tú và Seaman, một chuyên gia nước ngoài đang làm việc cho tổ chức WAR tại đây, phải thường xuyên túc trực chăm sóc, cho bú nên anh em nhân viên trung tâm lấy tên của hai anh để đặt tên cho hai con rái cá này. Hằng ngày Tú và Seaman được chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ… Hai cô nàng rái cá lớn lên từng ngày, quấn quýt và đùa giỡn với các nhân viên như những đứa trẻ vòi vĩnh đòi mẹ. Khi lớn hơn một chút, Tú và Seaman được các nhân viên tập cho ăn cá và huấn luyện cách săn mồi. Dần dần hai cô nàng cũng biết săn mồi thành thục. Thế rồi Tú và Seaman cũng trưởng thành và bước vào “tuổi dậy thì”. Hai cô nàng càng khó tính và quậy phá nhiều hơn.

Do đặc tính của rái cá là chung sống theo bầy nên các nhân viên thử ghép Tú và Seaman với một số con rái cá khác cùng loại nhưng các “bạn tình” mới lại không chịu hai cô nàng. Các “bạn tình” này thường xuyên cắn xé và xua đuổi Tú và Seaman. Đến một hôm, một anh chàng rái cá to lớn, phổng phao, dáng đẹp lại bị hai cô nàng chinh phục. Kể từ đó ba cá thể chung sống vui vẻ với nhau một nhà.

Một gia đình hạnh phúc!

Các nhân viên tại trung tâm không mong muốn rái cá có thể thụ thai và sinh sản tại đây vì điều kiện thụ thai của rái cá tự nhiên vốn phải là nơi nước sâu và vắng vẻ. Khi “cô nàng Tú” mang thai, tất cả anh em không hề biết. “Thời gian đó thấy Tú mập hơn và bụng to hơn nhưng anh em cứ nghĩ là do Tú ham ăn nên phát béo như thế, dè đâu…” - anh Trần Anh Tú cười.

Buổi sáng nọ, như thường lệ, anh Tú đến cho rái cá ăn thì phát hiện có thêm ba thành viên mới đang hiện diện trong gia đình rái cá. Đó là ba con rái cá con vừa mới sinh. Anh Tú chạy đến xem thì bị rái cá bố và rái cá mẹ ngăn cản rất hung dữ. Chúng cắn vào tay, chân anh Tú, không cho anh lại gần ba rái cá con. Tú mẹ tha ba đứa con chạy đi tìm nơi vắng vẻ để giấu. Seaman và rái cá bố còn liên tục kêu la dữ tợn.

Thấy tình hình bất ổn, anh Tú rút lui và tìm cách cách ly mẹ con nhà Tú và đưa ba đứa con vào trong một khu riêng biệt, được che chắn kỹ. Sau đó đưa Tú và người “bạn tình” vào để chăm sóc con. Tất cả nhân viên trung tâm và anh Tú đều bất ngờ với sự xuất hiện của các thành viên mới này. Không ai tin được trong điều kiện như vậy rái cá có thể sinh sản được.

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 1: Gia đình rái cá ảnh 2

Anh Trần Anh Tú đang vui đùa cùng với con rái cá tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ảnh: WAR cung cấp

Rất tiếc là khi chúng tôi đến trung tâm thì Tú và các con vẫn còn trong thời gian “ở cữ” nên không thể ghi hình lại tổ ấm hạnh phúc này. “Rái cá khi đẻ con thường chọn nơi vắng vẻ, yên tịnh, ít ánh sáng. Con đực sẽ túc trực canh phòng kẻ thù. Nếu thấy nguy hiểm thì con đực tìm mọi cách chống trả đối phương để con cái tha con đi chỗ khác. Vì vậy mà chúng tôi hạn chế chụp ảnh và du khách đến xem để tránh Tú mẹ tha con đi nơi khác rất nguy hiểm” - anh Tú giải thích.

Anh Tú nói nhìn ba rái cá con rúc đầu vào lòng mẹ tranh nhau từng giọt sữa nơi đầu vú thật là cảm động. Từ đây những rái cá con sẽ không phải xa mẹ, sẽ không bị mua bán và được nuôi bằng sữa bột như Tú và Seaman. Cuộc sống của loài rái cá sắp bị tuyệt chủng ở Việt Nam sắp bước sang một trang mới.

Lo cho rái cá hơn cả... vợ

Anh Trần Anh Tú nói bằng chất giọng chân chất: “Khi chăm hai con rái cá tôi phải ở lại trung tâm mấy đêm liền. Lúc ấy vợ tôi lại mới sinh, tôi phải nhờ người thân gia đình chăm sóc hộ. Thấy tôi vắng nhà cô ấy thường rầy la, giận dỗi. Cô ấy nói chăm con ở nhà không chăm lại đi chăm cho mấy con rái cá. Về sau khi tôi kể những câu chuyện đáng yêu của Tú và Seaman thì cô ấy cũng chia sẻ và đồng cảm hơn”.

Năm năm gắn bó với công việc này, anh Tú nhớ từng hoàn cảnh con thú khi mới được đưa vào trung tâm, nhớ từng tên mà các nhân viên đặt cho chúng và cả những tập tính, thói quen hằng ngày của nó. Anh tâm sự: “Đôi khi trong cuộc sống có nhiều chuyện buồn, tự dưng đến trung tâm, nhìn mấy con thú nô đùa, vui chơi trong lòng lại vơi đi. Nghĩ lại cũng thương cho mấy con thú, nhiều con do không đủ điều kiện sức khỏe nên phải gắn bó lâu dài với trung tâm này mà không biết ngày nào sẽ được trở lại với môi trường hoang dã”.

Còn anh Lê Xuân Lâm, quản lý trung tâm, thì luôn bị vợ rầy vì có mặt ở trung tâm nhiều hơn ở nhà. “Nhiều lần vợ tôi hỏi: Anh suốt ngày cứ quanh quẩn với mấy con thú được cho là quý hiếm, vậy anh có coi tôi là quý hiếm không. Tôi chống chế lại: Anh thấy em cũng quý nhưng không hiếm!” - anh Lâm kể.

Một kiểu phóng sanh

Theo anh Lê Xuân Lâm, quản lý Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, ngày càng có nhiều người dân đến gõ cửa trung tâm để giao nộp động vật hoang dã. Anh Lâm nói mình nhớ nhất trường hợp hai vợ chồng đến nhờ chăm sóc bốn con rái cá. Người chồng bị tai nạn vừa mới xuất viện, khi đến trung tâm phải ngồi trên taxi vì sức khỏe còn yếu. Mới đây, cô vợ quay lại trung tâm và đứng lặng hồi lâu nhìn bốn con rái cá con ngày nào giờ to lớn và khỏe mạnh. Hỏi chuyện, cô này nói trước đây khi từ bệnh viện về nhà cô mua bốn con rái cá mục đích để… phóng sanh, cầu nguyện cho sức khỏe của chồng mau bình phục. Hiện giờ sức khỏe của chồng cô đã tiến triển tốt và bốn con rái cá cũng khỏe mạnh nên cô rất xúc động.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm