Đặc vụ tình báo Mỹ kể chuyện - Bài 2: Sau 11-9: CIA thành "con cưng"

Trong cuốn Nghệ thuật tình báo: Những bài học từ một cuộc đời ở Sở Mật vụ CIA, Henry A. Crumpton đã nói nhiều về sự quay lưng của giới chức Mỹ đối với CIA.  Nhưng sau sự kiện 11-9, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, trong đó có nhiều người từng biểu quyết cắt giảm ngân sách tình báo, đều đồng ý: Công tác tình báo đã có khuyết điểm trong vụ 11-9; nước Mỹ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho công tác tình báo.

O bế chứ không o ép

Dù vậy, khó khăn của CIA chưa phải hết ngay. Các nhà lãnh đạo xuất thân chính trị và luật sư đấu tranh để xác định CIA còn đánh nhau với Al Qaeda hay không và nếu như vậy, CIA đối xử với kẻ thù như thế nào? Có phải chúng là những tên tội phạm bị giải ra trước tòa án dân sự hay những chiến binh được đưa đến Guantanamo? 

Henry A. Crumpton không hài lòng việc tại sao chấp nhận CIA điều khiển máy bay do thám không người lái để giết một lãnh đạo của đối phương, có thể có cả gia đình của hắn ta. Và tại sao là CIA lại đứng ở tuyến đầu của cuộc xung đột này? Vấn đề ở đây không chỉ là thu thập thông tin tình báo mà là hành động bí mật trên quy mô rộng lớn toàn cầu. Tại sao lại có quá nhiều hành động bí mật? 

Tuy nhiên, trong thập niên kể từ vụ 11-9, nước Mỹ đã tăng cường ngân sách và lực lượng cho ngành tình báo, một sự bùng nổ của tăng trưởng, sao chép và lộn xộn. Ngân sách dành cho tình báo hằng năm tăng vọt từ vài tỉ lên 75 tỉ USD vào năm 2011. Nháy mắt, các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ trở thành nhà vô địch về tình báo. Họ thành lập thêm các ủy ban quan trọng, xây dựng thêm nhiều quy định, bộ luật và thành lập các tổ chức đóng ở Washington, chẳng hạn Văn phòng giám đốc bộ phận Tình báo quốc gia, Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia và Bộ An ninh nội địa.

Rồi Tổng thống Obama không ngừng o bế CIA. Chỉ trong mấy tháng, ông mở nhiều cuộc tấn công có mục tiêu cụ thể ở Nam Á hơn so với những gì Tổng thống Bush đã làm trong suốt nhiệm kỳ của mình. Ông Obama đã giao cho CIA nhiệm vụ theo dõi và tiêu diệt nhiều hơn những kẻ khủng bố. 

Đặc vụ tình báo Mỹ kể chuyện - Bài 2: Sau 11-9: CIA thành "con cưng" ảnh 1

Tổng thống Barack Obama và các nhân vật trọng yếu trong Phòng Tình huống tại Nhà Trắng lúc biệt kích Mỹ mở cuộc tấn công Bin Laden. Ảnh: ABC

Tình báo “ngoài sáng”

Sau hai thập kỷ hoạt động trong đơn vị bí mật của CIA, trong đó có 10 tháng chỉ huy chiến dịch của CIA ở Afghanistan, năm 2003 Henry A. Crumpton nhận nhiệm vụ mới: Phụ trách bộ phận xây dựng lực lượng của CIA. Một trong những chức năng của nó là “biến” sinh viên, doanh nhân và nhà ngoại giao nước ngoài thành nhân viên CIA khi họ về nước của mình!

Năm 2005, ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice yêu cầu ông làm điều phối viên chống khủng bố với chức vụ đại sứ lưu động. Đây là một bổ nhiệm của tổng thống và yêu cầu sự phê chuẩn công khai của thượng viện. 

Crumpton nhận ra rằng đời điệp viên của mình đã kết thúc khi từ thế giới bí mật khép kín bước qua giai đoạn ngoại giao công khai toàn cầu với vai trò là đại diện về chính sách chống khủng bố của ngoại trưởng và tổng thống Mỹ. Ông bắt đầu một cuộc sống mới và từ chỗ là gián điệp trở thành nhà ngoại giao, từ các hoạt động bí mật nay xuất hiện trên các đài truyền hình quốc tế để trả lời phỏng vấn, từ chỗ xài không biết bao nhiêu bí danh đến chỗ có một “tước vị” danh dự.

Crumpton kể rằng ông đã làm công tác trong chống khủng bố ở nhiều cơ quan khác nhau và hiểu được thế nào là phối hợp liên ngành, do đó quá trình chuyển từ một người hành động trở thành người làm chính sách không có gì khó cả. 

Trong thời gian 18 tháng làm việc cho Ngoại trưởng Rice, ông đã dành hầu hết thời gian để đi nước ngoài, làm việc với đại sứ Mỹ, chỉ huy quân sự và các đối tác.

Đặc vụ tình báo Mỹ kể chuyện - Bài 2: Sau 11-9: CIA thành "con cưng" ảnh 2

Đặc vụ Henry A. Crumpton (giữa) nói chuyện với một lãnh đạo bộ lạc ở Afghanistan tên là Mohammed Aref. Ảnh: huffingtonpost.com

Vai trò của máy bay không người lái

Trong cuốn sách của mình, Crumpton đưa ra một số lập luận có ấn tượng về việc sử dụng linh hoạt máy bay không người lái như là một công nghệ mới để thu thập thông tin tình báo và chiến đấu. Theo lệnh của Tổng thống Obama, quân đội và ngành tình báo đã dựa nhiều hơn vào máy bay do thám - với những kết quả mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại Al Qaeda và đồng minh của Mỹ trong các khu vực do bộ lạc kiểm soát ở Pakistan. Vậy, có phải ông Obama ra quyết định chiến thuật đúng đắn? Và nếu vậy, phải chăng ông Bush đã sai lầm khi không đã sử dụng nhiều máy bay không người lái?

Theo Crumpton, tháng 1-2000, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chỉ đạo CIA xác định vị trí và truy lùng Osama Bin Laden, khúc dạo đầu báo hiệu có thể có tấn công quân sự. Trước ngày 11-9-2001, cả Lầu Năm Góc và CIA đều không thể tán thành việc ém các lực lượng ở miền Bắc Afghanistan hay các nước lân cận để thực hiện chỉ thị nói trên. 

Vào thời điểm đó, Henry A. Crumpton chỉ huy các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của CIA. Ông và một số ít các quan chức khác cho rằng các máy bay không người lái có thể đưa đến một giải pháp cho nước Mỹ.

CIA tìm thấy một máy bay không người lái nhãn hiệu Predator, một phương tiện từng phát huy tác dụng ở Bosnia, đang nằm phủ đầy bụi bặm tại một căn cứ không quân và đưa nó đến một căn cứ ở Uzbekistan. Có tin Bin Laden “đóng đô” ở Tarnak Farms gần Kandahar. Đó là một sự kiện hớp hồn dư luận lúc bấy giờ khi máy quay phim của chiếc Predator thu được hình ảnh cỡ lớn một người đàn ông dáng cao mặc áo trắng. Nhưng Predator được trang bị tên lửa Hellfire. Phải mất 6 tiếng đồng hồ để tên lửa hành trình từ Ấn Độ Dương bay tới mục tiêu. Và Nhà Trắng lúc đó đã do dự. Thế là CIA đã tích cực tham mưu nhà chức trách phát triển máy bay không người lái và nó đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch truy tìm Bin Laden có kết quả sau này.

Nhật ký săn lùng Bin Laden

Từng là chỉ huy nhóm hoạt động bí mật toàn cầu của CIA chống lại kẻ thù khủng bố nước Mỹ, sau vụ 11-9, CIA giao cho Henry A. Crumpton nhiệm vụ đạo diễn và trực tiếp lãnh đạo chiến dịch Afghanistan, diệt trùm khủng bố Bin Laden.

Sau đây là nhật ký hành trình một thập kỷ săn lùng Bin Laden.

Năm 2002. Sau vụ tấn công ngày 11-9-2001, CIA và quân đội Mỹ bắt đầu truy tìm và thẩm vấn những nghi phạm trong mạng lưới khủng bố Al Qaeda tại nhà tù Guantanamo và các nhà tù bí mật. Một số tù nhân no đòn đã buộc phải hé lộ thông tin về một người đưa thư trung thành của Bin Laden có biệt danh là Abu Ahmed al-Kuwaiti. Đây là manh mối quan trọng đầu tiên.

Năm 2003. Khalid Sheikh Mohammed, kẻ từng tham gia vào vụ tấn công ngày 11-9, bị bắt tại thành phố Karachi của Pakistan. Khalid đã khai ra manh mối về người đưa thư.

Tháng 2-2004, nhân vật hàng đầu của Al Qaeda là Hassan Ghul bị bắt. Y khai người đưa thư rất thân cận với Abu Faraj al-Libi, kẻ kế nhiệm Khalid Sheikh Mohammed vừa bị bắt.

Tháng 5-2005, Abu Faraj al-Libi bị bắt. Người này tiết lộ kẻ làm nhiệm vụ chuyển thư của Bin Laden ra ngoài hai tháng một lần. Đồng thời, CIA đã tìm ra tên thật của người đưa thư và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã cài thiết bị theo dõi các cuộc gọi và email giữa gia đình của y với bất kỳ ai ở Pakistan. Từ đó, CIA đã tìm được tên họ đầy đủ của y.

Năm 2009. CIA xác định được một khu vực tại Pakistan nơi người đưa thư Sheikh Abu Ahmed có mật danh al-Kuwaiti và anh trai của y đang hoạt động. Trong khi đó, cơ quan tình báo của Pakistan có thông tin về một ngôi nhà ở Abbottabad, nơi họ nghi ngờ Bin Laden đang ẩn náu.

Tháng 7-2010. Bằng việc theo dõi các cuộc điện thoại qua vệ tinh của người đưa thư, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã tìm ra mạng lưới của Al Qaeda ở hai thành phố Kohat và Charsada thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa  của Pakistan. Các điệp viên CIA ở Pakistan cũng thông báo phát hiện người đưa thư nói trên đang lái xe ở gần thành phố phía bắc Peshawar và tiến hành theo dõi các di chuyển của y.

Tháng 8-2010, Al-Kuwaiti không hề biết rằng mình đang dẫn đường cho các cơ quan tình báo đến nơi ẩn náu của Bin Laden ở Abbottabad, cách thủ đô Islamabad 56 km về phía bắc. Khu dinh cơ biệt lập gồm ba tầng khá rộng, được bao quanh bằng bức tường cao.

Tháng 2-2011, Mỹ liên tục họp bàn về kế hoạch đột kích để “cất vó” Bin Laden.

Ngày 1-5-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tập trung tại Phòng tình huống trong Nhà Trắng theo dõi thông tin cập nhật về chiến dịch, do giám đốc CIA trực tiếp thực hiện từ trụ sở ở Langley. Đêm đó, ông Obama thông báo Bin Laden đã bị tiêu diệt. (Theo VNE)

KHIẾT ĐAM tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm