"Đại dịch" các sao Hàn tự tử: Tranh luận quyền được chết

Tự tử hàng loạt

Mở đầu là cái chết của một thành viên nhóm Turtleman. Sau đó, một loạt nhân vật ra đi: Kim Min Soo của nhóm Monday Kiz, diễn viên Lee Eon, nam diễn viên Ahn Jae Hwan, nữ hoàng Choi Jin Sil, nữ diễn viên chuyển đổi giới tính Jang Chae Won, người mẫu Kim Ji Hu. Rồi đến quan chức chính phủ Kim Young Cheol cũng chết.

"Đại dịch" các sao Hàn tự tử: Tranh luận quyền được chết ảnh 1

Nữ hoàng điện ảnh Choi Jin Sil

Mới nhất là ngôi sao ca nhạc nam Lee Seo Hyun đã chết ngay tại phòng thu âm của nhóm nhạc tại Seol Yang Jae Dong. Nguyên nhân của cái chết được xác định là treo cổ tự tử. Tại hiện trường cảnh sát còn tìm thấy di thư của Lee. Di thư được viết kín hai trang giấy A4 với những dòng chữ đầy tâm trạng. Lee Seo Hyun gửi lời xin lỗi tới gia đình và những người thân của mình. Tự xưng là con chiên ngoan đạo, Lee cầu xin sự tha thứ.

Dư luận Hàn Quốc cho rằng lý do lớn nhất để Lee Seo Hyun tìm tới cái chết là do sự thất bại từ đầu tư chứng khoán. Bạn bè, gia đình và người thân cho biết Lee Seo Hyun đã đầu tư một khoản tiền rất lớn từ vay mượn bạn bè vào việc mua cổ phiếu. Không may cho Lee, thị trường chứng khoán liên tục rớt giá và Lee rơi vào vòng xoáy nợ nần. Một vài chủ nợ đã đến gặp Lee đòi nợ, uy hiếp công bố thông tin nếu Lee không mau chóng “giải ngân”. Áp lực trong công việc, bế tắc trong tài chánh đã dẫn tới hành động tự giải thoát của Lee.

Cắt nghĩa về quan hệ cộng hưởng

Cái chết của Lee và các ngôi sao đã thổi bùng lên sự kiện về những quan hệ cộng hưởng, nhằm đề cập đến chuyện những người nổi tiếng và không nổi tiếng thi nhau tự tử giống như một bản sao. Những mối lo ngại này trở thành sự thực khi đã xuất hiện nhiều bản báo cáo về một số nạn nhân đã tự kết liễu đời mình với đúng cách mà các sao đã làm.

"Đại dịch" các sao Hàn tự tử: Tranh luận quyền được chết ảnh 2

Nam diễn viên Ahn Jae Hwan

Trên những trang báo nghiêm túc, đã có những ý kiến nhấn mạnh về vấn đề nầy. Báo chí nhấn mạnh những ngôi sao, trong rất nhiều trường hợp, đều phải thể hiện được rằng họ là người của công chúng. Nhưng cũng chính điều này  làm tăng thêm áp lực lên các nghệ sĩ, khiến họ cảm thấy bị stress. Đây là nguyên nhân chính dẫn họ đến hành vi tự tử...

Min Sung Gil - nhà tâm lý học tại bệnh viện Seoul, đã phát biểu trên truyền hình: “Rất nhiều người Hàn Quốc đang có suy nghĩ rằng bản thân không thể nào giải quyết được những vấn đề liên tiếp xảy ra trong cuộc đời mình. Họ méo mó cho rằng kết thúc cuộc đời là cách tốt nhất, đặc biệt là khi họ nhận thấy rằng chính những người nổi tiếng cũng coi việc tự tử là cách kết thúc những khổ lụy mệt mỏi đang bủa vây.

Mặt khác, các phương tiện thông tin cũng không ngừng khai thác về vấn đề nầy. Một vài cái chết tự nhiên do những căn bệnh nan y và những chuyện tình cảm riêng tư của các ngôi sao cũng bị khai thác ăn theo, vô tình châm ngòi cho chuyện chết lây lan nầy”.

Phó thường dân và quyền được chết

Tuy nhiên, sau những cái chết của các sao, một vài cái chết khác của các phó thường dân đang hé lộ một khuynh hướng gây tranh cãi mới ở Hàn Quốc. Đó là những cái chết nhẹ nhàng của quyền được chết đang ngày một thịnh hành, nhất là trong thời buổi khủng hoảng kinh tế.

"Đại dịch" các sao Hàn tự tử: Tranh luận quyền được chết ảnh 3

Diễn viên Lee Eon

Trên trang mạng đang phổ biến về tài liệu của một vụ kiện cáo của một gia đình thường dân Hàn Quốc. Cuối năm 2008, một bệnh viện ở Seoul đã phải dừng việc điều trị bằng máy thở một phụ nữ 75 tuổi tên Kim Ok Kyung. Bà đã được điều trị một thời gian dài. Bệnh viện dựa vào án lệnh của tòa, đã kết thúc đời sống thực vật của bệnh nhân nầy sau khi các người thân của bà không thể chi tiền trả viện phí.

Sự việc nầy làm dư luận dấy lên nhiều thắc mắc xung quanh chuyện liệu có nên cho các bệnh nhân không thể hồi phục tiếp tục sống đời sống thực vật hay nên tắt hết các thiết bị để họ ra đi một cách nhẹ nhàng.

Đa số những người trong gia đình chấp nhận giải pháp “ra đi một cách nhẹ nhàng” vì cho rằng những biện pháp cứu chữa đối với người mẹ của họ là một hành động vô nghĩa nhằm cứu vãn một cuộc sống không còn tồn tại. Gia đình nói: Bà Kim cũng sẽ chọn một cái chết tự nhiên nếu bà có thể tỉnh lại, chứ không muốn chỉ được sống nhờ vào các thiết bị y học.

Vào ngày 28-11-2008, Tòa án Tây Seoul đã cho ra quyết định: Cho phép tách rời những thiết bị y học khỏi bà Kim, dựa trên những lời bà từng nói trước đó, dựa trên niềm tin vào tôn giáo của gia đình với hy vọng bệnh nhân được chết một cách tự nhiên và thanh thản. Tuy nhiên, có một số người thân, dựa vào sự ủng hộ của Bệnh viện Severance, nơi đã chữa trị cho bà Kim trong suốt tám tháng trời, đã nói rằng sẽ họ sẽ chống án.

"Đại dịch" các sao Hàn tự tử: Tranh luận quyền được chết ảnh 4

Ngôi sao ca nhạc nam Lee Seo Hyun

Có một điểm lấn cấn ở đây: Bộ luật Hình sự của Hàn Quốc quy định tội giết người cho bất cứ trường hợp nào kết thúc cuộc đời của người khác. Trong trường hợp này, mặc dù đã được sự đồng ý của bệnh nhân và các thành viên trong gia đình, nhưng việc không duy trì sự sống cho nạn nhân bằng cách không cho ăn, uống, không thuốc điều trị và các thiết bị hỗ trợ, sẽ bị coi là một tội ác. Bệnh viện tắt máy thở cho bà Kim được coi là người thứ ba chịu trách nhiệm về cái chết này.

Trước đó, một phiên tòa ở địa phương đã kết án tù một người vợ và hai bác sĩ vì đã để bệnh nhân - chồng của bà này, dù đang ở trong một tình trạng nguy kịch - vẫn phải rời khỏi bệnh viện mà không có biện pháp cứu chữa.

Lật lại hồ sơ vụ án, đó là vào năm 1997, bất chấp những đe dọa mạnh mẽ từ phía bác sĩ, người vợ vẫn quyết định rằng nên để cho người chồng 58 tuổi của mình tự chống đỡ với căn bệnh chảy máu não, nguyên do khó khăn tài chính của gia đình khiến bà này không thể làm khác hơn.

Hiện tại, mặc dù y học hiện đại đã có thêm nhiều hỗ trợ, trong đó có nhiều phản hồi tích cực từ tòa án khi một số lớn ý kiến cho rằng sẽ tốt hơn cho gia đình và bệnh nhân khi kết thúc những biện pháp điều trị vô nghĩa, nhất là đối với những bệnh nhân bị hôn mê mà không có một chút khả năng nào sẽ hồi phục, đồng thời sẽ giảm đi gánh nặng cho gia đình.

Tuy nhiên, có những người vẫn cho rằng, theo đạo lý và nhân quyền, không một người nào có quyền được kết thúc cuộc sống của ngườ khác. Đồng thời đưa ra những lo lắng rằng: Nếu bất cứ hình thức nào của việc để bệnh nhân chết tự do với căn bệnh đều được tòa án phán cho trắng án, điều đó có thể làm cho công chúng coi nhẹ cuộc sống. Nhất là  nạn dịch tự tử sẽ phát triển và lây lan rộng rãi hơn.

MINH HUỲNH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm