Đan áo gửi Trường Sa

Chị Vũ Thị Kim Hòa bị bại liệt một chân từ nhỏ, đứng lên ngồi xuống khó khăn nhưng mỗi giờ mỗi phút ngoài công việc chung của hợp tác xã (HTX), chị lại ngồi cần mẫn đan tấm áo, chiếc mũ len gửi ra bộ đội Trường Sa để mong các anh chống được những đợt lạnh gió lùa, bão giật. Một mình một khoảng không gian riêng tư như vậy, chị gần như quên hết những khuyết tật đang mang và thực sự cảm thấy hạnh phúc với việc làm của mình.

Đưa ấm áp ra đảo xa

Chị Hòa đã gần 50 tuổi, hiện là chủ nhiệm HTX Hữu Hòa - nơi tập hợp phần đông những phụ nữ khuyết tật ở TP Đà Lạt, sinh sống với nghề đan len công nghiệp và thủ công.

Giáp xuân Tân Mão 2011, Lâm Đồng phát động chương trình “Đà Lạt, Lâm Đồng hướng về biển, đảo Trường Sa”, kêu gọi mọi người với hành động thiết thực để tiếp thêm tinh thần, tạo thêm động lực cho chiến sĩ vững tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước. Chị Hòa liền nghĩ đến những sản phẩm đan len mặc ấm của HTX có thể theo tàu ra khơi gửi tặng bộ đội Trường Sa.

Một cuộc họp toàn thể xã viên được tổ chức, tất cả xã viên có mặt đã nhiệt tình hưởng ứng chương trình đan áo len, mũ len mặc cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Khi đó là giao mùa giữa tiết cuối đông và đầu xuân, đất liền liên tục hứng chịu những đợt không khí lạnh tràn về. Đất liền gió lạnh, chắc các anh bộ đội Trường Sa còn lạnh hơn. Nghĩ thế nên 20 chị em thợ đan len khuyết tật trong HTX đặt chỉ tiêu cố gắng làm trong các giờ nghỉ buổi trưa và nghỉ buổi tối để hoàn thành 400 tấm áo và mũ len trong vòng 30 ngày để kịp gửi ra Trường Sa. Lúc này cũng là lúc phải gấp rút hoàn thành hàng ngàn sản phẩm hàng len theo hợp đồng nên HTX đã bàn và gần 30 xã viên đều sẵn lòng làm tăng ca, tăng giờ để hoàn thành kế hoạch cho cả năm. Chủ nhiệm Hòa vừa lo quản lý vừa là người ghi tên đầu tiên trong HTX nhận đan tay năm chiếc áo len cho bộ đội Trường Sa trong vòng 15 ngày. Kiểu dáng áo mặc qua cổ hình tròn, mặc chồng một lớp bên ngoài chiếc áo trắng hải quân. Mũ len trùm từ đầu đến cổ, chỉ chừa phần cho đôi mắt; bên trên đôi mắt có gắn chiếc vành hình lưỡi trai nằm đệm bên dưới vành mũ của bộ đội.

Đan xong từng sản phẩm, các chị cẩn thận đóng vào bao nylon để chống ẩm ướt. Cứ vậy, đến giữa tháng 2-2011, HTX đã hoàn thành 400 sản phẩm mũ len và áo len gửi ra bộ đội Trường Sa.

Đan áo gửi Trường Sa ảnh 1

Chủ nhiệm Vũ Thị Kim Hòa chăm chú trên từng đường kim đan áo. Ảnh: VĂN VIỆT

Đan áo gửi Trường Sa ảnh 2

Cẩn thận xếp từng chiếc áo gửi ra Trường Sa. Ảnh: VĂN VIỆT

Tấm lòng người khuyết tật

Thợ đan Hoàng Thị Mỹ Hạnh tâm sự: “Qua truyền hình, sách báo, em cảm nhận phần nào sự vất vả của bộ đội Trường Sa. Các anh luôn phải vượt qua mọi gian khổ, khó khăn của sóng gió biển khơi, chủ động trước những tình huống xảy ra để bảo vệ bình yên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Em tình nguyện nhận đan áo ấm tặng bộ đội Trường Sa là muốn góp phần gửi gắm tình cảm đất liền động viên các anh luôn luôn vững lòng để bảo vệ biên cương…”.

Hạnh tranh thủ thời gian bắt đầu từ chiều tối đến khuya, có khi kéo dài gần sáng hôm sau với cả chục đêm liền để đan hoàn tất ba tấm áo. Theo Hạnh, đây là lần đầu tiên trong đời và là lần đầu tiên sau hơn hai năm vào làm thợ đan ở HTX Hữu Hòa, Hạnh cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa nhất bởi có chút công sức thiết thực của một người công dân hướng về biển, đảo thân thương của Tổ quốc. Khuyết tật ở một bàn tay nhưng với bàn tay còn lại, Hạnh vừa đan len tự nuôi sống mình và dành được một phần lao động nghề nghiệp giúp thêm một món quà vật chất nho nhỏ này cho Trường Sa.

Chị Nguyễn Ngọc Ái, 54 tuổi - Phó Chủ nhiệm HTX Hữu Hòa, không bị khuyết tật như phần đông thợ đan của HTX, được phân công chuyên lo việc tập trung hàng len thành phẩm, kiểm tra, sắp xếp thành từng lô hàng trên từng chuyến xe. Rất bận rộn nhưng đêm về chị Ái vẫn thức tận khuya may ráp áo len cho bộ đội. “Tôi có hai con gái đã đến tuổi trưởng thành. Con gái đầu học ĐH năm thứ hai, từ TP.HCM về nhà ở Đà Lạt nghỉ tết. Con gái thứ hai đang học lớp 12. Hằng đêm trông thấy tôi đem về những tấm len để kết nối thành chiếc áo, chiếc mũ len hoàn chỉnh để gửi tặng cho bộ đội Trường Sa, hai con gái tôi đều hào hứng phụ giúp mẹ…”.

Đan áo gửi Trường Sa ảnh 3

HTX Hữu Hòa đan, may sản phẩm len tặng cho bộ đội Trường Sa. Ảnh: VĂN VIỆT

Ước có ngày đặt chân đến Trường Sa

Theo Chủ nhiệm Vũ Thị Kim Hòa, những tấm áo len, mũ len cho bộ đội Trường Sa phải đan may công phu hơn, len dày và bền chắc hơn so với những sản phẩm len thông thường khác trên thị trường. 20 người thợ vừa đan len tay và vừa vận hành 10 chiếc máy may len hoạt động thêm giờ trưa và ban đêm trong một tháng mới kịp gửi lên chuyến tàu của đoàn công tác quân và dân tỉnh Lâm Đồng ra thăm và tặng quà xuân Tân Mão cho bộ đội Trường Sa. Đây là những tấm áo len cho mùa đông xuân, tất cả đều may đan dài tay, cổ dài, len dày. Tiếp theo là sản phẩm len dành cho mùa hạ và thu đông năm 2011, tính đến giữa tháng 7-2011, 20 xã viên HTX Hữu Hòa đã đan xong 200 tấm áo len và 300 chiếc mũ len sợi mỏng, dành gửi chuyến tàu thứ hai cho bộ đội Trường Sa mặc vào tránh nắng, gió ở biển khơi.

Nhắc lại chuyến tàu đầu tiên đưa áo len và mũ len ra Trường Sa, chị Hòa nhớ mãi người sĩ quan hải quân, cấp hàm đại tá, thay mặt lãnh đạo Vùng 4 hải quân, đã nói lời cảm ơn chân thành với những người thợ khuyết tật HTX Hữu Hòa qua đường điện thoại vô tuyến. Rằng bộ đội Trường Sa mừng vui và xúc động khi mặc áo len, mũ len của những người thợ khuyết tật từ Đà Lạt. “HTX đã đóng gói chuẩn bị trước 500 sản phẩm áo len, mũ len gửi cho bộ đội Trường Sa mặc tránh nắng, che gió trong mùa cuối hạ-đầu thu năm 2011 này. Nhưng nếu được phép, tôi và một số xã viên đại diện cho HTX chúng tôi được lên tàu ra biển khơi xa thăm Trường Sa, được trực tiếp trao tặng bộ đội với những sản phẩm len do chính mình đan dệt thì còn vui sướng hơn nữa…” - chị Hòa thổ lộ.

VĂN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm