Đánh bạc hợp pháp ở Singapore - Bài 1: Dỡ bỏ lệnh cấm hàng thập kỷ

LTS: Singapore từng cấm đánh bạc. Nhưng đảo quốc này cuối cùng đã thay đổi quan điểm và cho đánh bạc hợp pháp. Tại sao chính phủ nước này thay đổi quan điểm sau hàng thập kỷ cấm đoán?

Hàng ngàn con bạc đổ về sòng bạc của khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands (MBS) hằng đêm để đặt cược chơi baccarat, roulette và trò súc sắc dưới ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ đèn chùm pha lê nhãn hiệu Swarovski nặng đến bảy tấn. Với những bàn đặt cược mức cao, hàng chục phòng chỉ dành cho khách VIP và được trang trí bắt mắt, MBS là khách sạn và là nơi lựa chọn của những nhân vật nổi tiếng như Justin Bieber và Katy Perry.

Đó là một trong những lý do để Singapore trở thành ông lớn về đánh bạc hợp pháp trên thế giới vào năm 2011, sau Macau của Trung Quốc.

Thay đổi triết lý kinh tế

Nửa thế kỷ qua, Singapore từng bước tạo dựng danh tiếng của một đất nước thân thiện với doanh nghiệp, vượt qua bất lợi về diện tích và thực trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên để trở thành một nền kinh tế con hổ thứ thiệt của châu Á. Chính phủ xem xét điều chỉnh hành vi của công dân và đó là chìa khóa thành công của Singapore.

Thế nhưng nỗi sợ hãi bị thua trong cuộc chiến về du lịch của châu Á - và triển vọng giải quyết hàng ngàn lao động trong nước - đã khiến Singapore xem xét lại chiến lược phát triển. Quốc đảo này đã nhìn thấy sự cạnh tranh đang tăng cao từng ngày từ các nước trong khu vực đối với những lĩnh vực công nghiệp trụ cột của mình, chẳng hạn sản xuất công nghệ cao và dịch vụ tài chính và họ cảm thấy cần phải đa dạng hóa nền kinh tế của mình.

Cuối cùng, nhà lập quốc 87 tuổi Lý Quang Diệu và con trai mình - Thủ tướng Lý Hiển Long - bắt đầu đấu tranh với ý tưởng về việc chấp nhận sự tồn tại của sòng bạc và hình ảnh một đất nước Singapore sôi động.

Thế là nhà nước đô thị này đã dỡ bỏ lệnh cấm cờ bạc hàng thập kỷ qua và mở hai sòng bạc mới đầy sức sống vào năm 2010 với lưng vốn trên 10 tỉ USD. Một sòng do Tập đoàn Las Vegas Sands điều hành, sòng còn lại do Resorts World Sentosa (RWS) có chủ là người Malaysia điều hành.

Đánh bạc hợp pháp ở Singapore - Bài 1: Dỡ bỏ lệnh cấm hàng thập kỷ ảnh 1

Trong sòng bạc của Singapore. Ảnh: REUTERS

“Chính phủ đang cố gắng tạo ra ưu điểm từ sự giải trí” - ông Eugene Tan, một trợ giảng bộ môn luật tại Trường ĐH Quản trị Singapore, nói. “Họ đang muốn nói rằng đây không phải là Singapore cũ kỹ, đây là một nơi có hương vị đặc biệt”.

Phát triển chóng mặt

Chỉ một năm sau khi mở sòng bạc đầu tiên, Singapore đã nổi lên thành “thủ đô cờ bạc” mới nóng nhất châu Á, từ đó đô thị được chỉnh trang tạo bộ mặt cảnh quan mới và hàng tỉ đôla Mỹ đổ vào nền kinh tế nước này.

“Thị trường đánh bạc Singapore tạo ra một sự mời gọi ấn tượng khó cưỡng nổi”, Phòng Tư vấn tài chính của Công ty Dịch vụ chuyên nghiệp PricewaterhouseCoopers (PwC) khẳng định trong một báo cáo. Báo cáo trên cũng ước tính thị trường sòng bạc của quốc gia đô thị này đạt 2,8 tỉ USD ngay trong năm thành lập đầu tiên. Ít ai dám nghĩ rằng sòng bạc của khu nghỉ dưỡng Resorts World Sentosa ra đời vào ngày 14-2-2010, ngay cả khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa ra khỏi cơn suy thoái.

Với việc mở các khu nghỉ dưỡng phức hợp có sòng bạc, khách du lịch đến Singapore năm 2011 tăng vọt, đạt 11,6 triệu USD, phá vỡ kỷ lục 10,3 triệu của năm 2007. Hầu hết du khách đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó du khách Trung Quốc, Úc, Indonesia và Ấn Độ hợp lại đã chiếm 53%. Du khách đến Singapore tiêu xài giúp làm tăng tốc độ tăng trưởng của nước này lên mức 14,7% vào năm 2010, khiến nền kinh tế của đảo quốc sư tử phát triển nhanh nhất châu Á, sau khi giảm 1,3% vào năm 2009.

Cái điều PwC tiên đoán - Singapore sẽ vượt qua Hàn Quốc và Úc để trở thành sòng bạc lớn thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương (sau Macau) - đã trở thành hiện thực. Năm 2011, với sự vận hành hết công suất, hai khu nghỉ dưỡng đã đạt doanh số 5,5 tỉ USD. Lại PwC tiên lượng con số đó sẽ là 8,3 tỉ USD vào năm 2014.

Đánh bạc hợp pháp ở Singapore - Bài 1: Dỡ bỏ lệnh cấm hàng thập kỷ ảnh 2

Con tàu vượt đại dương - biểu tượng mới của Singapore. Ảnh: Lại Minh Sơn

Mặt khác, những khu nghỉ dưỡng ăn nên làm ra từ sòng bạc đã tạo ra hàng ngàn việc làm mới và những sản phẩm phụ của ngành du lịch của Singapore. Nhà kinh tế nổi tiếng Leong Wai Ho cho biết các khu nghỉ dưỡng đóng góp từ 0,3% đến 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong tương lai gần con số này có thể là 0,7% hoặc hơn nữa.

Ngay trong năm đầu thành lập, trong báo cáo tài chính gần nhất do Tập đoàn Las Vegas Sands công bố, MBS thu về 1,02 tỉ USD từ hoạt động casino. Resorts World Sentosa từ chối tiết lộ số doanh thu từ sòng bạc nhưng tổng doanh thu đạt mức 1,53 tỉ USD trong thời gian chín tháng đầu năm 2010.

Trong khi đó, nhà phân tích, chuyên gia tầm cỡ về ngành công nghiệp đánh bạc Jonathan Galaviz ước tính doanh thu từ sòng bạc chiếm ít nhất 60% tổng doanh thu của Resorts World Sentosa. “Du lịch là một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế Singapore” - ông Galaviz trả lời hãng tin AFP. “Việc công nhận sòng bạc hợp pháp, trong bối cảnh phát triển của khu nghỉ dưỡng phức hợp, hóa ra là một nỗ lực thành công”.

Không khuyến khích con bạc trong nước

Chính quyền quy định công dân Singapore và người thường trú tại đất nước này phải trả một số tiền tương đương 79,5 USD/ngày hay 1.590 USD/năm nếu vào chơi bạc tại sòng bạc (luôn mở cửa 24 giờ). Các thành viên trong gia đình có thể ghi sổ đen những người thân chơi bạc ở đây nếu người thân của họ có dấu hiệu đỏ đen và đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Nhà chủ sòng bạc từng bị cấm việc xúc tiến và quảng cáo. Đã từng xảy ra việc nhà cái bị chính quyền bắt dỡ trang web có đăng tên người thắng xe hơi, tiền mặt và dừng dịch vụ xe buýt miễn phí để “dụ” người ta đến chơi bạc. Các nhà quản lý cũng ngăn chặn những chuyến vui chơi của những nhân vật có máu mặt trong nước đem lại lợi nhuận cao, họ khuyến khích nhà cái “móc” những con bạc lớn từ nước ngoài.

Đầu năm nay, cơ quan quản lý sòng bạc của Singapore (CRA) đã phạt hai sòng bạc vi phạm các quy định về an toàn xã hội theo Đạo luật Kiểm soát sòng bạc. Trong những lỗi vi phạm nói trên có việc để cho công dân Singapore hoặc người thường trú tại đất nước này vào sòng bạc mà không đóng phí, cho những người thuộc diện bị cấm (người bị tòa án phán quyết không được lui tới nơi nhạy cảm) và trẻ vị thành niên (ở Singapore là dưới 21 tuổi) vào sòng bạc. Marina Bay Sands (MBS) bị phạt 255.000 SSD, Resorts World Sentosa (RWS) cũng bị áp đặt mức phạt 130.000 SSD. Đây là vụ kỷ luật đầu tiên diễn ra kể từ khi các quy định quản lý sòng bạc được thắt chặt vào tháng 10 năm ngoái để đảm bảo các sòng bạc ở đây không hướng mục tiêu kinh doanh vào “thị trường trong nước”. 

Né từ “sòng bạc” để tránh chỉ trích

Để làm cho đánh bạc trở thành chuyện chấp nhận được đối với những người chỉ trích, Singapore đã đưa ra một uyển ngữ: Thay vì dùng từ sòng bạc, họ gọi đó là khu nghỉ dưỡng phức hợp. Các nhà khai thác phải cung cấp những dịch vụ bổ sung có sức hấp dẫn và không thể dành trên 5% tổng diện tích sàn cho hoạt động sòng bạc. Chẳng hạn, Resorts World Sentosa hợp tác với “ông lớn” Universal Studios của Mỹ xây một công viên giải trí và cho ra đời một cụm khách sạn cao cấp dành cho gia đình như là một phần của khu nghỉ dưỡng có sòng bạc.

Trong khi đó, Marina Bay Sands nhắm đến đối tượng dự các hội nghị, hội thảo nên xây dựng khách sạn thành ba tòa nhà chọc trời 57 tầng bằng kính có hình dáng con tàu vượt đại dương rất đẹp với một công viên nằm trên sân thượng. Công viên này có hồ bơi dài gấp 1,5 lần chiều dài của sân bóng đá, có thể nhìn thấy từ mọi hướng trong khu tài chính của Singapore. Một gian nhà lớn bằng kính nép mình bên cái vịnh nước ngọt nhân tạo là địa điểm của hai hộp đêm, một cái của ông chủ Steve Adelman - một nhà kinh doanh hộp đêm lừng danh ở Hollywood, cái còn lại của Michael Ault, một ông bầu chuyên tổ chức các hoạt động giải trí về đêm ở New York.

ĐẶNG NGỌC HÙNG tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm