Đánh bạc hợp pháp ở Singapore - Bài 2: Lợi nhuận nhiều, nỗi lo cũng lắm

Không phải người dân Singapore nào cũng hài lòng với hoạt động đánh bạc hợp pháp, dù kết quả kinh tế mà nó mang lại rất khả quan. Trước khi những khu nghỉ dưỡng hái ra tiền được động thổ, vấn đề này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt.

Những tác động khó lường

Khi dỡ bỏ lệnh cấm sòng bạc, chính quyền Singapore gọi nó là “khu nghỉ dưỡng phức hợp” trước sự phản đối từ phía người dân và các tổ chức nhà thờ. Những người này lo lắng hoạt động cờ bạc ở quy mô lớn sẽ tạo ra những tác động xã hội không lường được.

“Chắc chắn với việc mở cửa các sòng bạc, chúng ta chứng kiến sự gia tăng những người nghiện cờ bạc cần được giúp đỡ” - ông Tan Lye Keng, Giám đốc điều hành Trung tâm Một Niềm Hy Vọng (tổ chức công tác xã hội của Thiên Chúa giáo giúp những người nghiện cờ bạc), nói. Ông này nói rằng phí vào cửa (79,5 USD/ngày hoặc 1.590 USD/năm) đối với công dân Singapore và người thường trú không thể ngăn chặn máu đỏ đen của con bạc.

Cũng vậy, anh Jason Lee, 39 tuổi, chưa bao giờ vào casino, nói: “Hầu hết bạn bè tôi cũng giống như tôi. Chúng tôi không muốn bỏ tiền ra để được vào những chỗ như thế. Nhưng tôi không nghĩ rằng chính quyền sẽ làm được nhiều trong việc ngăn chặn các con bạc khát nước. Đối với con bạc, mức tốn kém như trên chẳng là gì cả”.

Đánh bạc hợp pháp ở Singapore - Bài 2: Lợi nhuận nhiều, nỗi lo cũng lắm ảnh 1

Cảnh quan Singapore  nhìn từ hồ bơi lớn nhất thế giới trên tầng thượng khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands.Ảnh: INTERNET

Những người phê phán casino cáo buộc các nhà lãnh đạo Đảng Hành động nhân dân (PAP, một chính đảng lớn mạnh từ trước khi Singapore tuyên bố chủ quyền vào năm 1965) phá hoại các giá trị gia đình. Sự giận dữ này được cho là góp phần vào thất bại bầm dập của đảng này trong cuộc bầu cử tháng 5 năm ngoái khi họ đạt một số phiếu ít nhất trong năm thập niên qua.

Thận trọng với đánh bạc trực tuyến

Một báo cáo gần đây của Công ty Dịch vụ Chuyên nghiệp PricewaterhouseCoopers đã đặt vấn đề về đánh bạc trực tuyến ở Singapore. Tuy là quốc gia hợp pháp hóa sòng bạc và công nhận cá cược bóng đá nhưng tính đến cuối năm 2011, đánh bạc trực tuyến vẫn là việc làm phi pháp tại đảo quốc này. Báo cáo này lập luận rằng khi người tiêu dùng tham gia vào các trò đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp, việc cấp giấy phép và đánh thuế nó sẽ tốt hơn là để cho các khoản tiền trên chảy vào túi các nhà khai thác không có giấy phép.

Lập tức, tờ Ngày Nay dẫn lời ông Jonathan Galaviz, nhà kinh tế kỳ cựu của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu chiến lược kinh tế Galaviz & Company, cho rằng: “Có thể đây là thời gian thích hợp để chính phủ Singapore, ở mức độ tối thiểu, nghiêm túc nghiên cứu vấn đề và sớm đưa ra các quyết định thận trọng về chính sách”. Ông Galaviz nói rằng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về đánh bạc trực tuyến, đặc biệt là bài xì phé, các chính phủ trong khu vực nên tận dụng những cơ hội này.

Nhưng cũng trên tờ Ngày Nay, các nhà phân tích lại đưa ra ý kiến trái ngược về việc hợp pháp hóa đánh bạc trực tuyến. Theo họ, hoạt động này sẽ gây ra những tác động xã hội đáng kể. Ông Felix Ling, một nhà cố vấn cao cấp của diễn đàn Quản lý hệ thống dịch vụ châu Á, nói rằng: “Một khi bạn cho phép cờ bạc trực tuyến, bạn đang gián tiếp khuyến khích mọi người đổ xô vào trò này. Vâng, có một số người đang đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp trên Internet nhưng có bao nhiêu người nào? Nếu bạn hợp pháp hóa đánh bạc trực tuyến, số người nghiện cờ bạc sẽ tăng lên và bạn không thể kiểm soát tình hình. Các hậu quả xã hội sẽ khôn lường, đặc biệt là khi những người đang trong giờ làm việc sẽ sử dụng máy tính hoặc các điện thoại di động để đặt cược”. Ông này cũng cho rằng Singapore hiện không cần các nguồn thuế mới, tỉ như cờ bạc trực tuyến để lấp sự thâm hụt về ngân sách.

Đánh bạc hợp pháp ở Singapore - Bài 2: Lợi nhuận nhiều, nỗi lo cũng lắm ảnh 2

Khu casino ở Marina Bay Sands. Ảnh: INTERNET

Để nhà cái kiểm soát con bạc: Không dễ!

Chính phủ Singapore đang tích cực nghiên cứu các biện pháp công nghệ để can thiệp, gọi là “ngắt mạch”, vào mặt trái của bài bạc. Những công nghệ trên đã được áp dụng vào việc quản lý các sòng bạc ở một số nước châu Âu và Úc nhằm cố gắng chống lại nạn ép buộc cờ bạc.

Mục đích của việc áp dụng công nghệ này là nhằm kìm hãm các con bạc có năng lực tự kiểm soát kém. Tuy nhiên, có những ý kiến ​​khác nhau rằng liệu những biện pháp như vậy có đưa lại hiệu quả gì không. Học tập các quốc gia đi trước, Singapore yêu cầu các sòng bạc thành lập một đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp để giúp các con bạc “có vấn đề”, ghi nhận tất cả khách hàng thuộc diện “cờ đỏ lặp lại” (chỉ người đánh bạc quá mức) và giao quyền cho các sòng bạc thực thi những quy định trên.

Bộ Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao Singapore cho biết cơ quan này đang nghiên cứu các sòng bạc ở Hà Lan, Áo và Úc bởi vì các quốc gia này có cách “hãm phanh” nạn nghiện đánh bạc, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương về tài chính. Ngư?i ph?t ng?n c?a b? n?y n?i: ời phát ngôn của bộ này nói: “Các sòng bạc ở Hà Lan và Áo quản lý việc đăng ký của khách hàng và đưa ra biện pháp quyết định nếu con bạc đến sòng bạc thường xuyên, có nguy cơ làm phát sinh hiểm họa đối với chính họ. Nếu sòng bạc nghĩ điều đó là có hại, họ có thể đưa ra quyết định hạn chế số lần đến sòng bạc của khách hoặc cấm cửa những con bạc như thế”. (Sòng bạc Crown ở Melbourne, Úc có một trung tâm hỗ trợ việc đánh bạc để tư vấn cho các con bạc khi họ mất khả năng kiểm soát. Nhân viên trung tâm này có nhiệm vụ đưa ra sự giúp đỡ cần thiết để con bạc tự đặt ra giới hạn về thời gian và số tiền cá cược). 

Quyền Bộ trưởng Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao Singapore ông Chan Chun Sing, nói: “Chúng ta hy vọng các cá nhân sẽ tự chịu trách nhiệm nhưng thực tế không phải ai cũng có khả năng tự kiểm soát bản thân. Vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ phát triển một mô hình tham gia giúp đỡ con bạc không chỉ có các tổ chức xã hội mà còn có các nhà khai thác sòng bạc, kết hợp với các cơ quan chính quyền”.

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại nếu giao trách nhiệm thực hiện các biện pháp này cho các sòng bạc thì có thể không đạt hiệu quả gì. 

Ông Denise Phua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao của quốc hội Singapore, cho rằng mục tiêu của các nhà cái và chính phủ là rất khác nhau. Trong khi đó, nhà kinh tế Galaviz (Công ty Galaviz & Company) cho rằng chính quyền chỉ nên can thiệp khi có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà cái không có trách nhiệm với cộng đồng. Đồng tình, ông Seah Kian Peng, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao của quốc hội, nói khi tình trạng cờ bạc có vấn đề thì chính quyền mới ra tay.

“Đánh bạc có trách nhiệm”!

Để không xảy ra nguy cơ, cả hai sòng bạc tại Singapore đều cho phép khách hàng ruột đặt “các mức thua”. Điều này có nghĩa khi con bạc nào đấy cảm thấy mình gặp nguy hiểm thì có thể lựa chọn số tiền giới hạn mà anh ta sẵn sàng chịu mất. Sau khi đánh hết số đó, anh ta không thể đặt cược nữa. 

Tuy nhiên, vấn đề “canh bạc cuối cùng” xem ra không đơn giản về mặt pháp luật. Không có sòng bạc nào muốn tiết lộ số người tự nguyện đặt món cược có nguy cơ bị mất nằm trong giới hạn.

Một phát ngôn viên của Bộ Phát triển cộng đồng, Thanh niên và Thể thao nói rằng trong khi điều nghiên những ví dụ từ các sòng bạc ở Áo, Úc và Hà Lan, họ cũng xem xét những khuôn khổ pháp lý và chính sách về thẩm quyền xét xử các sòng bạc. Phát ngôn viên này nói những nhà cái phải cam kết chịu trách nhiệm với cơ quan chức năng. Cả hai sòng bạc ở Singapore cũng cam kết cộng tác với chính quyền để thúc đẩy “tinh thần đánh bạc có trách nhiệm”.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo LAT, AFP, economist.com, Casinocitytimes, ggbigames.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm