Đáp án​ kỳ 27: A và B cùng bị xử lý về tội lừa đảo

Rà soát một lượt các đáp án gửi về, À Ra Thế nhận thấy rằng quan điểm của bạn đọc trong kỳ này khá đa dạng: Một số xác định cả A và B đều phạm tội lừa đảo, số đông còn lại cùng xác định B phạm tội lừa đảo nhưng hành vi của A lại chia thành hai quan điểm: Hoặc xác định A có hành vi lừa dối khách hàng hoặc xác định A có hành vi buôn bán hàng giả.

Tình huống đưa ra A và B rủ nhau lên núi đào rễ cây một củ (hay cây bùi béo) để làm giả rễ cây đinh lăng bán kiếm tiền tiêu xài. Mặc dù cả hai đã thống nhất như vậy nhưng do mỗi người tự chọn cách thức tiêu thụ số rễ cây trên nên có vẻ tính chất hành vi cũng sẽ khác nhau. Hầu hết đáp án gửi về xác định B đã có hành vi gian dối, lừa bán cho ông C số rễ cây giả để chiếm đoạt 2 triệu đồng nên thỏa mãn với cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đây cũng là quan điểm của À Ra Thế.

Riêng hành vi của A thì hơi khó xác định hơn, nó cũng chính là “nút thắt” của kỳ này. Với hành vi đem rễ cây giả đinh lăng đi bán dạo, nhiều bạn đọc đã xác định khách thể xâm phạm trong hành vi của A là hoạt động buôn bán hoặc trật tự kinh doanh. Từ đó, nhiều đáp án “sa bẫy” À Ra Thế khi cho rằng hoặc A có hành vi lừa dối khách hàng hoặc A có hành vi mua bán hàng giả nhưng do chưa thỏa mãn dấu hiệu định tội nên A sẽ bị xử phạt hành chính về một trong hai hành vi trên.

Như tình huống đã đưa ra, dù không thống nhất về cách thức tiêu thụ nhưng từ đầu cả A và B đều cùng chung ý chí dùng rễ cây một củ để giả làm rễ cây đinh lăng nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Do vậy, tuy là đi bán dạo nhưng việc bán này của A vẫn xác định được đối tượng hoặc nhóm đối tượng cụ thể và hướng đến xâm phạm vào khách thể là quyền sở hữu được pháp luật bảo vệ.

Mặt khác, nhiều đáp án xác định A có hành vi lừa dối khách hàng nhưng trong cấu thành của tội lừa dối khách hàng theo Điều 162 BLHS thì hành vi lừa dối là hành vi “cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác”. Hành vi của A không thỏa mãn các dấu hiệu định tội này. Đồng thời một số ý kiến khác cho rằng A có hành vi mua bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 BLHS. À Ra Thế thấy rằng Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã xác định hàng giả là hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với thông tin “đã công bố hoặc đăng ký”. Đối chiếu với tình huống có thể xác định hành vi của A cũng không phải là hành vi buôn bán hàng giả. Do cả A và B cùng thống nhất dùng thủ đoạn gian dối nhắm đến việc xâm phạm vào quyền sở hữu và hậu quả của hành vi này đủ mức định lượng theo quy định của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS nên cả hai sẽ bị xử lý về tội danh này.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 27 là: A và B sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

Con số may mắn kỳ 27 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Hai 6-3 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm