Đem tiền gửi đáy sông

Làm nghề cá bè từ lời nói đùa

Năm 2009, Phạm Hoàng Vũ đã bước sang tuổi 33. Vũ là con cả, xuất thân từ gia đình nghèo, đi bộ đội, xuất ngũ rồi về quê xin được cái chân văn thư trong UBND phường Long Phước. Hết lòng hết dạ vì công việc nhưng đồng lương công chức cấp xã chẳng thể giúp Vũ thoát khỏi cảnh nghèo. “Mấy năm trong quân ngũ, ý chí tôi có thừa, nhưng ngặt nỗi tôi chẳng có đồng vốn lận lưng” - Vũ nói. Năm 2000, anh bấm bụng tính chuyện đào ao thả cá, nhưng bị vướng vì không có vốn.

Đem tiền gửi đáy sông ảnh 1

 Những lồng cá của Vũ trên sông Tắc

Đang lúc túng thiếu, may nhờ có ông bí thư phường giúp. Nhận ra ý chí hay lam hay làm trong con người Vũ, ông đứng ra bảo lãnh vay giùm 10 triệu đồng để giúp anh đạt ý nguyện nuôi cá làm giàu ngay trên dòng sông quê hương. May thay, vụ nuôi đầu tiên ấy thành công, anh có tiền trả ngân hàng, báo đáp được tấm lòng tốt của ông bí thư. “Chú bí thư thương tình đứng tên vay giùm rồi chú lấy tiền lương ra trả lãi hàng tháng cho ngân hàng” - Vũ kể.

Cơ duyên với nghề nuôi cá bè đến với Vũ cũng khá tình cờ. Năm 2002, trong một chuyến đi thăm các mô hình nuôi cá ở sông La Ngà (Đồng Nai), anh gặp một ông chủ đóng lồng bè nuôi cá. Anh ướm lời muốn đóng một cái bè cá, ai ngờ ông chủ này đóng thật và “hét” giá 50 triệu đồng. Anh té ngửa, vậy là một liều ba bảy cũng liều, vì lúc đó đồng vốn vẫn còn hạn hẹp.

Ông chủ này ra điều kiện cho anh trả dần hai năm, nếu không trả đủ thì lên tận nơi kéo bè về và sẽ truy thu thêm khoản tiền lãi. Tình thế buộc phải ráng làm, nhưng ngặt nỗi bè kéo về trên sông Tắc nhưng không biết lấy gì thả xuống. Anh thiếu vốn mua con giống; thức ăn cho cá ngốn cả trăm triệu đồng. Lại phải tính tiếp. Vũ kể: “Khó khăn nhất là việc thuyết phục các đại lý bán thiếu thức ăn cho cá. Đi hoài họ thấy thương nên đồng ý cho mua thức ăn thiếu đến vụ cân cá tính tiền”.

Đem tiền gửi đáy sông ảnh 2

Duyên nghiệp cá bè

Vậy là, cơ hội mới lại đến. Mấy năm liền sau đó nhờ mát tay nên cá lớn nhanh. Kết quả mấy vụ liền trúng đậm, trả tiền lồng bè, thức ăn cá và được bạn hàng tin tưởng. Không giấu được niềm vui Vũ kể: “Hiện trong tay tôi có bốn bè loại lớn và 10 vèo cá (giăng lưới bao quanh rồi thả cá) với các giống cá có giá trị như diêu hồng, cá lăng. Mỗi năm các bè cá cho thu hoạch khoảng ba lần, đạt năng suất 4,5 tấn/bè, trừ mọi chi phí vẫn còn lãi cả trăm triệu đồng”.

Nặng lòng với con cá

Đang trên đà làm ăn ngon trớn thì năm 2006, Vũ bị nước nhấn một trận, chỉ còn biết kéo lồng bè lên bờ làm củi, lỗ tả tơi. Vũ lý giải: “Do nguồn nước ô nhiễm, cá nổi trắng sông, lại thêm rớt giá khiến hàng trăm triệu đồng thả xuống sông nhưng không thể nào lấy lại được. Gần năm chục bè cá của bà con trong phường phải ngưng hoạt động vì thua lỗ”.

Thấy nghiệp cá bè “hút” tiền như cái xoáy nước, anh em họ hàng khuyên anh nên từ bỏ việc vãi tiền xuống sông. Mấy lần anh tính kéo bè lên bờ, nhưng rồi tính lại thấy mình còn nặng nợ với sông Tắc nên anh cố nán thêm mấy vụ để gỡ gạc.

Dòng sông Tắc cũng chẳng phụ công anh, mấy vụ liền làm tới đâu trúng tới đó. Đỉnh điểm thành công của nghề cá bè của anh trên sông Tắc là năm 2007 trúng đậm liền mấy vụ, dư vốn lận lưng vài trăm triệu đồng. Trên cái đà thắng lớn, anh đầu tư thêm mấy bè nữa, cái nào cái nấy to đùng, mặc sức cho cá tung tăng. Ấy vậy mà sang đầu năm 2008, lại bị “dìm” tơi tả, khi giá thức ăn tăng vọt, ngót 200 triệu đồng quy ra tiền cám đổ xuống sông Tắc đầu tư cho cá bị thất bại. Tính ra mỗi vụ cá bốn tháng Vũ đổ xuống sông không dưới năm trăm triệu đồng.

Gạn hỏi Vũ dòng sông Tắc đục ngàu thế kia không sợ bị nước đánh úp cả vài chục ngàn con cá dưới lòng sông, Vũ cười: “Bị nước dìm hoài, nhưng phải biết lựa con nước mà né”. Cái câu nói “né con nước” lưng lửng của Vũ xem ra có nhiều cái còn bí ẩn. Vũ tâm sự đã không biết bao lần trăn trở, thức trắng đêm lo cho con cá. Cái tính chân chất hay lam ham làm đã giúp anh không ít lần chiến thắng dòng nước đục ngàu, đầy thách thức.

Đem tiền gửi đáy sông ảnh 3

Chèo xuồng từ bè vào bờ

Trưa ra thăm bè cá của Vũ, nước sông Tắc căng tràn, từ xa đã nghe đã nghe tiếng cá đớp bóng nước lóp ngóp. Vũ nói cái nghề cá trên sông Tắc như cái vận vào mình, có cái gì bung ra làm cái nấy, loanh quanh mấy con cá vừa làm vừa học hỏi và cũng may được nhiều người ủng hộ... Cái cốt lõi là đánh thức tiềm năng trên dòng Tắc. Ở trong kia làng, đất đai trù phú, thiên hạ đua nhau đi mai mối đất đai ầm ầm, tiền kiếm ra ít nhiều đỡ rủi ro hơn. Còn tôi lại cầm tiền đổ sông”.

Ông Mai Xuân Sang, Phó Chủ tịch UBND phường Long Phước nhận xét: “Vũ là một thanh niên có chí làm ăn, không cam chịu phận nghèo. Từ trong gian khó anh đã biết cách vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi cá trên sông Tắc của Vũ hiện đang dẫn đầu trong xã. Đây là cơ sở để nhân rộng ra trong thời gian tới”.

Sông Tắc chao nghiêng mấy lần, có dạo nó ôi nồng, tanh tưởi khiến không ít người bám nghề cá bè như Vũ vật vã, nếu không muốn nói là còn nước dắt díu nhau lên bờ làm việc cho yên thân. Có thể vẫn còn nhiều có khó nhưng hơn ai hết anh muốn chinh phục sông Tắc. “Cái số mình nó nặng nợ với sông Tắc. Ngược xuôi, thổn thức cùng sông Tắc từ tấm bé, nên làm ra tiền đành gửi tiền xuống đáy sông!” - Vũ nói vậy.

PHONG ĐIỀN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm