Đi biển kiểu lưới rút Đàn 19

Một ngày giữa tháng Giêng âm lịch, cảng cá Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) sôi động khác thường khi 15 tàu cá đồng loạt về bến sau chuyến đánh bắt đầu năm. Cả đoàn tàu đều đầy ắp cá. Nhiều thương lái với cả đoàn xe đông lạnh đã chờ sẵn, tranh nhau mua với giá cao hơn 50% so với các tàu cá nơi khác.

Ngay khi lên bờ, các chủ tàu và thuyền trưởng của 15 tàu cá nói trên họp lại, ai cũng vui vẻ công bố doanh thu của chuyến biển này, hầu hết đều lãi 100-300 triệu đồng. Ông Phạm Lập, chủ một tàu hậu cần, hồ hởi: “Đầu năm ra quân như vậy là thành công! Năm nay anh em mình tiếp tục phát triển thương hiệu lưới rút Đàn 19”.

Liên kết bài bản, chuyên nghiệp

Ông Phạm Kỳ, người sáng lập ra Đàn 19, kể: “Cách đây ba năm, hầu hết tàu cá hành nghề lưới rút đều hoạt động riêng lẻ. Khi gặp được luồng cá, một tàu đánh bắt không hết nhưng hiếm khi gọi tàu khác đến cùng khai thác, rất lãng phí. Chúng tôi tự hỏi tại sao mình không liên kết lại để cùng làm ăn, mỗi khi tàu bị nạn hay sự cố thì gọi nhau giúp đỡ, tại sao khi làm ăn được thì không hỗ trợ nhau? Chính vì thế, tôi đi vận động những anh em thân thiết để hình thành nên một đàn đánh bắt, lấy tần số bộ đàm riêng của đàn (số 19) làm tên gọi. Từ đó, cái tên Đàn 19 ra đời”.

Đi biển kiểu lưới rút Đàn 19 ảnh 1

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé đi kiểm tra tàu, thuyền trước khi xuất bến. Ảnh: TẤN LỘC

Trong Đàn 19 có 10 chiếc tàu chuyên nghề lưới rút, năm chiếc làm dịch vụ hậu cần, hầu hết đều có công suất 200-300 CV. Mỗi khi tàu đánh bắt di chuyển đều có tàu hậu cần đi cùng. “Thông thường, các tàu hành nghề lưới rút cao lắm chỉ ba, bốn ngày phải vào bờ vì không thể để cá lâu. Mỗi lần di chuyển vừa tốn chi phí vừa mất thời gian. Trong khi đó, chúng tôi đánh được bao nhiêu là có tàu hậu cần chở ngay vào bờ nên cá còn rất tươi, bán được giá cao hơn. Các tàu hậu cần còn cung ứng nhiên liệu, lương thực thực phẩm, vật dụng hằng ngày cho các tàu đánh bắt nên chúng tôi hoạt động liên tục trên biển. Mỗi tháng chúng tôi chỉ vào bờ nhiều nhất là ba ngày giữa tháng để anh em nghỉ lấy sức” - ông Nguyễn Văn Bế, thành viên của Đàn 19, cho biết. Theo các chủ tàu của Đàn 19, nhờ có dịch vụ hậu cần như vậy nên chi phí đánh bắt của các tàu cá trong đàn đều giảm 30%-40% so với các tàu cùng nghề lưới rút khác.

Theo Trung tá Trịnh Đình Bá, Trưởng Đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam, hoạt động của Đàn 19 được tổ chức hết sức quy củ, chặt chẽ và chuyên nghiệp. Do bị bệnh nan y, ông Phạm Kỳ không còn đi biển nên ở đất liền làm nhiệm vụ điều hành qua sóng bộ đàm. Mỗi sáng, tất cả các tàu đều lên sóng để “giao ban”, thông báo tình hình. Cuối ngày, các tàu tiếp tục thông tin cho nhau, đề xuất nhu cầu để tàu hậu cần phục vụ. Căn cứ kết quả đánh bắt, ông Phạm Kỳ điều tàu hậu cần luân phiên chở cá về đất liền rồi đưa nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm ra khơi tiếp tế.

Sáng tạo cách đánh không hết cá

Xưa nay, phương thức hoạt động của tàu lưới rút chủ yếu là chong đèn cao áp giữa biển vào ban đêm để dụ cá đến tập trung rồi đánh bắt. Thế nhưng các tàu của Đàn 19 không hề chong đèn mà vẫn khai thác được cá liên tục. Ông Đào Chuối tiết lộ: “Đàn 19 có 10 tàu đánh bắt, kiểm soát được ngư trường rất rộng nên chúng tôi chia nhau tự đi tìm luồng cá, kết hợp với các thiết bị dò tìm. Khi phát hiện luồng cá, cả 10 tàu sẽ tổ chức vây lại, cùng đánh bắt. Mặt khác, phương thức của chúng tôi là chặn đánh chứ không đuổi theo luồng cá như các tàu khác”.

Đi biển kiểu lưới rút Đàn 19 ảnh 2

Các thành viên của Đàn 19 trao đổi, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới. Ảnh: TẤN LỘC

Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Anh nói thêm: “Nhờ phương thức này mà nhiều chuyến, cả đoàn chúng tôi đánh bắt hơn 70 tấn rồi mà vẫn không hết cá. Do các tàu hậu cần đã chở hết công suất nên các tàu đánh bắt phải… thả cá trở lại biển. Các tàu chúng tôi không trữ cá trên tàu vì mục tiêu hàng đầu của Đàn 19 là chỉ bán cá tươi, cá sống, không ép giá lẫn nhau. Đó cũng là yếu tố làm nên thương hiệu Đàn 19”.

Thời gian đầu, ngư dân nhiều tỉnh, thành thắc mắc không hiểu sao Đàn 19 của Phú Yên đánh không cần đèn mà lúc nào cũng trúng đậm. Dần dà, ngư dân các tỉnh nghe ngóng, tìm hiểu rồi học hỏi cách đánh này.

“Các thành viên trong đàn không chỉ liên kết làm ăn mà coi nhau như anh em kết nghĩa, được - mất, sướng - khổ đều có nhau, tin tưởng nhau tuyệt đối. Chẳng hạn về giá cả, giữa các tàu đánh bắt và các tàu hậu cần hoàn toàn tin tưởng nhau, tuyệt đối không có chuyện ép giá” - ông Phạm Lập chia sẻ. Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Bình nói thêm: “Nhờ gắn kết như vậy nên khi ra khơi chúng tôi rất tự tin. Mỗi khi di chuyển là cả đàn cùng đi, chúng tôi không lo ngại vì luôn có anh em kịp thời hỗ trợ, ứng cứu. Mỗi khi có tàu nào bị sự cố, hư hỏng thì sửa chữa ngay hoặc phân công tàu lai dắt ngay vào bờ. Nhiều lần, thấy đoàn tàu cá của chúng tôi đông, các tàu cá Trung Quốc cũng không dám gây sự, tranh giành ngư trường”.

Vươn khơi để giữ cá gần bờ

Theo các chủ tàu, hai năm gần đây, mỗi tàu trong Đàn 19 có thu nhập 3-5 tỉ đồng/năm. Đây là niềm mơ ước của ngư dân trong tình hình giá xăng dầu, chi phí đánh bắt liên tục tăng cao. Nhờ làm ăn hiệu quả nên hầu hết thành viên trong Đàn 19 đều xây dựng nhà cửa khang trang, có đời sống khá giả.

Mới đầu năm nay, ông Đào Chuối, thành viên của Đàn 19, đã hạ thủy chiếc tàu cá có công suất 520 CV với vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng. Đó là một trong những tàu cá lớn nhất ở Phú Yên. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được tàu lớn như ông Chuối.

Ông Nguyễn Văn Bế nói: “Bà con ngư dân gọi đánh bắt bằng lưới rút là nghề nóng vì chủ yếu hoạt động ở vùng biển gần bờ. Nếu không ra vùng biển xa, vài năm nữa nguồn lợi hải sản ở biển gần bờ sẽ cạn kiệt. Do đó, niềm mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có tàu lớn để vươn ra khơi xa khai thác, giữ lại nguồn hải sản gần bờ cho mai sau. Chúng tôi có nhà cửa, có tàu sẵn sàng thế chấp vay vốn ngân hàng để đóng tàu lớn nhưng quy định ngân hàng cho vay ít quá, khó khăn quá!”.

Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Anh nói: “Nguồn hải sản lớn nhất, khai thác lâu dài nằm ở vùng biển xa. Mỗi khi ra khơi xa, thấy tàu cá của ngư dân các nước có công suất lớn, máy móc hiện đại mà ham!”. Các chủ tàu của Đàn 19 cho biết kế hoạch đặt ra trước của tập đoàn đánh bắt tự lập này là sớm nâng cấp đội tàu cá, trang bị máy dò ngang, trị giá 1,5 tỉ đồng. “Khi có tàu lớn, có máy móc hiện đại, Đàn 19 chúng tôi sẽ vươn khơi đánh bắt cùng ngư dân các nước. Về khả năng đánh bắt, ngư dân mình không thua kém nước nào!”.

Lợi cùng hưởng, nạn cùng chia

Hiếm có mô hình liên kết cộng đồng nào tạo được sự gắn kết đặc biệt như ngư dân trong Đàn 19. Khi trúng cá thì tất cả thành viên đều trúng, khi có tàu thiệt hại là họ tự nguyện chia sẻ nhau. Mới đây, trong khi đang đánh bắt, tàu cá của ông Biện Quang bị hư hỏng nặng, lập tức các thành viên trong đàn phân công tàu lai dắt vào bờ. Riêng chuyến đánh bắt đó, tất cả các tàu trong Đàn 19 chia đều thu nhập cho nhau.

Ông ĐỖ KIM ĐỒNG,
Phó phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, Phú Yên

Tai mắt của biên phòng

Khi có tai nạn trên biển, Đàn 19 cũng là lực lượng tiên phong tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, đoàn tàu cá này cũng là hạt nhân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự vùng biển. Họ thường xuyên báo về cho biên phòng nhiều thông tin quan trọng, phối hợp rất tốt với chúng tôi trong việc xử lý các sự việc. Hiện lực lượng biên phòng đang phối hợp với chính quyền các địa phương giới thiệu mô hình liên kết cộng đồng của Đàn 19 để nhân rộng mô hình đánh bắt hiệu quả này.

Trung tá TRỊNH ĐÌNH BÁ, Đồn trưởng Đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam, Phú Yên

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm