Đi tìm vẻ đẹp đằng sau gỗ lũa

Đi tìm vẻ đẹp đằng sau gỗ lũa ảnh 1
Ông Bé bên gốc gỗ lũa vừa tìm được
Ngày còn trẻ ông Bé rất thích chơi cây cảnh. Dù gia đình khó khăn, phải làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh như: chạy xe lôi đạp, làm ruộng, làm thợ mộc… nhưng ông vẫn dành thời gian để nuôi dưỡng sở thích của mình. Có lần đang chạy xe lôi đạp, ông thấy người ta đào đường có mấy gốc cây đẹp nên ghé lại mua về.

Gỗ lũa thường có 2 loại chính là gốc, thân cây nằm sâu dưới đáy ao, hồ, sông, suối; hay gốc của các cây cổ thụ đã chết ở những cánh rừng già. Phần lõi còn sót lại sau những tác động hàng trăm năm của tự nhiên được gọi là gỗ lũa.

Hiện phổ biến hơn hết vẫn là loại thứ hai. Tùy từng loại gỗ, vị trí của cây khi còn sống mà gỗ lũa khi tìm thấy có hình dáng, màu sắc khác nhau. Ông Bé cho biết: “Gỗ lũa trên đỉnh núi có màu sáng hơn so với ở chân núi. Vì ở trên đỉnh có nguồn nước sạch, ít chịu tác động của môi trường”.

Giá trị của gỗ lũa còn ở chỗ nó rất cứng, chắc, không bao giờ bị mối mọt ăn, không bị cong vênh do ảnh hưởng của mưa nắng. Gỗ lũa có thể dùng chế tác bàn ghế, làm đồ mỹ nghệ. Đặc biệt, gỗ lũa còn được dùng để trang trí trong bể cá do nét đẹp tự nhiên và vì nó không bị thay đổi hình dạng trong môi trường nước.

Từ đó niềm đam mê nghiên cứu và sưu tầm gỗ lũa của ông Bé cứ lớn dần. Mỗi chuyến đi “săn” của ông thường kéo dài đến 5 - 7 ngày. Hết lặn lội lên vùng Bảy Núi, rồi qua Kiên Giang, Long An để tìm. “Có chuyến thất thu, chạy xe không về mà lòng buồn hiu”, ông Bé nói.

Vùng Bảy Núi có gỗ rất nhiều nhưng không phải gốc nào cũng tìm được lũa. Một gốc cây giữa rừng thường có giá từ 3 - 4 trăm ngàn đồng, chưa kể tiền nhân công đào gốc, và chưa thể biết nó có “lũa” hay không. Nên khi quyết định mua một gốc cây giống như đặt cược vào nó. Nếu có lũa thì cầm chắc là lời, còn không thì mất cả công lẫn của, ông Bé tâm sự. “Điều quan trọng để tìm được gỗ lũa là kinh nghiệm. Chớ cũng không biết sao mà nói, mà chỉ nữa”.

Đi tìm gỗ với ông Bé là cả quá trình tìm tòi và khám phá. Có người cho là ông không được bình thường khi bỏ tiền ra mua về những gốc cây chết khô. Nhờ biết nghề mộc, khéo tay, có óc thẩm mỹ nên từ những gốc cây ấy ông tạo được nhiều tác phẩm gỗ lũa đẹp, được nhiều người ưa chuộng. Tìm được gỗ đã khó, để làm cho nó có giá trị thì cần phải có con mắt nghệ thuật, phải biết nhìn, biết cảm.

Ông Bé nói nghề này không có một quy tắc hay công thức nào, mỗi gốc cây một hình dáng, mỗi người chơi lại có một góc nhìn khác nhau. Điều thú vị là làm sao phát huy hết giá trị của nó. Đó mới chính là cái tài của người chơi lũa. Vì thế, những tác phẩm gỗ lũa là “hàng độc quyền”, điều này càng làm cho nhiều người thích chơi gỗ lũa.

Theo ông Bé thì ở miền Tây vùng Bảy Núi là nơi có nhiều gỗ lũa nhất, vì nơi đây có nhiều loại cây quý và lâu năm như: bên, dáng hương, cây xây, cây quăn… Ông quan niệm: chỉ những gốc có dáng đẹp, bề mặt gỗ phải có vân, có khe tạo thành do tác động của tự nhiên - mới được xem là gỗ lũa. Những vân, khe càng sâu và có hình ảnh càng đẹp thì giá trị càng cao.

Theo Diễm Thư (TNTS) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm