NỖ LỰC QUỐC TẾ HÓA NHÂN DÂN TỆ - BÀI 3

Đối thủ của đồng đôla?

Đi kèm với sự trỗi dậy của các thực thể kinh tế là vô số lời đồn đoán về sự xuống dốc của “đế chế đôla”. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không ngần ngại thể hiện tham vọng trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Giấc mơ “đồng tiền chung toàn cầu”

Từ năm 2009, khi Trung Quốc bắt đầu cho phép các công ty của mình thanh toán các giao dịch xuất - nhập khẩu bằng nhân dân tệ, tổng số lượng nhân dân tệ được giao dịch tăng lên rất nhiều. Theo thống kê của ngân hàng trung ương Trung Quốc, 6,6% giao dịch thương mại của Trung Quốc trong năm 2011 được thanh toán bằng nhân dân tệ, tăng từ 2% so với năm 2010. Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty sử dụng nhân dân tệ khi làm ăn với họ. Theo Standard Bank, ngân hàng lớn nhất châu Phi, ít nhất 100 tỉ USD giá trị các giao dịch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ được thanh toán bằng nhân dân tệ từ nay tới năm 2015.

Không chỉ gia tăng ảnh hưởng ở các nước kém phát triển, Trung Quốc còn đẩy mạnh các thỏa thuận giao dịch tiền tệ trực tiếp với các nước đang phát triển và các nước phát triển như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Brazil, Chile,… Trong năm 2012, Trung Quốc đã hoàn thành 18 hợp đồng hoán đổi tiền tệ song phương với các nước trên có tổng giá trị hơn 250 tỉ USD.

Nhằm đa dạng hóa đồng tiền giao dịch trong nhóm các nước mới nổi - BRICS, Nam Phi cũng đã ủng hộ nhân dân tệ làm đồng tiền giao dịch thứ hai sau đồng đôla trong khối này. Nam Phi tuyên bố sẽ kêu gọi các nước sử dụng nhân dân tệ thay thế đôla trong cấu trúc tài chính thế giới. Nam Phi cho biết sẽ tán thành đề xuất sử dụng nhân dân tệ như đồng tiền chung toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Đối thủ của đồng đôla? ảnh 1

Giấc mơ “siêu tiền tệ” của Trung Quốc phải trải qua một quá trình dài với sự cẩn trọng nếu không muốn bị trả giá đắt. Ảnh: INTERNET

Gia tăng vai trò thanh toán và lưu trữ

Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, đến năm 2015, trên 50% doanh thu thương mại của Trung Quốc với các nước đang phát triển sẽ được thanh toán bằng nhân dân tệ (tương đương 2.000 tỉ USD) và nhân dân tệ trở thành ngoại tệ thứ ba trong thanh toán thương mại quốc tế, sau USD và euro.

Về tỉ lệ dự trữ, tại EU, hiện nay Trung Quốc đã nắm giữ khoảng 700 tỉ công trái bằng euro, tức 10% tổng lượng trái phiếu mà khối này phát ra thị trường. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các công ty tại châu Âu đã tăng sáu lần từ 2008 đến 2010.

Bên cạnh đó, nhân dân tệ cũng trở thành phương tiện chủ yếu để Trung Quốc viện trợ và đầu tư ra nước ngoài. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất và là quốc gia có ảnh hưởng thương mại bao trùm châu Phi. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp mọi nơi và tiền để thanh toán cho các giao dịch tại đây là nhân dân tệ mà Trung Quốc đã dùng để viện trợ. Số lượng giao dịch càng tăng thì số lượng nhân dân tệ được sử dụng càng lớn, vai trò của nhân dân tệ trong khu vực không chỉ dừng lại ở chức năng thanh toán mà dần trở thành một phương tiện lưu trữ đáng tin cậy. Càng được sử dụng thì độ phổ biến của nhân dân tệ và vị thế đồng tiền càng tăng.

Cuộc “tỉ thí” khó khăn với đồng đôla

Kể từ giữa thế kỉ XX, đồng đôla đã đạt trạng thái của một đồng tiền quốc tế. Nhờ đó mà Mỹ đã hưởng một khoản lợi lớn nhờ chi phí giao dịch nhỏ hơn so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới (vì thế giới cần đôla nên Mỹ có thể vay với chi phí thấp hơn, đồng thời giảm thiểu những rắc rối và nguy cơ từ việc thay đổi tỉ giá hối đoái đột ngột). Từ khi cuộc khủng hoảng nợ công khiến châu Âu điên đảo, đồng euro bên bờ vực sụp đổ, các chuyên gia lại quay trở về với nơi trú ẩn an toàn là đồng đôla và dần rút khỏi đồng euro.

Mặt khác, khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ, đồng đôla vẫn giữ được vai trò trung tâm trên thị trường ngoại hối và tiếp tục tăng trưởng, càng làm tăng thêm niềm tin của các nước vào sự ổn định dài hạn của nó. Với cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia nghi ngại cho “ngôi vị” siêu tiền tệ của đôla. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, vẫn chưa có đồng tiền nào có thể thay thế hoàn toàn vị trí của nó.

Riêng bản thân Trung Quốc, khi tiến hành quốc tế hóa, nhân dân tệ cũng vướng phải không ít rủi ro từ những cuộc “tấn công tiền tệ” giống như đồng baht của Thái Lan năm 1997 hay âm mưu “giăng bẫy đồng đôla” mà Mỹ đã làm với đồng yen vào những năm 1980. Hơn nữa, tình trạng tăng trưởng “bong bóng” của Trung Quốc được đánh giá là nhanh nhưng thiếu ổn định và nguy cơ khủng hoảng cao. Tốc độ tăng trưởng thực tế sau khi trừ đi các chi phí khắc phục môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng và tỉ lệ lạm phát là không cao.

Dù có các cơ sở hạ tầng hiện đại như tàu điện ngầm, tàu điện cao tốc, sân bay quốc tế,… nhưng nhìn chung, tình trạng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc khá yếu kém và chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn khiến cho khả năng phát triển trong tương lai khó có thể bền vững. Thêm vào đó, dù dự trữ của Trung Quốc có thuộc loại lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỉ đôla nhưng hơn một nửa trong số này lại là đôla, do đó, dự trữ của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào Mỹ. Theo quan hệ giữa ngoại tệ dự trữ giúp giữ ổn định đồng nội tệ thì cũng có nghĩa là nhân dân tệ gián tiếp chịu ảnh hưởng từ đôla và điều này là hoàn toàn không có lợi cho cả hai bên nếu Mỹ muốn hủy hoại nhân dân tệ nhưng dĩ nhiên phần lớn thiệt hại sẽ rơi về phía Trung Quốc.

Cuộc “vạn lý trường chinh”

Mặc dù việc quốc tế hóa đồng nội tệ sẽ bảo đảm vị thế lâu dài cho một quốc gia nhưng bất cứ một quyết định nào trong chiến lược nhân dân tệ cũng sẽ buộc Trung Quốc phải đánh đổi một số ưu thế nào đó.

Đưa nhân dân tệ vào giao dịch tự do đồng nghĩa rằng Trung Quốc sẽ mất quyền kiểm soát đối với đồng tiền của mình. Đây chính là lý do Trung Quốc không muốn thả nổi quá nhanh đồng tiền của mình, mặc dù phải chịu sức ép từ Mỹ và các nước châu Âu. Trung Quốc cũng tỏ ra do dự mặc dù đã được Pháp đề nghị đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế từ năm 2011 - điều đáng lẽ sẽ đưa nhân dân tệ tới gần hơn chức năng dự trữ quốc tế.

Việc đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ khiến Trung Quốc phải từ bỏ việc hưởng lời từ hoạt động xuất khẩu. Giá cả hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn và có khả năng làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế, các nước phụ thuộc nhiều hơn vào đồng tiền này và ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc cũng phản ứng nhạy cảm hơn đối với mỗi sự thay đổi trên thị trường thế giới.

Và một điểm nữa khiến cho người Trung Quốc e ngại là khả năng bị can thiệp về mặt chính trị. Các nước phương Tây, dưới danh nghĩa bảo đảm các tiêu chí của đồng tiền quốc tế có thể đặt ra những đòi hỏi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Như vậy, tại thời điểm hiện tại thì Trung Quốc đã có những thành công nhất định trong tiến trình láng giềng hóa và khu vực hóa. Với vị thế kinh tế - chính trị của nước này tại khu vực, có nhiều khả năng đồng nhân dân tệ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thị trường tài chính - tiền tệ châu Á trong tương lai gần. Và Trung Quốc cũng sẽ dành nhiều sự chú ý, đầu tư cho khu vực này để biến châu Á thành “bàn đạp” cho chiến lược lâu dài của mình.

Với các hiệp định trao đổi tiền tệ và thanh toán trực tiếp với một số quốc gia ở châu Á thì Trung Quốc đã tạo lập được các “khối nhân dân tệ”, hạn chế dần sự ảnh hưởng của đôla Mỹ vào khu vực. Các giao dịch nội khối bằng nhân dân tệ cũng tăng song song với sự gia tăng giao thương giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Điều này cũng là một cơ sở để dự đoán đồng nhân dân tệ có thể sẽ trở thành một đồng tiền trọng yếu của khu vực trong thời gian tới.

Như vậy, “quốc tế hóa đồng nhân dân tệ” vẫn là một cuộc “vạn lý trường chinh” đối với người Trung Quốc. Người lạc quan thì tin rằng nhân dân tệ sẽ sớm “hóa rồng” trong vòng hơn chục năm tới, người thận trọng thì cho rằng cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, chỉ có “nhân vật chính” Trung Quốc với những nỗ lực của họ mới có thể đưa ra lời giải đáp chính xác nhất.

HOÀI THƯƠNG - THỦY TÂM (Irys)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm