Đáp án kỳ 29:

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

À Ra Thế lấy làm vui mừng khi số đông đáp án xác định hai tờ vé số dù sau đó trúng thưởng thì giá trị tài sản lúc A thực hiện hành vi trộm cắp vẫn chỉ là 300.000 đồng cùng với giá trị mua bán của hai tờ vé số.

Theo quy định tại Điều 138 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội trộm cắp tài sản thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải “từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng…”. Như vậy, khúc mắc của tình huống này chỉ nằm ở hai tờ vé số trúng thưởng. Nếu xác định giá trị của hai tờ vé số với giá trị mua bán (10.000 đồng/tờ) thì A chỉ bị xử phạt hành chính. Còn nếu xác định giá trị hai tờ vé số là giá trị được trả thưởng thì A bị xử lý về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS.

Điều 2 Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 2-3-2005 quy định về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã nêu ra nguyên tắc định giá tài sản: “Phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm, trung thực, khách quan, công khai và kịp thời”. Điều này được hướng dẫn chi tiết ở khoản 1 mục 2 Thông tư 55/2006/TT-BTC: Giá thị trường của tài sản là giá mua, bán, giao dịch theo thỏa thuận của tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm”.

Cạnh đó, khoản 4 Điều 13 Nghị định 26/2005 cũng nêu rõ căn cứ định giá tài sản chính là giá trị thực tế của tài sản cần định giá”.

Đối chiếu với tình huống, chúng ta thấy giá trị của hai tờ vé số trên thị trường trước khi mở xổ số là 10.000 đồng/tờ. Như vậy, tổng tài sản mà A chiếm đoạt là 320.000 đồng. Việc hai tờ vé số trúng thưởng sau đó không được xem là giá trị tài sản tại thời điểm bị xâm phạm. Do mức định lượng giá trị tài sản chưa phù hợp với cấu thành của tội trộm cắp tài sản nên A chỉ bị xử phạt hành chính trong trường hợp này. Theo đó, A sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền 1-2 triệu đồng.

Điểm d khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính”. Như vậy, số tiền 300.000 đồng và hai tờ vé số là tài sản bị xâm phạm, không phải tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính nên phải được trả lại cho chủ sở hữu. Nguyên tắc này còn được quy định tại khoản 2 Điều 41 BLHS: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 29 là: A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản và cơ quan công an phải trả lại chị X số tiền trúng thưởng.

 À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố kỳ tiếp theo.

À Ra Thế sẽ công bố danh sách bảy bạn đọc xuất sắc nhất vào ngày thứ Hai (3-4).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm