Giấc mơ đô thị đại học

Lạc vào thế giới tương lai

Bạn có thể hình dung, bạn đang lạc vào một khu đô thị của Đại học Quốc gia TP.HCM. Trước mắt bạn là một không gian kiến trúc rộng lớn, với quãng trường có 30 con đường thênh thang. Bạn đang lạc vào thế giới tri thức, văn minh, khoa học vì trước mắt bạn là 17 trục đường chính mang tên các danh nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Dưới những tán cây, ghế đá, giảng đường, bạn bắt gặp hình ảnh những nam nữ sinh viên ngồi trao đổi với nhau qua laptop xách tay, xài wifi. Bạn có thể đi lại trong khu đô thị ày bằng những xe bus nhỏ chạy bằng nhiên liệu sạch. Nếu bạn thích ngắm cây cảnh, hoa lá sẽ có những lối đi bộ, đi xe đạp dành riêng cho bạn.

Giấc mơ đô thị đại học ảnh 1

Mô hình đô thị đại học Láng-Hòa Lạc

Bạn cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên ngay trong khu đô thị này còn có cả những quán bán thức ăn nhanh, khu trà đạo với đầy đủ những nét đẹp sắc tộc đa văn hóa. Đó cũng là thành phố điện tử và thông minh với những trung tâm khoa học chất lượng cao. Nếu chẳng may bạn bị đau sẽ có ngay một bệnh viện với 200 giường nằm. Nếu không còn tiền mặt, bạn bước sang bên cạnh. Ở đây có cả hệ thống chi nhánh ngân hàng, thùng thẻ ATM trên mỗi góc đường, ký túc xá để bạn dễ dàng rút tiền từ thẻ của mình.

Đó là một trong những hình ảnh tương lai của một đô thị đại học của Đại học Quốc gia TP.HCM. Theo đề án, đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ được xây dựng với diện tích 623 ha. Đô thị sẽ có sáu trường đại học là Khoa học tự nhiên, Bách khoa, Quốc tế, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Nhân văn. Đô thị còn có thêm một số viện và trung tâm nghiên cứu. Theo những nhà thiết kế, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tiến hành thử nghiệm mô hình đô thị này trên cơ sở nâng cấp, chỉnh trang và tổ chức lại không gian.

Hàng loạt đô thị đại học

Trong vài năm gần đây, đã có nhiều nhà đầu tư giáo dục trong và ngoài nước đang chuẩn bị tích cực cho ra đời các khu đô thị đại học. Tại phía Nam, hàng loạt đề án, dự án về mô hình đô thị đại học đã và đang được hình thành. Đáng kể nhất là các đô thị đại học tại TP.HCM, Long An, Đà Lạt.

Dự án khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) của tập đoàn Berjaya (Malaysia) được TP.HCM cấp phép đầu tư từ ngày 1-7-2007, có diện tích 925 ha tại Hóc Môn. Dự án này đã được thành phố chấp thuận cho mang tên đô thị đại học.

Giấc mơ đô thị đại học ảnh 2

Mô hình đô thị đại học Long An

Đề án hình thành và phát triển đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM đang được xúc tiến, sẽ được phát triển trên cơ sở nâng cấp, chỉnh trang và tổ chức lại không gian trên diện tích 623 ha. Thành phố đại học của Trường đại học Tài chính TP.HCM (UEF) đã hoàn tất phần quy hoạch tổng thể, với diện tích 55 ha ở khu Nam Sài Gòn.

Đô thị đại học ở Long An do Hội đồng Đại học ngoài công lập đang xúc tiến thành lập tại tỉnh Long An với diện tích 180 ha. Ở cao nguyên, có đề án khu đô thị Đại học Quốc tế tại xã Đạ Sa (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) nằm trên đường 723 nối Đà Lạt với Nha Trang, có diện tích 676 ha. Đơn vị tư vấn đề án là Công ty Đầu tư xây dựng quốc Tế ICIC đang nghiên cứu.

Tại phía Bắc, ý tưởng xây dựng mô hình đô thị đại học cũng được hình thành và phát triển nhanh không kém so với phía Nam. Đô thị đại học tại địa phận ba xã Đông Ngạc - Cổ Nhuế - Xuân Đình thuộc huyện Từ Liêm có diện tích 53 ha. Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội với diện tích 1.000 ha tại Hòa Lạc đã được Thủ tướng quyết định chuyển chủ đầu tư dự án xây dựng sang cho Bộ Xây dựng ngày 30-9-2008.

Chưa phải là đô thị đại học đúng nghĩa

Theo các đề án, khu đô thị này được xây dựng tập trung nhiều đại học thành viên, kết nối như một quần thể có chung hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ như một đô thị hoàn chỉnh. Hầu hết các đô thị đại học đều vận dụng mô hình từ các nước hàng đầu như Mỹ, Pháp, Anh. Định hướng sẽ là một mô hình đào tạo đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều cảnh báo những rắc rối về quản lý đối với đô thị đại học. Những đề án đang hình thành kể trên chỉ là tập hợp những khoa, những trường đại học chứ chưa phải là một đô thị đúng nghĩa. Đã là đô thị thì phải có dân cư và vấn đề đặt ra là cư dân này sẽ gồm những ai, bố trí ở đâu và được quản lý như thế nào. Nếu đưa dân cư vào môi trường đại học thì với điều kiện của nước ta hiện nay sẽ không thể quản lý được.

Những mô hình đô thị đại học trong nước thường ôm đồm nhiều công năng, trong khi công năng của đại học chỉ nên tập trung vào giáo dục. Đô thị thì phải chính quyền hóa, phải được quản lý bởi chính quyền. Các chuyên gia quy hoạch đề nghị chỉ nên xây dựng các trường đại học theo hướng là một hạt nhân trong một đô thị. Chỉ có vậy mới tận dụng được những điều kiện hạ tầng đô thị, làm động lực để phát triển chính đô thị đó chứ không nên tách ra như là một đô thị độc lập.

Giấc mơ đô thị đại học ảnh 3

Đại học Quốc gia TP.HCM

Mô hình đô thị đại học cũng cần chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa và tính thương hiệu. Nơi này là nơi đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn cho sinh viên, nghiên cứu sinh. Nơi này đồng thời cũng là nơi giao lưu học hỏi về văn hóa, tập quán của những người khác nhau về ngôn ngữ, trình độ, giới tính, thế hệ.

Chiếm dụng đất và thiếu người học

Tại Trung Quốc, đô thị đại học bắt đầu phát triển từ những năm 90 của thế kỷ 20. Trong vòng vài năm sau, Trung Quốc có đến hơn 50 đô thị đại học trải rộng trên 21 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các đô thị này phần lớn đều chiếm dụng đất nông nghiệp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sự cân bằng xã hội.

Đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong xây dựng đô thị đại học nhưng nông dân chỉ được đền bù giá rất thấp. Trung Quốc cũng giống như Việt Nam, là một nước nông nghiệp, đất đai là căn cơ của nông dân. Chiếm dụng đất là hành vi phát triển không bền vững. Quy mô xây dựng lớn mà thiếu quy hoạch với tầm nhìn xa dẫn đến hiện tượng chỉ xây dựng cái “vỏ” của đô thị đại học. Có nhiều nơi xây dựng xong nhưng không sử dụng được do khó chiêu sinh, thiếu người vào học trong khi thừa nguồn cung cấp giáo dục.

Năm 2004, tỉnh Giang Tô có tổng cộng bảy đô thị đại học xây dựng xong. Căn cứ theo quy hoạch, có 800 vạn m2 ký túc xá, đầu tư hơn 180 tỷ nhân dân tệ, thu hút hơn 600.000 sinh viên. Nhưng trên thực tế, số lượng học sinh tham gia thi vào đại học mỗi năm tại tỉnh Giang Tô chỉ có khoảng 200.000, chưa kể trong đó có 25% thí sinh sẽ đi học tại các tỉnh khác. Mặt khác, xây xong đô thị đại học, học phí và tiền cho thuê ký túc xá là nguồn thu chính. Nếu nguồn thu này bị đứt đoạn thì sẽ dẫn đến hậu quá khó lường.

Đô thị đại học không phải là thành phố vui chơi giải trí, không phải là khu thương mại tổng hợp, càng không phải là một thành phố chỉ có trên danh nghĩa. Đô thị đại học vừa phải phục vụ xã hội tức vừa có công năng và lợi ích, vừa phải dẫn dắt sự phát triển của xã hội, khai thác tốt chức năng truyền thống giáo dục và đào tạo nguồn lực cho xã hội.

Việt Nam với hàng loạt khu đô thị đại học đã và đang hình thành liệu có ảnh hưởng đến đất đai nông nghiệp và quyền lợi của người nông dân? Mô hình đô thị này sẽ phát triển theo hướng nào, có thu hút đủ người học hay không? Câu trả lời xin dành cho những nhà hoạch định chính sách về đô thị đại học.

TRƯƠNG HIỆU

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

bài test

bài testLongform

(PLO)- Trải qua 124 ngày giãn cách xã hội với nhiều lần thay đổi cấp độ, biện pháp chống dịch, TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới và dần thích nghi với việc sống chung cùng COVID-19.
[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bài

[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bàiInfographic

(PLO)- Mùa dịch vẫn chưa đi qua hẳn nhưng doanh số bán xe ô tô có hướng tăng trở lại đối với một số dòng xe. Vẫn là những chiếc xe phân khúc giá tiền dễ tiếp cận nằm đầu top, đối với tháng 6 vừa qua thì doanh số đầu bảng thuộc về Honda City, vượt doanh số của Vios hơn 300 chiếc xe.
Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Ngày nay chuyện bốn phương tám hướng gì cũng loan truyền chóng mặt. Ngoài một rừng cơ quan báo chí chuyên nghiệp thì giới đưa tin dạo còn nhiều gấp vạn lần.
Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

(PL)- Số lượng bạn đọc ở Đắk Lắk đã từng được trúng giải À Ra Thế khá nhiều, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bảng vàng xướng tên một bạn đọc ở địa phương này, đồng thời Bình Phước vẫn luôn giữ “áp đảo” các vị trí còn lại.
Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

(PL)- Nếu tình huống chỉ dừng lại ở số tiền 300.000 đồng, chắc hầu hết bạn đọc đều có đáp án cho tình huống này. Nhưng cùng với hai tờ vé số trúng thưởng được 6 triệu đồng, nhiều bạn đọc đã “vội vã” kết luận A phải bị xử lý hình sự.