Giao dịch giả tạo sẽ bị vô hiệu

Sau khi giao tiền cọc, bà D. phát hiện bà L. đã bán căn nhà này cho người khác. Do đó, bà D. kiện yêu cầu bà L. phải trả lại gần 400 triệu đồng tiền đặt cọc.

Bà L. bảo do bà vay tiền của người khác nhưng không trả được nên trước đó bà đã làm hợp đồng bán căn nhà của mình cho chủ nợ. Hợp đồng mua bán nhà này đã được công chứng vào tháng 11-2005. Sau đó, bà D. đồng ý đứng ra tranh chấp nhà để bà L. không bị mất nhà. Vì thế tháng 12-2005, bà và bà D. làm một bản hợp đồng mua bán nhà nhưng ghi lùi ngày vào tháng 5-2005 để thể hiện bà L. đã bán nhà cho bà D. trước khi bán cho chủ nợ.

Xử sơ thẩm vụ án vào tháng 5-2007, TAND quận Gò Vấp tuyên bố hợp đồng đặt cọc giữa bà D. và bà L. vô hiệu. Cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà D. đòi bà L. trả gần 400 triệu đồng tiền cọc.

Tháng 8-2007, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ án và cũng giải quyết theo hướng tương tự như cấp sơ thẩm. Cấp phúc thẩm cho rằng bà D. xuất trình tại tòa bản chính hợp đồng đặt cọc ghi lập vào tháng 5-2005. Tuy nhiên, phần trên của hợp đồng này bị cắt mất. Bà L. xuất trình cho tòa bản phôtô hợp đồng đặt cọc thì phần trên (phần mà bản chính bị cắt bỏ) có dòng chữ cho thấy hợp đồng này được fax đi từ một văn phòng luật sư vào tháng 12-2005.

Văn phòng luật sư nơi làm hợp đồng đặt cọc cho bà D. lại khai có làm một bản hợp đồng đặt cọc và fax ngay cho bà D. vào tháng 12-2005, chứ không phải vào tháng 5-2005. Bà D. cũng không lý giải được tại sao hợp đồng đặt cọc bà nói do hai bên tự làm nhưng sao lại có dòng chữ fax đi từ văn phòng luật sư. Do đó hợp đồng đặt cọc này là giả tạo.

Kinh nghiệm pháp lý

“Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu”. Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà giữa bà D. và bà L. bị tòa tuyên vô hiệu là đúng quy định pháp luật.

VĂN ĐOÀN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 9-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm