TỘI PHẠM KHOÁC ÁO CẢNH SÁT - BÀI 1

Giết cả thẩm phán để bịt đầu mối!

LTS: Để chuẩn bị đăng cai World Cup 2014 và Thế vận hội mùa hè 2016, ngay từ bây giờ, Brazil đã tăng cường công tác an ninh, tạo nên hình ảnh thân thiện của một cường quốc bóng đá. Nhưng lạ thay, gần đây cảnh sát nước này bỗng nhiên bãi công đòi tăng lương khiến quân đội nước này phải vào cuộc. Thông điệp đằng sau sự kiện này là gì?

Thành phố (TP) Niterói, một đêm tháng 8-2011, Patricia Acioli, một thẩm phán được biết đến với việc bỏ tù các sĩ quan cảnh sát tham nhũng, rẽ xe vào gara nhà mình. Cùng lúc đó, những kẻ săn đuổi bà cũng vừa ập đến. 21 phát súng đã nổ. Thẩm phán Acioli đổ gục xuống ghế xe.

Tội phạm có “môn bài”

“Tôi lao ra ngoài sau khi nghe thấy tiếng súng. Chưa có ai từng nhìn thấy mẹ mình bị bắn chết ngay trước cửa nhà” - Mike Chagas, con trai bà Acioli, 20 tuổi, sinh viên ĐH, kể trong nước mắt. Anh nói mẹ anh bị giết vì lý do nghề nghiệp.

Vài giờ trước khi bị bắn chết, nữ thẩm phán Acioli đã ra lệnh bắt giữ ba sĩ quan cảnh sát bị cáo buộc tội giết chết một thanh niên 18 tuổi không mang vũ khí ở một khu nhà ổ chuột. Đó cũng là hai người trong một nhóm sĩ quan đang bị điều tra do hành vi thành lập “nhóm hủy diệt”. Tiếp đó người ta bắt được ba người đàn ông đã giết nữ thẩm phán cùng với tám người khác trong lực lượng cảnh sát.

Tại tòa, những bị cáo này khai một cách chi tiết chúng đã theo dõi thẩm phán Acioli trong mấy tháng trời và sát hại bà như thế nào. Từ đó, người ta lấy làm lo ngại cho các chính sách an ninh quyết liệt mới được TP Rio de Janeiro đưa ra, một trong những nỗ lực để thực hiện vai trò nước chủ nhà của World Cup 2014 và Thế vận hội mùa hè 2016.

Giết cả thẩm phán để bịt đầu mối! ảnh 1

Mike Chagas, con trai của cố nữ thẩm phán dũng cảm Patricia Acioli. Ảnh: NYT

Chính quyền được ca ngợi vì đã “khai hóa” cái thế giới phi luật pháp của những kẻ buôn lậu ma túy trong những khu ổ chuột lộn xộn ngót 11,8 triệu dân của TP. Nhưng hình ảnh về một TP sắp phục hồi đang bị hoen ố bởi những hành động của chính lực lượng an ninh, đặc biệt là các lực lượng dân quân, phần lớn là các nhân viên cảnh sát, nhân viên trại tù và binh lính đương chức và nghỉ hưu.

Các lực lượng dân quân làm những việc giống như một phần tội phạm hình sự của đất nước này. Theo cơ quan pháp luật, họ thu tiền bảo kê, điều khiển hoạt động vận tải công cộng không có giấy phép, thu tiền hoa hồng từ các giao dịch bất động sản, trừng phạt những ai cản trở và… giết người như ngóe.

Alba Zaluar, một nhà nhân chủng học và là chuyên gia về an ninh công cộng của Trường ĐH Rio de Janeiro, cho rằng lực lượng dân quân giữ một vai trò bán quân sự bằng cách vượt ra ngoài khuôn khổ của chính sách hợp pháp. Sức mạnh của họ đang mở rộng, số các khu ổ chuột đặt dưới sự kiểm soát của họ ở Rio tăng từ 12% vào năm 2005 lên 45% vào năm 2010. “Họ đang xâm chiếm, trông coi, mua các khu ổ chuột từ đám buôn bán phi pháp” - bà Zaluar nói.

Tính đến nay, việc các lực lượng dân quân mở rộng quy mô một cách mạnh mẽ, ảnh hưởng đến một số khu vực khác nhau của Rio. Ban đầu “khởi nghiệp” ở Minas Gerais, bang giáp ranh với bang Rio, lực lượng dân quân đã “mở mang” đến Rio ba thập kỷ qua.

Thế lực ngầm đáng sợ

Năm 2008, từ cuộc điều tra của cơ quan lập pháp bang Rio, cơ quan chức năng đã bắt giữ một số quan chức có dính líu, trong đó có các nhà lập pháp, công chức nhà nước và các sĩ quan cảnh sát cao cấp. Các lực lượng dân quân Rio cùng với các biệt đội hủy diệt - do cảnh sát bang São Paulo láng giềng thành lập đã chịu trách nhiệm về hàng trăm vụ giết người mỗi năm và không hề bị trừng phạt, theo báo cáo năm 2009 của Cơ quan Giám sát nhân quyền.

Giết cả thẩm phán để bịt đầu mối! ảnh 2

Tên trùm ma túy Antonio Bonfim Lopes mới sa lưới cuối năm 2011. Ảnh: NYT

Các quan chức của Rio, trong đó có Fábio Galvão, thư ký của cơ quan tình báo bang, nói rằng họ đang nhận thức rõ vấn đề rằng sau khi lực lượng dân quân tăng lên, các vụ bắt giữ người vô tội vạ tăng vọt. Năm 2006 chỉ có năm vụ nhưng đến năm 2009 đã tăng vọt lên 250 vụ (năm 2010 còn 143 vụ). Tuy nhiên, ông Galvão cho rằng cuộc chiến chống lại vấn nạn này được tiến hành khó khăn hơn do sự gia tăng của các lực lượng dân quân và khả năng các thủ lĩnh dân quân bị bắt giam điều hành hoạt động từ sau song sắt. Ông Galvão nói sự gia tăng số lượng lớn các lực lượng dân quân xảy ra khoảng sáu năm trước đây, trước khi thẩm phán Acioli bị giết. “Một con quái vật đang phát triển. Khi nó bắt đầu phản công, nó đã là một thế lực đồ sộ rồi” - ông nói.

Mấy tháng gần đây, xuất hiện các dấu hiệu cho thấy các lực lượng dân quân đang mở rộng địa bàn ra khỏi pháo đài của họ ở bang Rio. Tờ O Globo đăng bài miêu tả các lực lượng dân quân ở Brazil đã mở rộng quy mô từ 11 lên 26 bang như thế nào, ban đầu thường chỉ là thu phục người dân trong các khu ổ chuột bằng cách giết chết bọn buôn bán ma túy trước khi áp đặt các phương pháp kiểm soát và áp bức của họ. Ông Galvão dẫn lời các học giả nghiên cứu nói rằng trong khi các vụ giết người có xu hướng giảm trong các khu vực do các lực lượng dân quân kiểm soát thì các hành động phạm pháp như hành hung và hiếp dâm lại tăng lên.

Những kẻ máu lạnh

Những trò sử dụng tra tấn của các lực lượng dân quân đã được Nilton Claudino, phóng viên (PV) ảnh một tờ báo ở Rio, phanh phui chi tiết vào năm 2011, khiến người xem lạnh gáy. Claudino bị một nhóm dân quân đang lén lút thực hiện “nhiệm vụ” ở Jardim Batan, một khu ổ chuộc ở Rio, phát hiện cùng với một PV khác.

Trong phóng sự rùng rợn trên, Claudino mô tả cảnh tra tấn tàn bạo kéo dài 7 tiếng đồng hồ với các phương pháp như chích điện giật và làm ngạt thở bằng túi nhựa. Ông nói rằng những kẻ tra tấn ông là người của lực lượng dân quân Con Ó, trong đó có các sĩ quan cảnh sát. Sau đó ông bỏ trốn khỏi Rio và sống ẩn dật. “Một trong những tay tra tấn tôi nói với tôi rằng “đời mày sẽ chẳng còn gì nữa”. Hắn ta nói đúng” - Claudino viết.

Cả các quan chức cũng như các nhà nghiên cứu đều không đưa ra được những ước tính đáng tin cậy về việc có bao nhiêu thành viên lực lượng dân quân hoạt động ở Rio, người ta nghĩ con số đó là vài trăm và có lẽ cao hơn.

Sự lạnh lùng của các thủ lĩnh dân quân, trong đó có những người đã bị bắt hoặc bị giam giữ gần đây, khiến dư luận chú ý. Ricardo Teixeira da Cruz, lãnh đạo của một lực lượng dân quân được gọi là Nhóm công bằng, chính là kẻ chỉ huy các thuộc cấp từ nhà tù. Một lãnh đạo khác của nhóm này vượt ngục vào tháng 9 năm ngoái, một ngày sau khi bị bắt.

Tại phiên xử vụ sát hại thẩm phán Acioli vào tháng 10-2011, Claudio Luiz de Oliveira, sĩ quan cao cấp bị cáo buộc tội ra lệnh giết nữ thẩm phán, còn cười với các PV ảnh. Chính thẩm phán Acioli đã điều tra sự dính líu của y và cấp dưới với hàng chục vụ giết người rùng rợn.

Các cựu cảnh sát khác bị bắt trong vụ sát hại thẩm phán Acioli mô tả họ đã vươn vòi bạch tuộc điều động lực lượng dân quân thực hiện lệnh giết nữ thẩm phán như thế nào. Nhưng sau đó cảnh sát giết chết bà thẩm phán đơn giản chỉ vì tức giận với lệnh bắt giữ mình. Các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định những kẻ giết thẩm phán Acioli thuộc về một lực lượng dân quân chuyên nghiệp hay một nhóm ám sát được tổ chức lỏng lẻo hơn. “Tôi cảm thấy ghét và quyết định giết bà ấy” - Sérgio Costa, một trong những bị cáo, nói. Hắn khai hắn sử dụng hai khẩu súng trong vụ phục kích. “Do không biết bà ấy chết hay chưa, tôi lấy một khẩu súng và bắn thêm mấy phát nữa vào người bà ấy” (!).

Tháng 12-2011, Djalma Beltrami, chỉ huy mới của tiểu đoàn cảnh sát mà thẩm phán Acioli điều tra, bị bắt về tội tham nhũng. Chính quyền cáo buộc ông ta và hơn 10 sĩ quan khác nhận gần 100.000 USD tiền hối lộ từ bọn buôn ma túy trong một khu ổ chuột cách nơi thẩm phán Acioli bị giết không xa.

Nhiều thẩm phán khác nói họ cũng nhận được lời đe dọa giết chết tương tự. Những người biểu tình đã xây một ngôi miếu trên bãi biển Niterói để tưởng nhớ nữ thẩm phán, viết các thông điệp về sự thương tiếc trên cây cối, trong đó có một dòng với các lời lẽ mạnh mẽ: “Người chiến binh chống lại những kẻ không bị trừng phạt”.

KHIẾT ĐAM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm