GS Vũ Khiêu - người nặng lòng với văn hiến Thăng Long

Bước sang tuổi 95 - cái tuổi “xưa nay hiếm”, GS Vũ Khiêu vẫn miệt mài làm việc không có cả thời gian nghỉ để kịp hoàn thành bộ sách “Văn hiến Thăng Long” dày 2.400 trang trước ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

GS Vũ Khiêu cho biết, toàn bộ bản thảo của bộ sách 3 tập dày 2.400 trang “Văn hiến Thăng Long” cơ bản đã được hoàn thành. Tập 1 dày 600 trang được ra mắt độc giả vào đúng dịp Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tập 2 và tập 3 sẽ được tiếp tục xuất bản ngay sau đó.

2.400 trang hồi ký với tất cả những sự kiện lịch sử đều được GS gắn với văn hiến Thăng Long, về sự ra đời từ rất xa xưa của nền văn hiến Thăng Long.

GS Vũ Khiêu cho rằng, thời kỳ đầu, tuy chưa gọi Văn hiến Thăng Long nhưng những yếu tố đầu tiên của Văn hiến Thăng Long cũng đã có rồi. Đó là Văn hiến của dân tộc. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố nhân đạo và trí tuệ của con người, như Nguyễn Trãi nói “có nhân, có trí, có anh hùng”. Trải qua quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần bác ái luôn được đề cao, đặc biệt, ngày nay thế giới đã công nhận Hà Nội là thành phố của Hòa Bình.

GS Vũ Khiêu - người nặng lòng với văn hiến Thăng Long ảnh 1

GS. Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Ngày 28/8 vừa qua, GS Vũ Khiêu đã vinh dự được Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Ưu tú Thủ đô” bởi ông không chỉ là nhà khoa học hàng đầu, uyên thâm cả về văn hóa phương Đông và phương Tây mà còn có rất nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ về Hà Nội.

Trước đó, với những đóng góp không mệt mỏi cho nền khoa học xã hội nước nhà, năm 1996, Nhà văn hóa - GS Vũ Khiêu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2000 ông được phong tặng danh hiệu Anh Hùng Lao động (theo thống kê, trước năm 2000 ông đã có hơn 150 công trình nghiên cứu khoa học thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau).

Tại Đại hội Thi đua Thủ đô Hà Nội, khi được trao tặng danh hiệu “Công dân Ưu tú Thủ đô”, trong bài phát biểu của mình, GS Vũ Khiêu đã nói: “Năm 2000, cách đây 10 năm, tôi đã ở vào tuổi 85, sức lại yếu nên định từ đấy sẽ nghỉ ngơi để làm thơ, chơi cờ và vui bè bạn. Năm ấy, Đảng và Nhà nước đã phong cho tôi danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới. Vào tuổi 85 được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ, đã là Anh hùng thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện rằng từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không nghỉ một ngày nào…”.

Thực tế đã cho thấy, từ đó đến nay, nhất là trong những năm tháng gần đây, chỉ riêng đối với Thủ đô Hà Nội ông đã làm được rất nhiều việc, như: Thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ tổng tập “Ngàn năm Văn hiến Thăng Long” (bộ sách gồm 4 tập, nặng 27kg); Tham gia Ban biên soạn Bách khoa thư Hà Nội; Tham dự nhiều hội thảo khoa học bàn về các lĩnh vực của Văn hiến Thăng Long… và mới đây nhất là hoàn thành cơ bản bộ sách 3 tập “Văn hiến Thăng Long” dày 2.400 trang.

Đã có rất nhiều lời nhận xét tốt đẹp với lòng ngưỡng mộ, kính trọng dành cho GS, AHLĐ, Nhà văn hóa Vũ Khiêu.

GS Phong Lê nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho rằng: “Hoạt động của GS Vũ Khiêu tỏa ra trên một diện khá rộng gồm nhiều lĩnh vực: Triết học, Mỹ học, Sử học, Văn học, Xã hội học… Tầm văn kiến rộng ấy tôi thấy chưa có nhiều trong giới lãnh đạo khoa học xã hội ở ta…”.

GS Tương Lai - Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học thì quả quyết, GS Vũ Khiêu là người sáng lập ngành Xã hội học Việt Nam: “Từ những ngày sau 1975, GS Vũ Khiêu đã bắt tay vào chuẩn bị cho việc thành lập Ban Xã hội học, điều mà anh nung nấu từ rất lâu… Vũ Khiêu quả có nhãn quan của tác giả Anh hùng và Nghệ sĩ, tầm nhìn xa của người trí thức trước thời cuộc. Sáu năm hoạt động của Ban Xã hội học mà thành tựu rực rỡ của nó đã đưa đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Xã hội học vào năm 1983, GS Vũ Khiêu là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội kiêm nhiệm Viện trưởng. Thế là, từ một tầm nhìn, một ngành khoa học quan trọng rút bớt được một khoảng cách chậm trễ không đáng có để nhanh chóng đuổi kịp với thế giới…”.

PGS Phạm Khiêm Ích - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội thì nhận xét GS, AHLĐ, Nhà Văn hóa Vũ Khiêu là “nhà triết học nhân đạo”…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tặng GS Vũ Khiêu câu đối “Triết gia trong cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng”.

GS Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1916 tại Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Mừng thọ GS Vũ Khiêu tròn 95 tuổi tại nhà riêng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những cống hiến to lớn của GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu đối với sự nghiệp cách mạng và phát triển nền văn hóa của dân tộc: “Người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam, là một tấm gương về tinh thần lao động không mệt mỏi…”./.

Theo Nguyễn Quỳnh (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm