TRAO ĐỔI VỀ VỤ “GIẬT TÚI, ĐÁNH NGƯỜI”

Hai bị can phạm thêm tội cướp tài sản

Khi Kim đứng dậy, thấy người phụ nữ lao về phía mình bèn giơ tay tát, đồng thời vơ khúc cây đánh nạn nhân một cái rồi cùng Hùng lên xe tẩu thoát... Sau đó, VKS một quận ở TP.HCM truy tố Kim, Hùng về tội cướp giật tài sản với tình tiết hành hung để tẩu thoát nhưng TAND quận cho rằng hành vi của Kim, Hùng đã chuyển hóa từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản…

Về lý luận, hành vi phạm tội được coi là chuyển hóa từ tội phạm này sang tội phạm khác khi và chỉ khi tội phạm định thực hiện đang ở giai đoạn chưa đạt hoặc chưa hoàn thành. Nếu tội phạm định thực hiện đã hoàn thành thì mọi hành vi xảy ra sau đó không gọi là chuyển hóa nữa mà tùy trường hợp sẽ cấu thành tội phạm độc lập hoặc chỉ là thủ đoạn che giấu tội phạm.

Có hai trường hợp chuyển hóa: Chuyển hóa về chất lượng của hành vi và chuyển hóa về số lượng của hành vi.

Chuyển hóa về chất lượng của hành vi là khi một hành vi khác xuất hiện sẽ làm triệt tiêu các hành vi trước đó, hành vi mới xuất hiện đã làm thay đổi tính chất, làm mất đi các dấu hiệu cấu thành tội định phạm mà xuất hiện dấu hiệu cấu thành một tội phạm mới. Ví dụ: A định vào trộm cắp tài sản của B nhưng A mới lẻn vào nhà B, chưa lấy được tài sản thì bị B phát hiện. A bèn dùng dao mang theo đâm B bị thương, sau đó tiếp tục lấy tài sản rồi tẩu thoát. Trong trường hợp này, hành vi của A đã “chuyển hóa” từ tội trộm cắp sang tội cướp tài sản.

Chuyển hóa về số lượng của hành vi là khi một hành vi mới xuất hiện không làm triệt tiêu hành vi trước đó mà nó chỉ bổ sung vào các hành vi trước đó, cả hành vi cũ và hành vi mới đều là dấu hiệu cấu thành tội phạm mới. Ví dụ: A biết chị H ngoại tình với anh B, A lén chụp được ảnh chị H hôn anh B rồi hẹn chị H ra công viên, dùng ảnh đó hăm dọa chị H nếu không cho A quan hệ tình dục thì sẽ nói cho chồng chị H biết. Chị H không chịu nên A đã dùng vũ lực hiếp dâm chị. Trong trường hợp này, nếu A không có hành vi dùng vũ lực thì không cấu thành tội hiếp dâm mà chỉ cấu thành tội cưỡng dâm.

Trở lại vụ án trên, hành vi của Kim và Hùng chỉ được coi là chuyển hóa từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản trong trường hợp đã giật nhưng giật không được nên phải dùng vũ lực tấn công nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản. Ở đây, tội phạm cướp giật mà Kim và Hùng thực hiện đã hoàn thành nên không có sự chuyển hóa từ cướp giật sang cướp.

Điều đặc biệt là nếu Kim và Hùng đánh nạn nhân rồi vứt lại túi xách bỏ chạy thì mới xem là hành hung để tẩu thoát. Còn ở đây, Kim và Hùng vẫn đem theo túi xách cướp giật được nên hành vi đánh nạn nhân đã cấu thành thêm một tội độc lập là tội cướp tài sản.

Từ trước đến nay, mọi người cứ cho rằng như vậy là có sự “chuyển hóa” nhưng về lý luận thì không phải: Tội cướp giật vẫn không mất đi mà phạm thêm tội cướp! Về nguyên tắc, phải truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội nhưng thực tế, các cơ quan tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn (cướp tài sản).

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm