Khi tôi tuyên án tử hình- Bài 2: Nghĩ về nạn nhân của cái ác

Tại Sóc Trăng, khi nói về những vị chủ tọa từng kêu án tử hình, người ta hay nhắc đến Thẩm phán Dương Công Lập, Chánh án TAND tỉnh. “Lần nào xem ông ấy tuyên án tử hình tim tôi cũng muốn vọt ra ngoài vì hồi hộp. Ông luôn chừa một khắc trước lúc tuyên án làm mọi người nín thở chờ đợi, gương mặt ông lạnh băng” - ông Sáu Ngọc, người chạy xe ôm khu vực ngã tư Phú Lợi - Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng, nói.

Lần đầu tuyên án tử

Ông Dương Công Lập có một bề dày vào hàng nhất, nhì về số lần tuyên án tử hình tại tỉnh này. Nhưng ngoài tưởng tượng của tôi, phong cách ông trông như một thầy giáo, điềm đạm và nhã nhặn. Ông có đôi chân mày dày và dài, cặp mắt sáng, nụ cười thường trực. Kể về những lần kêu án tử hình, ông nói: “Khó và khổ nhất là lần đầu tiên kêu án tử hình vào năm 1994 với tên tội phạm Nguyễn Bạch Hạt”. Sau vài ly trà đậm, ông bắt đầu kể bằng một tâm trạng bình thản như người ta kể chuyện cổ tích.

Cáo trạng đề nghị mức án cao nhất cho tên Nguyễn Bạch Hạt. “Lần đầu cầm hồ sơ một vụ án tử, tay tôi run lên. Sau đó là những ngày căng thẳng, nhất là vào thời điểm cách ngày xử một tuần. Có nhiều đêm tôi bật dậy lúc giữa khuya để xem lại hồ sơ vụ án bởi đó là sinh mạng một con người chứ không như những vụ án thông thường, vài ba năm tù hay một số tiền bồi thường trong án dân sự” - ông Lập kể.

Rồi ngày xét xử cũng đã đến, ông Lập mặc áo vest, đeo cà vạt, ngồi xe cơ quan đến địa điểm xử. Xe máy lạnh nhưng ông Lập luôn chảy mồ hôi. Đến nơi ông càng căng thẳng hơn khi trước mặt là một rừng người. Và giờ phút quyết định cuối cùng phải tới. Ông Lập đứng trước biển, đọc bản án.

Theo đó, vào một buổi chiều ở vùng quê Mỹ Tú (Sóc Trăng), Hạt qua nhà người hàng xóm chơi. Thấy Hạt buồn bã, chủ nhà là anh em bà con với Hạt rủ ở lại đêm để tâm sự cho vui. Chủ nhà ngồi uống trà, trò chuyện với Hạt đến khuya mới ngủ. Không ai ngờ rằng trong đầu Hạt đã toan tính một chuyện tày trời bởi nghe chủ nhà khoe mới bán vườn trái cây. Nửa đêm, Hạt lẻn ra nhà sau lấy con dao bén nhất mà hắn đã để ý từ chiều. Hắn tung mùng người đàn ông khỏe nhất nhà và chém. Sau đó lần lượt những ai thức giấc vì nghe tiếng động đều bị hắn hạ gục. Chỉ trong 1 giờ, Hạt chém gục cả sáu thành viên trong gia đình chỉ để lùng sục và lấy đi số tiền 69.000 đồng. Ba trong sáu người của gia đình này nhờ giả chết nên được cứu.

Chủ tọa Dương Công Lập đọc đến đoạn: “Vì các lẽ trên, hội đồng xét xử quyết định tuyên” thì chựng lại. Một động tác ngắt hơi thật là dài và khó nói tiếp. Ông Lập nhớ lại: “Cả rừng người im phăng phắc, tôi nghe rõ tiếng trái tim mình đang đập dồn. Kỳ lạ là đúng lúc này, hình ảnh tội ác của Hạt hiện về trong đầu tôi. Tôi như thấy rõ ánh mắt của bé gái 13 tuổi, người cuối cùng trong gia đình chưa bị hạ sát đang quỳ lạy xin Hạt tha mạng nhưng anh ta vẫn vung cao con dao và xả xuống người cháu bé. Cháu gục ngã và hắn lạnh lùng đi lùng sục tiền bạc trong nhà”. Liền sau những hình ảnh ấy, chủ tọa Dương Công Lập nghe máu mình nóng lên, đọc tiếp đến hết bản án với một chất giọng đanh thép rợn tai người nghe.

Khi tôi tuyên án tử hình- Bài 2: Nghĩ về nạn nhân của cái ác ảnh 1

Hiểu tường tận từng vụ án

Sự trải nghiệm khiến Thẩm phán Dương Công Lập củng cố một kiến thức về tâm lý nghề nghiệp cho bản thân. Ông đúc kết: “Để không phải run chân, lạc giọng khi tuyên án tử hình, tôi luôn có một quá trình nghiên cứu án kỹ lưỡng. Không chỉ trên hồ sơ vụ án, tôi còn tham khảo thêm thông tin về vụ án từ báo chí, dư luận, người dân nơi xảy ra vụ án, làm sao để bản thân mình hiểu tường tận vụ án”. Quả nhiên, ông Lập có thể kể lại một cách chi tiết tất cả vụ án tử hình mà mình trực tiếp đọc bản tuyên án, có những vụ cách đây gần 20 năm. Nhớ cặn kẽ như vậy là do kết quả của những đêm dài ông trằn trọc trước hồ sơ những án tử hình. Ông tâm sự: “Trước xử án vài ngày là giai đoạn nặng nề, đau đầu nhất. Nằm xuống là nhớ tới vụ án, riết rồi vụ án biến thành một chuỗi những hình ảnh tội ác trong đầu mình. Tôi thuộc hồ sơ đến 80%-90%. Từ những hình ảnh ấy, tôi nghiêm túc ngầm phán xét xem tên tội phạm còn một chút gì đó đáng được tha án tử hình hay không”. Ông bắt đầu kể tiếp về một vụ án tử hình cách đây gần chục năm mà chính những hình ảnh tội ác đã cho ông sức mạnh.

Đó là vụ tuyên án tử hình đối với tên Nguyễn Văn Toàn ở Mỹ Tú, Sóc Trăng. Toàn phạm tội trộm cắp, gây thương tích ở địa phương mình và bỏ trốn lên thị xã Sóc Trăng. Tại đây, hắn gia nhập băng nhóm, sắm mã tấu, hoạt động phạm tội. Vào năm 2001, Toàn bị viện kiểm sát truy tố tội giết người với mức án tử hình.

Ông Lập nhớ rõ hồ sơ vụ án Toàn gây ra: “Hôm đó, hắn dẫn theo bốn thanh niên, mang mã tấu ra một sân bóng hoang để thanh toán với một đối tượng giang hồ nào đó. Đến nơi, đối phương không xuất hiện, hắn điên tiết bỏ đi sau một hồi lùng sục. Trên đường về, có một thanh niên chạy xe máy rồ ga vượt qua xe của Toàn. Chỉ vậy thôi, hắn tức khí đuổi theo chém chết thanh niên kia. Hai người dân lỡ chứng kiến hắn gây án cũng bị đuổi chém trọng thương. Khi đọc hồ sơ của tên này, mặt tôi nóng lên. Hình ảnh anh thanh niên bị chém chết bằng mã tấu mà không hiểu lý do mình bị chém cứ ám ảnh trong đầu tôi. Và tôi đã không thể tìm được một chút gì gọi là con người trong hắn”.

Một vụ khác, tên tội phạm đã để lại một hình ảnh ám ảnh mãi Thẩm phán Lập. Khi tiếp cận hồ sơ vụ này, ông Lập đã ứa nước mắt. Đó là vụ giết chết con ruột để bịt đầu mối loạn luân. Vụ án xảy ra tại ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng vào ngày 9-10-2008. Kẻ thủ ác là Lê Văn Đấu.

Vào thời điểm nói trên, tên Đấu biết được con gái ruột của mình là Lê Thị Thúy Nga, 16 tuổi, có thai. Trước đó, kể từ tháng 5-2008, hắn đã nhiều lần cưỡng bức đứa con này. Hắn ta tin chắc cái thai đó sẽ tố cáo hành động loạn luân vô nhân tính của mình bèn vạch kế hoạch giết chết con gái. Chiều tối, hắn bơi xuồng ra chỗ cây cầu khỉ ở kinh Tư Tài, thả xuống đó một bao đá và dây thừng. Đến khoảng 20 giờ, khi con gái hắn đi đám cưới về ngang cây cầu khỉ, hắn đón ngay giữa cầu và kéo cô bé xuống sông. Hắn đã dìm nước cô bé đến chết và buộc xác cô vào bao đá đã thủ sẵn.

Ông Lập nhớ lại: “Khi đó hình ảnh cô bé ấy giãy giụa tuyệt vọng và chết dần trong tay người cha ruột của mình khiến tôi thấy sợ. Tôi đã gặp ác mộng sau khi tiếp cận hồ sơ vụ án”. Sau đó, ngày 15-5-2009, tên Đấu đã bị tuyên án tử hình trong sự đồng tình của công chúng. Lời tuyên án lúc ấy mạnh mẽ và sắc như một lưỡi dao.

Khi tôi tuyên án tử hình- Bài 2: Nghĩ về nạn nhân của cái ác ảnh 2

TRẦN VŨ

Bài 3: Mong cho bị cáo được sống

Người thẩm phán tin rằng nếu được trở lại cuộc đời, họ sẽ sám hối và không bao giờ quay trở lại tội ác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm