Kịch bản nào cho Syria?

Ngày 9-9 (giờ địa phương), nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, tuyên bố Thượng viện sẽ hoãn bỏ phiếu về nghị quyết tấn công quân sự Syria (dự kiến ngày 11-9) để Tổng thống Obama có thời giờ nói chuyện với 100 nghị sĩ và 300 triệu dân trước đã.

Tương quan lực lượng trong Quốc hội

Thượng viện gồm 53 nghị sĩ đảng Dân chủ, 45 nghị sĩ đảng Cộng hòa và hai nghị sĩ độc lập thiên theo hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Nghị quyết tấn công Syria sẽ được thông qua với kết quả 51/100 phiếu thuận. Theo báo The Hill của Quốc hội Mỹ, tính đến ngày 9-9 chỉ có 26 nghị sĩ ủng hộ, 19 nghị sĩ chống và 55 nghị sĩ còn phân vân.

Ở Hạ viện, đảng Cộng hòa chiếm đa số với 233 ghế và đảng Dân chủ được 200 ghế. Phải có 218 phiếu thuận thì nghị quyết đánh Syria mới được phê chuẩn. Dù vậy, báo The Hill cho biết đến nay chỉ có 31/433 nghị sĩ ủng hộ, 142 nghị sĩ chống và 260 nghị sĩ còn do dự.

Các nghị sĩ phản đối tấn công Syria được chia làm ba loại:

- Các nghị sĩ đảng Dân chủ phản chiến đã từng phản đối chiến tranh ở Iraq và Libya.

- Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cực kỳ bảo thủ có quan hệ với đảng Trà. Họ đề cao nguyên tắc “nước Mỹ trên hết”. Họ đánh giá nước Mỹ không liên quan gì đến nội chiến Syria. Nhân vật tiêu biểu là nghị sĩ Rand Paul, nguyên ứng cử viên tổng thống. Ông này nhận định Tổng thống Bashar al-Assad đã bảo vệ các giáo dân Công giáo trước phe nổi loạn Hồi giáo có liên can đến Al Qaeda.

- Các nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa ủng hộ chủ nghĩa can thiệp nhưng đánh giá cuộc chiến Syria đã gần tàn, đúng ra phải lật đổ tổng thống Syria cách đây một năm và ném bom sẽ có nguy cơ tạo thời cơ cho các phần tử cực đoan.

Kịch bản nào cho Syria? ảnh 1

Biếm họa của báo China Daily (Trung Quốc)

Ba kết quả bỏ phiếu

Một khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu, báo Le Monde (Pháp) dự báo ba kịch bản:

Quốc hội Mỹ bật đèn xanh: Lúc bấy giờ Tổng thống Obama có toàn quyền phát lệnh tấn công. Trên mặt trận ngoại giao, ông sẽ tìm cách giải quyết với các nước đồng minh của Syria và các nước phản đối can thiệp quân sự vào Syria mà không qua Hội đồng Bảo an LHQ.

Quốc hội phản đối, Obama vẫn quyết đánh: Công luận Mỹ không đồng tình Mỹ tấn công Syria, do đó có thể Hạ viện hoặc Thượng viện sẽ phản đối. Tổng thống Obama sẽ đứng giữa hai làn nước: Một là tôn trọng quyết định của Quốc hội và hai là thực hiện các tuyên bố trước đó rằng phải tôn trọng luật pháp quốc tế về cấm vũ khí hóa học. Quyết định của Quốc hội cần thiết khi chính thức tuyên chiến và ấn định phạm vi chiến tranh. Do đó, với tư cách tổng tư lệnh, ông Obama có thẩm quyền gây chiến mà không tuyên chiến.

Quốc hội phản đối, Obama tôn trọng: Trong trường hợp này, Tổng thống Obama có thể rút lại dự định đánh Syria. Để cứu vãn danh dự, ông sẽ tìm cách áp đặt lệnh cấm vận mới với Syria hoặc tìm giải pháp chính trị bằng cách thúc đẩy tổ chức hội nghị hòa bình như Nga gợi ý.

Ba kịch bản tấn công

Trong trường hợp Quốc hội Mỹ bật đèn xanh đánh Syria, theo báo Kommersant (Nga) có ba kịch bản tấn công:

- Các tàu khu trục và tàu ngầm Mỹ sẽ bắn tên lửa hành trình vào một số mục tiêu có chọn lọc ở Syria trong thời gian vài ngày. Mục đích nhằm bắn tín hiệu cho Syria nếu tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học thì sẽ nhận hậu quả nặng nề hơn. Kịch bản này đáng tin cậy nhất.

- Sử dụng không quân ném bom trong thời gian dài tương tự như chiến tranh Libya năm 2011. Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước quân chủ vùng Vịnh như Qatar và Saudi Arabia tán thành kịch bản này. Mục đích nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

- Mỹ ném bom Syria nhằm làm suy yếu tiềm lực quân sự trong một thời gian nhất định, kế tiếp rút về tuyến sau để các nước trong khu vực lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Liên minh đánh Syria sẽ do Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Giải pháp quân sự không hiệu quả

Các chuyên gia nhận định mọi giải pháp quân sự đều không hiệu quả. Đưa quân đánh chiếm Syria là giải pháp quá mạo hiểm nên bị loại trừ. Trang bị vũ khí cho phe đối lập Syria thì vũ khí có nguy cơ rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Không kích Syria như kịch bản tấn công thứ hai nêu trên cũng chỉ làm cho nội chiến Syria kéo dài. Chính sách lật đổ vốn đã không mang lại hiệu quả như ở Iraq, Afghanistan, Libya. Theo báo Le Figaro (Pháp), ngay cả kịch bản tấn công một số mục tiêu chọn lọc (kịch bản tấn công thứ nhất) cũng không hiệu quả như lịch sử đã chứng minh.

Năm 1983 trong nội chiến Lebanon, tàu chiến Mỹ từ Địa Trung Hải đánh phá lực lượng Syria đang chiến đấu hỗ trợ quân chính phủ Lebanon ở phía nam Beirut. Hậu quả: Ngày 23-10-1983, hai vụ đánh bom tự sát xảy ra cùng lúc ở Beirut làm 241 lính thủy đánh bộ Mỹ và 58 lính nhảy dù Pháp thiệt mạng.

Năm 1996 và năm 1998, Mỹ và Anh tấn công các kho tàng của Iraq để chấm dứt chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Dù vậy, tình hình Iraq ngày càng tồi tệ và chiến tranh bùng nổ vào năm 2003. Các vụ tấn công răn đe người Serbia ở Bosnia năm 1995 không ngăn cản được vụ thảm sát Srebrenica (8.000 người chết).

Năm câu hỏi cho ông Obama

Chuyên gia tình báo Philip Giraldi, nguyên nhân viên tình báo Mỹ, giám đốc Hội đồng Lợi ích quốc gia (Mỹ) nhận định trên tạp chí Mỹ The American Conservative rằng ông Obama cần giải đáp năm câu hỏi trước khi đánh Syria:

Nguồn thông tin tình báo: Chính quyền Obama tuyên bố có bằng chứng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công hôm 21-8 nhưng cho rằng nguồn tin và cách tiếp cận nguồn tin phải được bảo vệ. Câu hỏi đặt ra là liệu nguồn tin này do cơ quan tình báo Mỹ trực tiếp thu thập hay thông tin lượm lặt lại.

Thông tin đến từ Israel: Đã có nhiều báo cáo cho rằng đồng minh Israel đã cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo Mỹ, sau đó thông tin đã được biến hóa nhằm chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Vấn đề đặt ra là loại thông tin nào được cơ quan tình báo Mỹ kiểm chứng hay chỉ là thông tin kết luận một cách rời rạc.

Kẻ hưởng lợi chịu trách nhiệm: Phe nổi dậy được cho là đã tiến hành vụ tấn công hôm 21-8 và đổ lỗi cho chính phủ Syria. Trong thực tế, phe nổi dậy đã chiếm được khu vực hiện trường nơi vụ tấn công xảy ra. Vậy phải chăng thông tin Washington nhận được hầu hết đến từ phe nổi dậy. Nếu đúng như vậy thì Nhà Trắng có quan tâm đến chuyện đã nhận được thông tin bịa đặt?

Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ: Có báo cáo cho rằng Saudi Arabia và nhiều khả năng là Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hóa chất cho phe nổi dậy chế tạo vũ khí hóa học và hóa chất đã vô tình bị trộn lẫn vào nhau. Như vậy Nhà Trắng đã chuẩn bị giải quyết các cáo buộc này chưa?

Tư duy chiến lược của Israel: Báo New York Times (Mỹ) cho biết Israel ủng hộ phe nổi dậy Syria bởi Israel muốn kéo dài cuộc nội chiến Syria vô thời hạn. Hãy để hai bên đổ máu đến chết, đó là tư duy chiến lược của Israel. Liệu Nhà Trắng đã xác định được vai trò của Israel trong động thái khuyến khích hay tạo điều kiện cho xung đột kéo dài ở Syria?

Báo Le Figaro (Pháp) ngày 9-9 đưa tin Liên minh châu Âu ghi nhận từ đầu nội chiến Syria đến nay đã có khoảng 600 công dân châu Âu sang Syria chiến đấu trong hàng ngũ phe đối lập, trong đó có khoảng 200 công dân Pháp. Đa số chiến đấu trong các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Những người trở về Pháp đều bị cơ quan tình báo Pháp thẩm vấn vì lo ngại họ trở về để tuyển mộ người.

Nhiều băng video được dịch sang tiếng Pháp đã được tung lên trang xã hội YouTube kêu gọi công dân Pháp tham gia “thánh chiến” chống Tổng thống Bashar el-Assad. Theo ông Gilles de Kerchove, giám đốc phụ trách chống khủng bố trong Liên minh châu Âu, Pháp, Anh và Ireland là ba nước có công dân chiến đấu trong hàng ngũ phe đối lập Syria nhiều nhất.

Trong khi đó, đài phát thanh Canada dẫn nguồn tin từ chính phủ Canada ghi nhận khoảng 100 phần tử thánh chiến người Canada đang tham gia chống Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria. Nếu so với công dân Mỹ trong hàng ngũ “thánh chiến” thì công dân Canada có số lượng đông hơn. Đài truyền hình CBC (Canada) đã thực hiện thiên phóng sự về đề tài này.

DUY KHANG - DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm