Kissinger bàn về Trung Quốc - Bài 5: Câu hỏi khó trả lời

Câu hỏi không đơn giản vì hóa ra nó lại gắn với một vấn đề rất phức tạp là xác định ranh giới (và giới hạn, nếu có) giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Theo những gì Kissinger ghi lại thì vào tháng 9-1987, Đặng Tiểu Bình bắt đầu nói với Kissinger về việc chuyển từ cải cách kinh tế sang cải cách chính trị. Có nghĩa là rất có thể ý nghĩ này đã ở trong đầu Đặng trước đó từ lâu.

Cải cách “có trật tự”

Đặng nói với Kissinger rằng cải cách chính trị sẽ phức tạp hơn nhiều do nó liên quan đến việc “phân công nhiệm vụ” giữa đảng và chính quyền. Nhiều đảng viên sẽ phải chuyển sang công tác khác (nói nôm na là có thể thất nghiệp) khi phải trao lại vị trí quản lý cho người chuyên nghiệp. Kissinger hỏi nếu vậy thì làm thế nào để phân định rạch ròi giữa hoạch định chính sách với quản trị kinh doanh? Đặng trả lời rằng đảng sẽ kiểm soát các vấn đề thuộc ý thức hệ, còn giới quản lý lo việc điều hành cụ thể.

Kissinger lại hỏi vậy thế nào là vấn đề thuộc ý thức hệ? Đặng lấy ví dụ, chẳng hạn đó là việc quyết định xem có nên chuyển hướng sang thiết lập quan hệ đồng minh với Liên Xô hay không. Ngoài ra, Đặng cũng nói rõ rằng các cuộc cải cách sẽ luôn phải diễn ra “một cách có trật tự”.

Những bất ổn

Mặc dù Đặng Tiểu Bình đã đưa ra những cơ sở lý luận như thế nhưng hóa ra mọi sự vẫn không đơn giản: Theo Kissinger, chẳng bao lâu sau, Đặng đã phải đương đầu với những bất ổn trong chương trình cải cách “có trật tự” của ông. Những năm đầu cải cách, vai trò của nhà nước vẫn còn mang tính khống chế; những vấn đề do kế hoạch hóa và điều hành vĩ mô gây ra cứ lẫn lộn với các vấn đề do thị trường gây ra. “Nỗ lực làm cho giá cả phản ánh đúng chi phí tất yếu dẫn đến làm giá cả gia tăng, ít nhất trong ngắn hạn. Cải cách giá thì lại dẫn đến việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa từ trước khi giá lên, tạo ra một cái vòng luẩn quẩn: Đầu cơ - lạm phát” - nhà ngoại giao Mỹ viết.

Kissinger bàn về Trung Quốc - Bài 5: Câu hỏi khó trả lời ảnh 1

Trong một hội nghị vào tháng 9-1987, Triệu Tử Dương phác thảo một kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng làm gia tăng sự đóng góp của các lực lượng thị trường, lên mức khoảng 50% GDP cả nước. Trong cuốn hồi ký của mình, khi bàn về sự kiện này, Kissinger nhận định: “Ngoài các vấn đề thuần túy kỹ thuật về kinh tế học ra thì đây là việc đòi hỏi phải viết lại đáng kể giáo lý về hệ thống kinh tế chỉ huy. Sẽ phải chú trọng nhiều đến việc kiểm soát gián tiếp nền kinh tế thông qua sử dụng chính sách cung tiền và can thiệp để chặn trước suy thoái - giống như các nước châu Âu vẫn làm. Nhiều định chế trung ương sẽ phải bị giải tán, hoặc phải xác định lại chức năng”.

Muốn làm thế thì lại phải tiến hành thanh tra tư cách các đảng viên, thanh lọc đảng, tinh giản bộ máy hành chính, mà điều này thì có liên quan tới khoảng 30 triệu người và vấn đề lớn nhất là nó lại do chính những người cần được thanh lọc nhất tiến hành. Theo Kissinger, chính phủ có nguy cơ bị mất sự ủng hộ từ các cán bộ công chức trung thành - những người bị cải cách đe dọa.

Thế lưỡng nan nhà nước - thị trường

Cựu ngoại trưởng Mỹ cũng bình luận như một nhà kinh tế thực thụ: “Quản lý hệ thống hai chế độ giá đã mở đường cho nạn tham nhũng và gia đình trị”. Ông lý giải: “Việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường làm tăng cơ hội tham nhũng, ít nhất trong thời kỳ quá độ. Sự tồn tại song song hai khu vực kinh tế - một bên là khối nhà nước tuy đang thu nhỏ nhưng vẫn rất lớn và một bên là nền kinh tế thị trường đang mở rộng dần - tạo ra hai chế độ giá cả. Do đó, đám công chức quan liêu và doanh nghiệp thiếu lương tâm ở vào vị trí hoàn toàn có thể buôn bán hàng hóa qua lại giữa hai khu vực kinh tế này nhằm trục lợi cá nhân”.

Biểu hiện của hai khu vực kinh tế nhà nước và thị trường là khối doanh nghiệp quốc doanh và công ty tư nhân (dân doanh). Nhà báo Ngô Hiểu Ba (Tân Hoa xã), sau khi dày công nghiên cứu về 30 năm cải cách ở Trung Quốc (1978-2008), đã nhận định rằng doanh nghiệp nhà nước “dựa vào sự ủng hộ về tài nguyên và chính sách, chiếm được vị thế có lợi mà không ai có được, cuối cùng dựa vào chiến lược độc quyền mạnh mẽ để đạt thành tựu”.

Trong khi đó, tư bản dân doanh “có cống hiến lớn nhất cho cải cách Trung Quốc” thì “vẫn luôn có một số phận long đong. Họ phát lên từ gốc rạ, hầu như chẳng có bất cứ sự ủng hộ nào, gặp phải nhiều giới hạn do cơ chế trong quá trình trưởng thành, đồng thời còn là đối tượng bị chỉnh đốn và hạn chế nhiều nhất, nặng nề nhất”. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng trong số các công ty Trung Quốc từng lọt vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, không một công ty nào trưởng thành trong môi trường cạnh tranh thực sự, mà chúng đều là kết quả của sự hưởng lợi về cơ chế, được thiên vị về tài nguyên và vốn…

Rất có thể thực tế ấy đã bắt nguồn từ những năm đầu cải cách, hay nói đúng hơn từ câu hỏi lớn về xác định ranh giới giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị, cùng giới hạn của chúng - câu hỏi mà Kissinger đã nêu ra với Đặng Tiểu Bình từ những năm 1980.

Học gì từ phương Tây?

Cải cách kinh tế ở Trung Quốc, theo Kissinger, đã tạo ra những niềm hứng khởi và hy vọng mới, rằng có thể nhờ đó mà gia tăng mức sống của người dân và tự do cá nhân. Nhưng rồi cải cách kinh tế cũng đã tạo ra bất bình đẳng, mâu thuẫn xã hội, mà ngày càng nhiều người Trung Quốc cho rằng điều này chỉ có thể được sửa đổi nhờ một hệ thống chính trị cởi mở hơn và vì dân hơn.

Năm 1988, Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng series phim tài liệu sáu phần Hà Thương (River Elegy). Bộ phim mượn hình ảnh con sông Hoàng Hà nước đục, trôi lững lờ để nói rằng nền văn minh Trung Hoa cũng đang trở nên dị biệt và tù hãm, và gửi gắm thông điệp: Nếu muốn phát triển, Trung Quốc cần hướng ra ngoài, tới “đại dương xanh” của thế giới, nhìn vào văn hóa Tây phương để có những tư tưởng mới như dân chủ, sáng tạo cá nhân.

Kissinger cho biết Hà Thương đã gây nên một làn sóng tranh cãi ở Trung Quốc, kể cả ở tầng lớp lãnh đạo cao nhất: “Những người cộng sản truyền thống coi bộ phim là “phản cách mạng” và họ đã thành công trong việc vận động cấm chiếu lại phim này. Cuộc tranh cãi kéo dài qua nhiều thế hệ về số phận của nước Trung Hoa và quan hệ của nó với phương Tây lại tiếp tục bùng lên”. Và cựu ngoại trưởng Mỹ để ngỏ câu hỏi Trung Quốc muốn học gì từ những thể chế chính trị và xã hội Tây phương.

ĐOAN TRANGtổng thuật

Mời bạn đọc đón đọc bài 6 vào Chủ nhật tuần sau 12-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm