Kỳ án hiện đại - Bài 3: Lý Tống và giấc mơ tổng thống

10 năm sau, Lý Tống từ Mỹ về thực hiện giấc mộng hão huyền: Cướp máy bay và lật đổ chính quyền để lên làm… tổng thống.

20 năm trước, vụ Lý Tống cướp máy bay từng gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Tôi được phân công thụ lý kiểm sát điều tra vụ án này. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi thấy có mấy điểm ngồ ngộ về con người này.

Đi trộm máy bay giống như đi trộm bò

Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống, sinh năm 1948, tại Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Khi đi học lái máy bay ở Mỹ (1966), hắn từng bị sa thải vì cãi lộn và đánh nhau với cán bộ nhà trường. Sau đó hắn bị đuổi ra khỏi quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lăn lộn buôn bán chợ đen ở Sài Gòn một thời gian, năm 1968 hắn lại bị bắt lính và được đi học lái máy bay rồi bay đi thả bom. Năm 1975, hắn từng đánh bom làm sập cầu Ba Ngòi ở Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó hắn bị ta bắt đi cải tạo rồi trốn, rồi lại bị bắt, rồi lại trốn…

Năm 1981, Lý Tống đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất với ý định trộm máy bay bay ra nước ngoài nhưng không thành. Tại đây có nhiều máy bay nhưng không có chiếc nào lành lặn để trộm nên khi đã khát cháy cổ, Tống ta bèn quay ra. Lần khác, rút kinh nghiệm, hắn chuẩn bị sẵn lương khô, nước uống rồi mới đột nhập. Nhưng cũng như lần trước, suốt năm ngày mò mẫm trong sân bay mà chẳng kiếm được chiếc nào như ý, hắn đành lủi ra ngoài chuồn êm.

Kỳ án hiện đại - Bài 3: Lý Tống và giấc mơ tổng thống ảnh 1

Sau vụ xâm nhập không phận Cuba trái phép, Lý Tống bị cảnh sát Mỹ bắt giữ ngay khi vừa bước chân xuống sân bay nước này. Ảnh: TƯ LIỆU

Cuối cùng, Lý Tống vượt biên bằng đường bộ, đến tháng 8-1981 thì lọt đến Mỹ. Ôm tham vọng vào học trường chính trị Mỹ, Tống phải lang thang kiếm sống một thời gian. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, cuối cùng Lý Tống được vào làm việc tại một hộp đêm, có điều kiện để theo học chính trị tại ĐH New Orleans, chuyên khoa bang giao quốc tế. Đang làm luận án tiến sĩ về lãnh đạo chiến tranh thì hắn lại bất đồng với ban giám khảo nên cuối cùng cũng chẳng nhận được bằng.

Với suy nghĩ tấm bằng tiến sĩ chính trị - ngoại giao không sướng bằng việc trở về Việt Nam làm… tổng thống, Lý Tống tìm cách học lái máy bay và nhảy dù để chuẩn bị trò cướp máy bay. Theo dõi các vụ không tặc trên thế giới, Lý Tống chuẩn bị hai túi xách làm công cụ dọa có bom, in 18.000 tờ truyền đơn bó thành nhiều cọc cùng các vật dụng khác như dù, ống nhòm, sợi dây dù… Đồng thời, Lý Tống không quên mang theo cuốn sách Ó Đen viết về chuyện vượt biên của mình.

Trộm không được thì gửi thư khoe chơi

Ngày 2-8-1992, Lý Tống đáp máy bay từ Mỹ về Bangkok (Thái Lan). Tại đây, hắn dự định đi trộm máy bay A37 ở sân bay Ubon để bay về ném bom kho xăng Khánh Hội, sau đó sẽ bay sát nhà dân thả truyền đơn kêu gọi lật đổ chính quyền rồi nhảy dù xuống xa lộ Biên Hòa đón xe khách về Sài Gòn.

Khoảng 7 giờ 30 tối 31-8-1992, Lý Tống đã đột nhập vào sân bay quân sự Ubon của Thái Lan. Đây là sân bay quân sự được binh lính không quân Thái Lan canh phòng cẩn mật thế nhưng không biết bằng cách nào mà Lý Tống vẫn chui vào được. Tống tìm đến chiếc máy bay A37 và mở cửa leo tót lên. Khi ngồi vào buồng lái, hắn mừng khôn xiết, nếu không có người gác xung quanh chắc hắn sẽ hét thật to cho hả dạ. Thế là sắp được làm tổng thống Việt Nam rồi! Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi Sài Gòn sẽ kinh hoàng khi nghe tiếng máy bay phản lực của hắn gầm rú, nhân dân sẽ được đọc lời tuyên cáo của hắn…

Giây phút phấn chấn qua nhanh, hắn lại âu lo không biết chiếc máy bay này có… bay được không nữa. Hắn muốn mở khóa cho nổ máy nhưng trời còn sớm quá, sợ lính phát hiện được thì hỏng bét. Nếu máy bay không khởi động được thì sao bây giờ? Hắn nhìn mông lung, nhìn đồng hồ mãi mà vẫn mới có 4 giờ sáng, còn đến cả tiếng nữa mới đến giờ dự kiến hành động. Kệ, không thể chờ được nữa.

Kỳ án hiện đại - Bài 3: Lý Tống và giấc mơ tổng thống ảnh 2

Chân dung Lý Tống. Ảnh: INTERNET

Hắn ấn nút mở khóa. Im lặng, không có tín hiệu gì. Lần nữa. Vẫn thế. Lần nữa, lần nữa và lần nữa. Chết cha, chắc kiểu này bình điện hỏng mất rồi. Lý Tống ấn nút lần cuối. Tất cả vẫn lặng im như tờ. Bầu trời dần sáng rõ. Lính gác sân bay thấp thoáng đi tuần. Lý Tống nhảy xuống máy bay và tìm cách chui ra khỏi phi trường đón taxi về khách sạn.

Về khách sạn, Lý Tống viết một lá thư “nhận trách nhiệm” gửi tư lệnh Không đoàn không quân Ubon với lời lẽ rất ngông cuồng. Thư viết: “Thưa ngài! Thật tuyệt khi biết rằng việc đột nhập của tôi vào căn cứ không quân Ubon vào sáng 1-9-1992 đã được giữ kín đến mức các phương tiện thông tin Thái Lan đã không hề đưa tin gì về sự kiện nghiêm trọng này… Tôi đã rời máy bay và căn cứ trước khi thợ máy bay tới làm việc. Tôi đã bỏ lại bản đồ, dao găm và một miếng băng keo trong chỗ ngồi của phi công… Tôi đã rời Ubon đến Bangkok và sẽ cướp máy bay số 850 của hãng hàng không Việt Nam hôm nay (ngày 4-9-1992). Do vậy, đề nghị chấp nhận lời xin lỗi này. Ký tên: Chim ưng đen Lý Tống”.

Chạm vào giấc mơ hão huyền

Đúng như lời lẽ ghi trong bức thư khoe chiến tích nói trên, 5 giờ kém 10 chiều 4-9-1992, Lý Tống bước lên máy bay, bắt đầu thực hiện giấc mơ hão huyền nay mai sẽ được làm tổng thống.

Về hành trình cướp máy bay, sau này Lý Tống tự thuật như sau: Lúc đầu Lý Tống mua vé máy bay của hãng hàng không Thái Lan để bay về Việt Nam. Vé này Lý Tống mua ở Mỹ hết 317 USD. Nhưng khi đến Thái Lan, Lý Tống lại nghĩ nếu cướp máy bay của Thái Lan về Sài Gòn rải truyền đơn rồi sau đó nhỡ thất bại, phải trốn khỏi Việt Nam thì không thể không đến Thái Lan để tạm trú, khi đó rất dễ bị trả thù. Do đó, Lý Tống cân nhắc đổi sang cướp máy bay của hãng hàng không Việt Nam. Nghĩ thế, Lý Tống đành bỏ vé cũ, mua vé máy bay của hãng hàng không Việt Nam với giá 318 USD.

Hắn lại đắn đo suy nghĩ, vé hạng nhất là nơi gần buồng lái, ngồi ở khoang này sẽ có điều kiện quan sát, nghiên cứu cách mở cửa buồng lái, xem các hoạt động của tiếp viên để tiếp cận buồng lái ngay khi đã khống chế tiếp viên. Do vậy, Lý Tống lại chọn mua vé hạng nhất.

Theo lịch trình, đúng 5 giờ (chiều 4-9-1992) máy bay sẽ cất cánh. Lý Tống đăng ký được số ghế 1B ngay cạnh đường đi và lại ở hàng đầu. Hàng ghế này có 10 ghế nhưng cô tiếp viên xinh đẹp mỉm cười cho hắn biết chỉ có ba hành khách. Điều này rất thuận lợi để Lý Tống quan sát và khởi sự. Lý Tống nghĩ nếu có nhiều người lúc mình đang hành động nhỡ ai đó đứng lên can thiệp thì căng. Lý Tống cất đồ vào ngăn để hành lý trên đầu rồi ngồi xuống xoay người ra sau liếc mắt nhanh quan sát. Hành khách vẫn lục tục đi lên, các tiếp viên đang hướng dẫn khách tìm chỗ ngồi. Tiếng người đi, tiếng hành lý xách tay xếp lên ngăn chứa lách cách, lịch kịch và vội vã. Lý Tống thấy yên tâm và rung đùi điểm nhanh trong đầu kế hoạch hành động.

Lý Tống mặc bộ đồ bò màu xanh nhạt, mắt đeo kính nâu đen, ngồi vắt chân chữ ngũ, hai tay bó lấy gối, vai rộng, lưng bè, suy nghĩ mông lung cho cuộc không tặc sắp tới. Cái hình ảnh này rất giống với phong thái của những tên không tặc trong xi-nê. Lý Tống mỉm cười.

Bỗng có một nhân viên người Thái Lan lên quan sát khoang hạng nhất nơi Lý Tống ngồi và hỏi bâng quơ: “Tại sao khoang hạng nhất mà chỉ có bốn hành khách?”. Nghe vậy Lý Tống hơi lo. Chả nhẽ họ định nhét thêm người vào đây? Nhưng sau đó mọi sự vẫn yên lành. Do việc kiểm tra như trên nên máy bay cất cánh chậm mất 20 phút. Lý Tống lại phải tính toán lại giờ hành động.

Lý Tống dự định khởi sự trước khi máy bay đến Sài Gòn 30 phút. Cho nên sau khi máy bay cất cánh, để chắc ăn, Lý Tống hỏi cô tiếp viên bằng tiếng Anh: “What time does it arrive?” (tạm dịch: Mấy giờ máy bay đến nơi?). Cô tiếp viên có đôi mắt sáng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, thấy Lý Tống hỏi trống không nên cũng trả lời trống không. Lý Tống khẩn trương điều chỉnh chuông đồng hồ báo giờ bắt đầu hành động. Xong việc, hắn ngồi im như thóc, bụng chợt nóng lên như có lửa đốt. Nhưng vốn là người bản lĩnh, Lý Tống kịp trấn tĩnh, chờ từng giây từng phút trôi qua...

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Kỳ tới: Chim ưng đen” bổ nhào xuống ao rau muống

Sau khi đã khống chế tiếp viên và phi công để máy bay lượn vài vòng rải truyền đơn, Lý Tống yêu cầu mở cửa máy bay rồi nhảy ra ngoài bung dù. Cuối cùng “chim ưng đen” (biệt danh tự phong của Lý Tống) bổ nhào xuống ao rau muống…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm