Kỹ sư Cua và giống lúa thơm

Với những đóng góp hữu ích cho nông nghiệp và nông dân ấy, tỉnh nhà đã đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông.

Một chiều, chúng tôi chạy vào thị trấn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tìm KS Hồ Quang Cua. Gặp ông trên đám ruộng thí nghiệm đầy những ô vuông nhỏ mướt xanh, chi chít những que ghi ký hiệu theo dõi từng giống lúa. Ông Cua quần vo ống thấp ống cao bê bết bùn, áo bạc màu nắng gió đang chăm chú xem xét từng bông lúa giống ST, giống lúa do ông tạo chọn được từ nhiều dòng lúa thơm đặc sản.

Duyên nợ với lúa thơm

Ông Cua kéo tôi vào mảnh vườn xum xuê của ông, cùng nhau hái rau, đổ lọp bắt cá và nấu một nồi canh chua đúng điệu “cây nhà lá vườn” miền Tây. Xong xuôi, ông lôi ra một chai rượu đế thơm phức, cười khà khà khoe: “Rượu tôi tự tay nấu bằng gạo thơm đó, không bị… ngộ độc đâu”. Tôi và ông Cua ngồi dưới bóng cây ăn trái mát rượi và phải mất vài tuần rượu ông mới chịu nói về duyên nợ giữa ông với dòng lúa thơm ST nổi tiếng.

Ông Cua cũng không biết mình bắt đầu mê cây lúa từ khi nào, chỉ biết đau đáu nhớ về tuổi thơ của mình gắn liền với những ngày lội ruộng kéo mạ, cấy lúa với cha anh. Chính hạt lúa mùa trên đồng đất Hòa Đông (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã nuôi ông khôn lớn nhưng không đủ sức làm quê hương ông giàu lên được bởi năng suất và chất lượng không cao.

Mang trăn trở đó, chàng trai trẻ có tên rất nông dân thi vào khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ. Tốt nghiệp, Hồ Quang Cua trở về với ruộng đồng để rồi biết bao cánh đồng đã in dấu chân... Cua.

Kỹ sư Cua và giống lúa thơm ảnh 1

KS Hồ Quang Cua trên ruộng thí nghiệm giống lúa thơm ST. Ảnh: HÙNG ANH

Đâu có ruộng, có nông dân là có Cua, cùng đánh vật với ruộng đồng và nhà nông. Người dân Sóc Trăng cũng chỉ biết ông Cua là một kỹ sư giỏi, chịu khó chứ ít ai biết ông là phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Ông đi đồng bất kể lúc nào. Sáng tranh thủ dậy sớm ra đồng, chiều sau giờ làm việc cũng thấy lom khom ngoài đồng nên làm cán bộ cấp sở mà ngón chân vàng khè màu phèn.

“Lúa thơm với tôi là một duyên nợ. Hồi tôi trọ học tại Cần Thơ, hay ăn cơm gạo Châu Hạng Võ (một giống lúa mùa nổi tiếng thơm ngon của miệt nam sông Hậu nhưng nay đã mai một), ngon thiệt là ngon. Sau đó, suốt mấy chục năm công tác trong ngành nông nghiệp, tôi vẫn nhớ hoài mùi vị thơm ngọt đặc trưng của loại gạo này. Vì vậy, tôi luôn nung nấu ý định phải sản xuất lúa thơm” - ông Cua kể.

Nung nấu là một chuyện nhưng công trình lúa thơm ST của ông Cua lại bắt đầu từ câu chuyện sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Đang ngắm nghía những hạt lúa VD20 no tròn, bằng cặp mắt nhà nghề ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt sáng lên như người tìm được vật quý bởi “đó là những cá thể VD20 đột biến đầu tiên” - ông kể.

Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Ông Cua kể: “Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất”.

Công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có. Ông cho biết: “Lúc đó thiếu nhiều thứ lắm, cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì mượn tạm của người khác. Trong công tác giống, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn. Bởi vậy chúng tôi mượn tạm tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện”.

Sau này một cộng sự của ông Cua là ThS Trần Tấn Phương còn phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, ông Cua cùng các cộng sự loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh. Công việc ngày càng tiến triển, đến nay ngành nông nghiệp Sóc Trăng tự hào có được bộ sưu tập giống lúa ST 1-20 và một giống ST3 đỏ (ST = Sóc Trăng, giống ST3 đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa quốc gia).

Kỹ sư Cua và giống lúa thơm ảnh 2

KS Cua (phải) cùng các nhà khoa học nước ngoài đang thăm giống lúa thơm ST do ông Cua lai tạo. Ảnh: HÀM YÊN

Lựa chọn số 1 của nhà nông

Để chọn được những giống lúa thơm phù hợp với người tiêu dùng, ngoài việc áp dụng các tiêu chí BE.2541, ông Cua còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “Cơm nào ngon hơn”, “Cơm ngon thương hiệu Việt”... tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá cho lúa thơm ST. “Nghiên cứu là một lẽ nhưng nếu không quảng bá sẽ không ai biết mình đang có giống lúa thơm cho gạo ngon không thua gì gạo Thái Lan” - ông Cua chia sẻ.

Từ những giống lúa thơm ST, nhiều nông dân đã làm giàu và ngay thời điểm giá lúa xuống thấp nhưng giá lúa thơm ST vẫn vững vàng ở ngôi cao nhất. Những năm gần đây các giống lúa thơm ST của Sóc Trăng trở thành chọn lựa số 1 của nhà nông miền Tây. Không ít vùng chuyên canh lúa thơm ST ra đời, trở thành vựa lúa thơm cho các doanh nghiệp, nhà máy chế biến gạo chất lượng cao thu mua, chế biến để xuất khẩu. Lúa thơm ST năng suất tối thiểu năm tấn/ha, giá bán tại ruộng luôn cao hơn lúa thường 1.500-2.500 đồng/kg, tính ra mỗi hecta nông dân thu lãi ròng trên 20 triệu đồng.

“Các giống lúa thơm mang tên ST cho gạo thơm ngon và mềm cơm hơn lúa đặc sản Châu Hạng Võ ngày xưa, để hơn ba tháng vẫn không giảm phẩm chất. Nếu đem so sánh gạo thơm từ các giống lúa ST theo tiêu chuẩn gạo thơm của Thái Lan thì có thể sánh ngang hàng với gạo Thái. Sở dĩ chúng tôi phải sử dụng tiêu chuẩn gạo thơm của Thái Lan để đánh giá chất lượng gạo thơm ST vì ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về gạo thơm cao cấp, dù nước ta đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo” - ông Cua nói.

Cuối cùng, nỗ lực của KS Cua và các cộng sự nhận được nhiều sự hỗ trợ của UBND tỉnh Sóc Trăng cấp kinh phí cho công tác nghiên cứu, lai tạo, phát triển giống lúa mới. Các tổ chức, dự án của nước ngoài thì hỗ trợ người dân phát triển lúa thơm với diện tích hàng ngàn hecta. “Năm 2011, Sóc Trăng có khoảng 61.000 ha đất trồng các loại lúa thơm ST, xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo với giá hơn 700 USD/tấn, trong khi lúa thường giá chỉ 540 USD/tấn. Mới đây, dòng ST 20 còn đoạt giải nhất Hội thi gạo ngon thương hiệu Việt tại Festival lúa gạo Việt Nam lần 2” - ông Cua vui vẻ kể.

GS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, quả quyết rằng những hạt gạo thơm mang thương hiệu ST của KS Hồ Quang Cua hiện nay hoàn toàn có thể đại diện cho gạo Việt Nam cạnh tranh ngang hàng với gạo thơm của người Thái Lan.

KS Cua được đề nghị phong tặng Anh hùng lao động

Không chỉ nghiên cứu lai tạo, nhân giống hay quảng bá thương hiệu, ông Cua còn là người tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Và cũng chính ông Cua đã làm sống lại mô hình “con tôm ôm cây lúa” trên những vùng đất nuôi tôm kém hiệu quả trước đây.

Với những đóng góp ấy, tháng 12-2011, KS Hồ Quang Cua vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng huân chương Lao động hạng Nhất. Ngoài ra, ông Trần Văn Hào, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh đang lập thủ tục đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho KS Cua.

“Năm sau tôi tới tuổi nghỉ hưu. Nhưng mục tiêu của tôi là phải chọn được một giống lúa thơm cao sản, kháng rầy nâu, kháng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, không bị nhiễm nặng các loại bệnh, bền vững với môi trường canh tác… để trở thành cây lúa thơm phổ cập trên đồng ruộng Việt Nam. Từ đó mới có thể đưa hạt gạo thơm Việt Nam sánh ngang với gạo Thái, mang lại no ấm cho nhà nông” - ông Cua chia sẻ.

HÙNG ANH - HÀM YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm