Lời nói sau cùng của các bị cáo vụ bầu Kiên: Nếu sai đưa đao vào cổ cũng không ký

Trước khi HĐXX vào nghị án, ngoài bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã phát biểu lời nói sau cùng dài hết 40 phút, 6 bị cáo còn lại (bị xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với Nguyễn Đức Kiên) cũng lần lượt nói lời sau cùng. 

Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): Đau khổ khi nghỉ hưu cũng là lúc bị bắt, bị truy tố

Hơn 600 ngày qua tôi bị tạm giam ở trại T16 là những chuỗi ngày thực sự đắng cay và tủi nhục của tôi.

Suốt 42 năm công tác, tôi luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước, luôn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ, chưa một lần bị vi phạm kỷ luật và vi phạm nội quy của cơ quan. Điều rất đau khổ của tôi là đúng lúc tôi cầm quyết định nghỉ hưu cũng là lúc tôi nhận quyết định truy tố và bắt giam.

Suốt những ngày trong trại giam, tôi chỉ suy nghĩ có một điều, tại sao mình lại phải vào đây? Mình tội gì mà bị bắt. Nhưng tất cả “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”,  tất cả do bản thân mình, một sai phạm của mình, một sơ suất của mình trong bản hợp đồng cuối cùng mình ký trước khi nghỉ hưu. Lúc đó mình chưa nhận thức được mình sai, đến khi cơ quan cảnh sát điều tra vào làm việc ngày 7-9 nói rằng, hợp đồng này ký khi số cổ phiếu chưa được giải chấp, tôi thấy cái sai từ ngày hôm đó.

Tôi luôn tin tưởng ở chế độ, nhưng rất tiếc rằng, trong quá trình điều tra và tố tụng, các cơ quan điều tra, tố tụng và VKDND trong lời luận tội đối với tôi hầu hết chỉ coi trọng chứng cứ, luận cứ để buộc tội tôi, làm sao để buộc được tội là tôi có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt. Còn những luận cứ, chứng cứ minh chứng cho tôi là tôi không có tội thì chưa được chú trọng.

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một cán bộ của VKS, dù cho đến ngày hôm nay, chưa lần nào VKS làm việc chính thức với tôi để phúc tra những lời cung của tôi, nhưng trong buổi làm việc hôm đối chất, cán bộ VKS nói với tôi rằng, anh cứ yên tâm, VKS chúng tôi trước hết là phải gỡ tội cho can phạm, sau đó mới là buộc tội. Tôi cứ hy vọng mãi là như thế, nhưng thực chất ra cho đến bây giờ không phải hoàn toàn là như thế.

Đứng trước phiên tòa hôm nay, một lần nữa, tôi khẳng định tôi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt, tôi có hành vi sơ suất trong việc ký hợp đồng nhưng hành vi của tôi không phải là hành vi gian dối, tôi không có động cơ gì và không có vụ lợi gì trong việc ký hợp đồng.

Như tôi đã trình bày, khi ký bản hợp đồng này, tôi hoàn toàn không biết rằng số cổ phiếu đó chưa được giải chấp vì hai lẽ. Một là tôi đã ký biên bản đề nghị giải chấp, hai là phần việc này lại không phải là việc của tôi. Chính vì lẽ đó, tôi kính mong HĐXX công tâm, công bằng, khách quan, xem xét làm rõ hành vi và bản chất hành vi phạm tội của tôi.

Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): Tôi, một công dân lương thiện

Tôi chỉ là một người làm công, hưởng lương, hoàn toàn làm theo sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo. Để có sự việc ngày hôm nay, phải đứng trước vành móng ngựa, đó là một điều cay đắng nhất trong cuộc đời của tôi, một công dân lương thiện.

Tôi chỉ chờ mong vào sự phán quyết công minh, công bằng của HĐXX. Tôi đã nhận được sự cảm thông của vị đại diện VKS về hành vi của tôi, nhưng thực sự, buộc tội tôi là đồng phạm giúp sức lừa đảo thì vẫn chưa chính xác.

Một lần nữa tôi xin được sự phán quyết cuối cùng của HĐXX, của đại diện VKS để cho tôi được mức án nhẹ nhàng nhất, cho tôi sớm trở về đoàn tụ với gia đình, với xã hội, để nuôi con trưởng thành, trở thành một công dân tốt.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): Sai phạm đến đâu chịu đến đó

Tôi đã không lường hết các rủi ro… Năm 2011, khi tôi bị khởi tố, ngân hàng ACB đã lọt vào một trong tám doanh nghiệp nộp thuế doanh nghiệp nhiều nhất cả nước. Đại hội cổ đông năm 2012, tôi đã xin lỗi các cổ đông về sự việc đã xảy ra, sự việc đã ảnh hưởng đến ACB và các cổ đông. Nhân đây, một lần nữa, tôi xin lỗi về những sự việc đã xảy ra, những việc đó nằm ngoài mong muốn của chúng tôi.

Một vấn đề nữa tôi muốn gửi đến HĐXX, trong vụ án Huyền Như đã nói rõ, nhiều Ngân hàng khác có vi phạm như chúng tôi trong việc ủy thác gửi tiền. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đã chiếu cố, chưa truy cứu trách nhiệm của các đơn vị đó. Nhân đây, tôi kính mong HĐXX chiếu cố ở góc độ này đối với hoạt động của chúng tôi.

Tôi còn có mẹ già 97 tuổi cần phụng dưỡng, mong HĐXX tạo điều kiện cho tôi chăm sóc mẹ già. Mong HĐXX tạo điều kiện để tôi có thể đem chuyên môn của mình về công nghệ thông tin cống hiến cho xã hội.

Tôi bày tỏ sự tin tưởng của mình vào sự công minh của HĐXX, nếu có sai phạm đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó …

Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): Tôi có thể đột tử bất cứ lúc nào

Tôi xuất thân là giảng viên ĐH. Tôi  sống trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong một gia đình như thế, tôi đã nỗ lực thượng tôn pháp luật,không bao giờ tôi có ý định làm gì trái pháp luật,tôi không bao giờ cố ý làm trái.

Trong vụ án này, chúng tôi thông qua nghị quyết, hành vi đó không trái pháp luật tại thời điểm nó được ban hành, còn việc dừng lại một văn bản khi nó có dấu hiệu trái pháp luật không thuộc trách nhiệm của tôi, việc đó thuộc ban kiểm soát và phòng pháp chế.

Trong một giả thiết xấu nhất, chúng ta cho rằng ACB bị mất tiền, thì VKS đã nói, ACB mất tiền là do sơ suất của người đi gửi tiền, rõ ràng không phải lỗi của tôi.

Với hành vi thứ hai, tôi ban hành một nghị quyết không trái pháp luật. Tôi không hề chỉ đạo mua cổ phiếu ACB, chỉ đạo như vậy chúng tôi biết là vi phạm pháp luật. Nghị quyết mua cổ phiếu là cấp hạn mức 700 tỷ đồng, trong khi thực hiện mua cổ phiếu ACB là 1.500 tỉ đồng. Xin HĐXX so sánh hai con số sẽ thấy không có liên quan nhau.

Cáo trạng cáo buộc tôi tội cố ý làm trái thì thật là oan ức cho tôi.

Hiện nay sức khỏe của tôi đáng báo động, tiểu đường, huyết áp cao, mắt tôi mờ không nhìn thấy, tôi có thể bị đột tử bất cứ lúc nào. Nếu HĐXX có căn cứ để xác định tôi không có ý làm trái thì xin cho tôi có một phán quyết công bằng, để tôi có cơ hội được sống.

Tôi thấy vị chủ tọa dã điều hành phiên tòa một cách công bằng, mong HĐXX ra một phán quyết công bằng, để tôi và những người dân theo dõi phiên tòa này thấy được rằng công lý và lẽ phải cuối cùng đã được thực thi một cách trọn vẹn.

Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): Nếu biết sai, đưa đao vào cổ cũng không ký

Từ năm 15 tuổi, tôi đã rời Long An lên Sài Gòn làm thuê để đi học. Chúng tôi là những sinh viên tốt nghiệp Đại học những năm đầu sau giải phóng. Suốt 35 năm làm doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, lúc nào tôi cũng có nguyên tắc kiếm tiền nhưng phải lương thiện.

Vì tôi nghĩ vi phạm luật pháp, bị pháp luật trừng trị thì uy tín và tất cả mọi thứ đều mất hết. Suốt 30 năm, tôi luôn kiên trì theo cái đó. Cho đến ngày hôm nay, tôi đã phần nào đạt được nguyện vọng trở thành người cha gương mẫu, doanh nhân có đạo đức, được mọi người tôn trong. Nhưng không ngờ tuổi 60, cuối đời, tôi phải đứng trước vành móng ngựa, để trình bày trước HĐXX về tội cố ý làm trái.

Như tôi đã nhiều lần trình bày tại phiên tòa, chủ trương cấp hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, tôi và mọi người đều cho rằng nó không sai, không biết cái đó vi phạm pháp luật. Với ý thức chủ quan như thế, tôi mới ký. Còn nếu biết cái đó vi phạm pháp luật, không bao giờ tôi ký, dù rằng tôi bị đưa dao vào cổ tôi cũng không bao giờ ký…

Ngày 30-12-2010, tôi đã nạp đơn từ nhiệm thường trực HĐQT ACB để sang Eximbank. Sau khi từ nhiệm, tôi không có nhiệm vụ gì ở ACB,dù rằng tôi vẫn là thành viên Hội đồng tín dụng ở ACB không lương, nhưng vì tình cảm với ACB trong 18 năm, tôi hiểu nhiều thông tin khách hàng, anh em yêu cầu tôi ở lại giúp đỡ một thời gian.

Xin HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho tôi tại ACB, bởi trách nhiệm của tôi lúc đó là ký hai chủ trương đến 31-12-2010, trong thời gian đó chưa xảy ra bất cứ thiệt hại nào.

Cá nhân tôi không có bất cứ tư lợi nào. Tôi không dại gì mà làm bậy, làm sai.

Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): Ông Giá là một lãnh đạo có tâm

VKS nó rằng tôi theo lợi ích nhóm, nhóm lợi ích mà chúng tôi phục vụ là các hoạt động mang tính xã hội hằng năm, là cầu, là xây trường cho những người nghèo khó, là các cổ đông, các khách hàng tiền gửi… Ngoài ra, tôi không phục vụ nhóm lợi ích nào khác.

Có những người hỏi tôi, tôi theo phe ai, tôi đã trả lời: Trên nước VN này, trên thế giới này, không ai đủ tiền để mua linh hồn của tôi, cho nên tôi sẽ bán linh hồn của tôi cho đạo lý, cho lẽ phải trên đời này. Đúng thì tôi làm, sai thì tôi không làm.

Tôi đã cảm nhận được tôi bị bắt nhưng tôi không trốn tránh. Nếu tôi làm sai, tôi thà đi tù, sau đó sống đàng hoàng.

Truyền thống gia đình tôi, tôi không làm gì phương hại đến uy tín gia đình tôi.  

Ở đây, HĐXX cho tôi dành một phút thôi để nói về ông Trần Xuân Giá, vì tôi không biết phiên tòa xử ông Giá tôi có được dự hay không? Ông Giá khi về ACB đã từ chối một nơi mà lương cao gấp 3 lần ACB, mà chỉ việc ngồi chơi xơi nước, vì cái danh của ông thôi.

Ông đã nói với tôi, ông là một trong những người làm ra Luật Doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nay đến cuối đời ông đã đi trọn với Luật doanh nghiệp từ A đến Z. Ông đã nói với tôi, ông không có tham vọng chính trị gì ở ACB, tiền bạc ông không có nhu cầu vì ông đã già, nên đúng thì làm, sai thì thôi, hãy nhớ điều đó.

Hai chú cháu có lần nói chuyện rất khuya. Một con người có tâm như vậy, không bao giờ lại chỉ đạo cho người dưới quyền mình làm trái. Với một lãnh đạo như vậy, tôi không bao giờ nghĩ mình làm trái. Không những vậy, tôi không có động cơ, không tơ hào một xu nào, không có động cơ cố ý làm trái.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm