Miếu “Ông” Hoàng Sa

Thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ nằm thoi loi bên cửa Sa Kỳ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là nơi phát nguồn của Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa ở Quảng Ngãi. Ở đây có một ngôi miếu mà dân làng kính cẩn gọi là miếu Ông Hoàng Sa.

Vượt biển ra đảo lập nghiệp

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, người bỏ nhiều công sức nghiên cứu về đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi, cho hay: “Nhiều thế kỷ đi qua, tại thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ vẫn còn ba di tích của đội Hoàng Sa: Vườn Đồn - nơi lính Hoàng Sa đóng doanh trại. Đình làng An Vĩnh - nơi xuất hành và cũng là nơi trở về của lính Hoàng Sa. Đặc biệt nhất là miếu thờ thần Hoàng Sa - nơi các hùng binh làm lễ tế trước khi lên đường làm nhiệm vụ”.

Mưa xuân lay phay. Trên con đường nhỏ đi vòng qua mé biển ra miếu, cụ Nguyễn Hường, 86 tuổi, người được mệnh danh là pho sử của làng An Vĩnh, đưa tay khoát một vòng: “Xưa vùng dọc biển Sa Kỳ bao gồm xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và vùng Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), ngày nay được gọi là vùng Ba Làng An, gồm các xã An Vĩnh, An Hải và An Kỳ. Từ nơi này, bà con mà đông nhất là dân An Vĩnh, An Hải vượt biển ra đảo Lý Sơn lập nghiệp, biến đảo hoang thành làng mạc trù phú”.

Ra đảo, người dân lấy tên bản quán đem đặt tên cho nơi ở mới. Vậy nên ngoài đảo Lý Sơn mới có làng An Hải, An Vĩnh trực thuộc xã An Hải, An Vĩnh trong đất liền. Người dân ở ngoài đảo và trong đất liền đều được chọn để sung vào đội hùng binh đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa. Đến năm Gia Long thứ ba (1804), địa giới hành chính xã An Vĩnh, An Hải riêng biệt trên đảo Lý Sơn được hình thành. Cũng từ đó, triều Nguyễn chủ yếu lấy người dân ngoài đảo Lý Sơn sung vào đội hùng binh.

Miếu “Ông” Hoàng Sa ảnh 1

Hát bả trạo tức hò chèo thuyền nhằm tôn vinh công đức của cá Ông phù hộ độ trì cho ngư dân trên biển. Ảnh: VQC

Cụ Hường đưa tôi vào miếu Hoàng Sa có mặt hướng ra biển. Sau khi thắp nén hương trầm khói thơm thoang thoảng, cụ Hường cùng người bạn chài kéo chiếc lá cờ ngũ sắc ở gian chính điện, lộ ra mảng xương đầu màu trắng đục của một con cá voi lớn. Giọng của cụ trang nghiêm: “Người vùng biển miền Trung và cả miền Nam gọi Ông (cá voi) là ông Nam Hải, nhưng người làng mình gọi là Ông Hoàng Sa. Bởi nhiều thế kỷ trước, cha ông của chúng tôi - những hùng binh, theo lệnh vua truyền, đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa. Hồi đó phương tiện và trang bị quá thô sơ, chỉ là chiếc thuyền buồm, chiếu vua ban và thẻ bài bằng tre. Trong khi đó, bão tố rình rập nên “Mảng mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã vãn mà anh chưa về” (ca dao về lính Hoàng Sa). Nhiều chiếc thuyền của lính Hoàng Sa thuở ấy ra đi gặp sóng gió đã không trở lại. Dân làng và cả những vị đăng lính Hoàng Sa đều luôn nghĩ về Ông, mong được sự phù hộ độ trì.

Rước “Ông” từ Hoàng Sa

Rồi trong một chuyến hải trình mà theo sách sử là cách nay hơn ba thế kỷ, khi cập quần đảo Hoàng Sa, những hùng binh thấy Ông “lụy”. Với lòng thành kính, họ đã làm lễ rồi xin rước Ông về.

Nhưng Ông thì quá lớn mà thuyền buồm ghe nan lại nhỏ bé nên không thể rước được. Họ lại bàn bạc rồi cùng nhau cúng vái và xin rước phần đầu của Ông về khu vườn Đồn xã An Vĩnh. Chuyến trở về năm đó tưởng như sẽ khó khăn nhưng kỳ lạ thay, thuyền no gió thẳng hướng trở về đất liền. Bà con kính cẩn nghênh đón Ông rồi lập tức đóng góp tiền của, công sức lập miếu thờ và gọi đó là miếu thờ Ông Hoàng Sa (hay thần Hoàng Sa). Ngôi miếu trở thành một phần của đời sống tâm linh của người làng.

Tháng năm và chiến tranh, miếu xưa đổ nát, đến nửa đầu thế kỷ trước, dân làng An Vĩnh bèn góp tiền của xây miếu thờ mới (tức miếu thờ bây giờ) cách nơi thờ cũ non cây số để thờ Ông. Năm 2007, thông qua dự án Bảo tồn tôn tạo các di tích đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, miếu Ông Hoàng Sa được tôn tạo trở lại.

Những ngư dân trong vùng cho hay: Từ ngày xây miếu thờ, ngư dân thoát hiểm trước rất nhiều bão tố.

Miếu “Ông” Hoàng Sa ảnh 2

Một bộ xương cá voi trong đền thờ Hiển Linh Ngư của làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: minh quê

Cụ Trần Niên, cùng tuổi với cụ Hường, đưa tay chỉ vào vết sẹo lớn nơi bắp chân, xúc động: “Nửa đầu thế kỷ trước, vùng biển An Vĩnh cá nhiều vô kể. Theo hải lưu, cá mập đi thành đàn vào tận bờ nên dân chài làm lao, sắm lưới săn cá mập. Một buổi sớm, tui đứng trên ghe quan sát bầy cá thì bị trượt chân ngã xuống biển. Bầy cá dữ vội lao tới tấn công. Tui xoay người tránh né nhưng hàm của một con cá mập đã ngoạm vào bắp chân. Máu loang ra... Những người bạn chài vội phóng lao xuống biển ngăn bầy cá dữ. Trong cơn nguy khốn, bỗng cách chỗ bị bầy cá dữ tấn công chừng mười mét vọt lên cột nước cao. Biết Ông về, bầy cá mập thoáng chốc mất dạng...”.

Cụ Nguyễn Chuẩn giờ đã bước sang tuổi bát tuần cũng từng được Ông cứu trong một lần thuyền bị lốc xé toạc. Nhưng lạ nhất vẫn là trường hợp ông Nguyễn Mua (qua đời năm 2011). Ông Mua hoàn toàn không biết bơi. Cũng một lần ra khơi đánh cá, gặp bão biển, những người đi trên thuyền đều nằm lại biển khơi. Người nhà ông đã ra đảo Lý Sơn xin tạc hình nhân làm mộ gió. Nhưng rồi ông đột ngột trở về… Ra miếu thờ Ông Hoàng Sa thắp nhang xong, ông kể với mọi người: “Lúc con thuyền bể nát, tui rớt xuống biển, cầm chắc là hết đời. Nhưng rồi tui thấy chân mình cứ chạm một vật gì trơn trơn và người được đẩy lên khỏi mặt nước…”. Sau một đêm trên biển, ông Mua được Ông đưa vào sát bờ biển Tam Quan (Bình Định). Bà con địa phương đã cứu và giúp tiền để ông đón xe về Quảng Ngãi.

Lễ tục biển khơi

Đứng ở miếu Hoàng Sa nhìn về hướng đông nam thấy độc nhất một cây phong ba to hơn vài người ôm, quanh năm xanh tốt rậm rì. Bên trong là một cồn cát rộng. Mặc dù cồn nằm sát biển, năm nào thủy triều cũng ghé thăm nhưng chẳng cuốn ra biển tấc đất nào nên dân làng cho là đất thiêng, là nơi Ông “ngự”.

Sau những lần hải chiến với nhiều loài cá dữ, đã có nhiều Ông bơi vào “ lụy” ở phía trước cồn. Cứ mỗi lần như vậy, dân làng lại mang bàn lược làm bằng tre ra mé biển khiêng Ông về trước miếu làm lễ cúng bái. Tiếp đến, họ đào huyệt để táng Ông ở cồn cát linh thiêng đó với nghi lễ như con người. Sau ba năm lại làm lễ cúng xin bốc cốt đem thờ trong miếu Hoàng Sa.

Mỗi chuyến ra khơi, dân chài vào miếu Hoàng Sa thắp nhang khấn cầu, mong sự độ trì và cuối vụ đánh bắt lại bày lễ Hoàng Nguyện tạ ơn trời đất, tạ ơn Ông. Làng vui nhất là cứ đến ngày mùng ba tết, tất cả tề tựu về đình làng An Vĩnh. Những chàng trai quanh năm đối mặt với biển khơi mặt đen nhẻm mở nụ cười rạng rỡ. Họ cùng tham gia vật bò, mổ heo cho các mẹ, các chị làm cỗ. Những cô gái, người vợ từng âu lo, mắt dõi nhìn ra biển chờ người thân mỗi khi trời giông gió, giờ trong màu áo mới. Họ nói cười râm ran, đôi tay thoăn thoắt chế biến những món ăn và chẳng bao giờ họ quên chọn con cá thu hoặc cá ngừ thật lớn đem nướng rồi mang qua miếu Hoàng Sa để cúng Ông.

Sau khi cúng bái, tiệc tùng xong xuôi là dân làng cùng nhau hát bả trạo theo điệu hát hầu Ông. Hai tốp dân chài đầu chít khăn, tay cầm mái chèo, tay đỡ hai con thuyền làm bằng tre và giấy điều, một con có hình đầu rồng, một con có hình đầu phụng rồi hát, múa tái diễn cảnh thuyền ra khơi gặp sóng dữ, may nhờ Ông phù hộ nên vượt qua sóng cả để trở về cập bến bình yên.

Mỗi khi có Ông “lụy” thì cho dù có bận rộn đến mấy, dân làng sau khi chôn cất lại cũng tổ chức hát bả trạo theo điệu đưa linh. Nói đến đây, cụ Hường cất tiếng hò với giai điệu ngân dài: “Hò là…hò, linh đưa… linh”. Giọng hò khan khản, nằng nặng bàng bạc khắp vùng cửa biển.

Những tín ngưỡng, nghi lễ dân gian xuất phát từ việc đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa hay làm ăn trên biển tồn tại lâu đời nay đã thành lễ tục, thành nét văn hóa của ngư dân vùng biển Sa Kỳ cho dù bây giờ làng đã giàu lên, có tàu công suất lớn đủ sức vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển. Bà con ngư dân rày xuôi mai ngược có mặt ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc nhưng đầu xuân, cuối mùa biển lại trở về lo chuyện tế tự ở miếu Hoàng Sa.

Sau những nghi lễ cúng bái, hát bả trạo, các bậc cao niên của làng không bao giờ quên kể cho con cháu nghe câu chuyện về ông cha của mình đi làm nhiệm vụ và đã rước Ông về từ quần đảo Hoàng Sa.

Và cứ thế, câu chuyện cứ được kể theo đời tiếp nối đời. Quần đảo Hoàng Sa thật gần gũi, thật thiêng liêng đối với người dân trên miền quê An Vĩnh, nơi bốn mùa được ru bằng tiếng sóng lúc thì thầm, lúc gào thét. Còn gió biển, cơ man nào là gió cứ ào ạt thổi qua lồng lộng đất trời…

VÕ QUÝ CẦU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm