Một bác sĩ được WHO “ghi công”

Tháng 3-2010, trước tình hình dịch bệnh tay-chân-miệng (TCM) diễn biến phức tạp, gây tử vong hành loạt tại nhiều nước châu Á, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã mời nhiều chuyên gia đến hội ý và ban hành phác đồ điều trị TCM làm chuẩn chung. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, TP.HCM, là một trong những chuyên gia Việt Nam đóng góp tích cực vào phác đồ điều trị này. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh xung quanh việc xây dựng phác đồ điều trị TCM của WHO. BS Khanh nói:

Trước đây, năm 2003-2004, có lúc mỗi tuần có vài bé chết, không ai biết do đâu. Nhiều người không chấp nhận có con virus TCM. Khi đi làm vào bệnh viện thấy 2-3 ca bệnh nặng có khả năng tử vong, ai cũng nản. Lúc đó chúng tôi điều trị bằng kinh nghiệm của điều trị viêm não, nghi ngờ đến tác nhân mới và có khả năng cao là Enterovirus 71.

Gánh nặng của bệnh TCM

. Thưa bác sĩ, vì sao WHO lại mời các chuyên gia để họp bàn xây dựng phác đồ điều trị TCM?

+ Trước đến giờ, WHO không có làm phác đồ điều trị TCM vì TCM xảy ra nhẹ nên chỉ có hướng dẫn chung chung về phòng ngừa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã thấy được dịch bệnh TCM phát triển và có nhiều ca tử vong và nó trở thành gáng nặng cho nhiều nước. Thật ra từ năm 1997-1998, tại Đài Loan và Malaysia đã có bệnh TCM và có tử vong đáng báo động và sau năm 2005 đến nay nhiều nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) đã thấy gánh nặng của bệnh TCM.

Về nguyên tắc, khi dịch bệnh đã trở thành gánh nặng thì cần phải có trọng tài, đó là WHO khu vực. WHO khu vực đã mời các chuyên gia ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất hướng dẫn và đưa ra chuẩn để mọi nơi làm giống nhau. Ở Việt Nam cũng vậy thôi, một nơi viết và họp nhiều nơi để bàn. Do đó, lần một vào tháng 3-2010, WHO đã mời các chuyên gia họp chung ba nhóm lâm sàng, dịch tễ và xét nghiệm - giải phẫu bệnh tại Malaysia. Ngoài nước chủ nhà thì còn có Trung Quốc, Singapore, Nhật, Việt Nam…

Một bác sĩ được WHO “ghi công” ảnh 1

BS Trương Hữu Khanh đang khám bệnh cho bệnh nhi TCM. Ảnh: DUY TÍNH

Trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7-2010 của nhóm lâm sàng, ngoài tôi thì có một bác sĩ Malaysia, hai bác sĩ Đài Loan đưa ra hướng dẫn cuối cùng về lâm sàng. Bảng cuối cùng được phát hành vào tháng 5-2011 với tên gọi: Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng của cộng đồng đối với bệng TCM. Từ phác đồ của WHO, mỗi nước lấy ra và phát triển cho phù hợp với tình hình của nước mình.

. Ở các cuộc họp này, chuyên gia các nước nhận định dịch TCM đang diễn ra như thế nào?

+ Mọi người đều nhìn nhận giống nhau là gánh nặng, có thể gây dịch, gây tử vong, diễn tiến bệnh TCM đến tử vong rất nhanh. Đối với nhóm lâm sàng, mọi người thấy sự cần thiết triển khai phát hiện sớm. Từ đó đưa quan niệm chung trong điều trị là phải sử dụng gamaglobulin, phải đặt nội khí quản sớm, phải theo dõi sát.

Dấu ấn Việt Nam trong phác đồ của WHO

. Việt Nam đã đóng góp gì trong phác đồ này?

+ Ý tưởng về điều trị của các nước đều giống nhau nhưng về chi tiết thì khác nhau. Các nước khác chia bệnh TCM theo giai đoạn, còn chúng ta chia theo độ từ nhẹ đến nặng (1-4). Tuy nhiên, người ta cho bệnh nhân nhập viện sớm hơn mình. Ở họ, bệnh nhân chỉ cần sốt một ngày là nhập viện theo dõi, còn chúng ta nếu làm vậy sẽ không có chỗ nằm. Do đó WHO đề xuất Việt Nam viết cái sườn của phân độ vì Việt Nam đã có phác đồ quốc gia phân độ.

Các nước chia việc theo dõi bệnh TCM bằng các giai đoạn: Giai đoạn chưa tổn thương cơ quan, giai đoạn có ảnh hưởng thần kinh, giai đoạn có ảnh hưởng tim mạch… Chia kiểu này người dân rất khó hiểu, còn chia theo độ như chúng ta thì người dân hiểu liền, độ 1 sẽ nhẹ hơn 2, độ 3 sẽ nặng hơn độ 2… Chúng ta làm được điều này nhờ là năm 2008 đã làm phác đồ chi tiết.

. Qua kinh nghiệm của các nước, chúng ta rút ra được gì trong phác đồ triều trị TCM của mình?

+ Mình là nước tiếp cận TCM trễ hơn so với Đài Loan và Malaysia. Nhưng từ kinh nghiệm của họ, chúng tôi dần xây dựng phương pháp điều trị ngày càng hiệu quả. Chẳng hạn, từ nghiên cứu của Đài Loan và kinh nghiệm của họ, chúng ta ứng dụng được vấn đề là không xài thuốc vận mạch kinh điển (Dopamine, Adrenaline), nếu dùng tình trạng bệnh sẽ xấu hơn. Hồi xưa chúng ta cứ nghĩ chống sốc là dùng thuốc Dopamine.

Tại hội thảo vào tháng 7, các chuyên gia đã thảo luận kỹ hơn về chuyện khi nào đặt nội khí quản để kịp thời, không quá trễ. Trong lúc thảo luận bốn người công nhận mạch nhanh là nguy hiểm nhưng chúng ta nói 150 lần/phút là đe dọa, còn 170 lần/phút là nặng nhưng Đài Loan cho là 130 và 150 lần/phút. Ở chúng ta nếu làm như Đài Loan thì làm không xuể. Cuối cùng chúng tôi đưa ra cái tiêu chuẩn chung là 150-170 là nặng.

Một bác sĩ được WHO “ghi công” ảnh 2

Tình hình dịch bệnh TCM vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều trẻ mắc nặng phải nằm hồi sức theo dõi. Ảnh: DUY TÍNH

Tỉ lệ tử vong cao: Do chủng virus mới

. Từ phác đồ của WHO, Việt Nam mới xây dựng phác đồ riêng hay chúng ta xây dựng trước? Phác đồ của Việt Nam khác WHO chỗ nào?

+ Chúng ta đã có phác đồ điều trị từ trước nhưng từ hướng dẫn của WHO vùng Tây Thái Bình Dương, chúng ta điều chỉnh lại những gì phù hợp với mình, những gì có đủ chứng cớ y khoa thì chúng ta mạnh dạn dùng hay bỏ và sẽ dễ thuyết phục các đồng nghiệp hơn.

Tuy nhiên, trong điều trị các ca rất nặng chúng ta đã đưa phương pháp lọc máu vào mà trong phác đồ của WHO chưa nhắc đến. Về lý luận khoa học thì phương pháp này là hợp lý, trên thực tế với phương pháp này trẻ mắc TCM sẽ khó chết hơn. Điều này cũng làm ngạc nhiên đối với các chuyên gia nước khác nhưng muốn thuyết phục phải có một nghiên cứu khoa học sâu hơn.

. Phác đồ của WHO ban hành nhấn mạnh tầm quan trọng nhất của điều trị TCM là gì?

+ Đừng để bị sót chẩn đoán TCM. Đừng bỏ sót các dấu hiệu biến chứng của TCM. Phải theo dõi sát mạch huyết áp nếu bệnh TCM đã có biến chứng. Điều này chỉ thực hiện được khi phải huấn luyện và huấn luyện theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

. Chúng ta đã có kinh nghiệm và phác đồ điều trị từ năm 2008 nhưng vì sao đến nay bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp, tỉ lệ số ca tử vong vẫn cao thứ nhì thế giới, thưa bác sĩ?

+ Năm 2008, phác đồ điều trị TCM rất đơn giản và mang tính cục bộ chứ không phải nằm trong chương trình hành động quốc gia, chỉ có tại BV Nhi đồng 1 thì phác đồ được làm chuyên sâu hơn. Hơn nữa, việc phổ biến phác đồ, tập huấn hướng dẫn cũng cần có thời gian. Tại hội thảo với các chuyên gia, họ nhận định một đợt dịch có nhiều ca mắc và tử vong thường xảy ra khi có chủng virus mới so với virus hiện đang lưu hành. Năm nay, số ca mắc nhiều nên số ca tử vong cũng tăng cao. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm từ trước thì chắc chắn sẽ phải trả giá lớn hơn. Cũng như 7-8 năm trước, trẻ nhập viện rồi chết chúng ta có biết gì đâu!

. Xin cảm ơn bác sĩ.

DUY TÍNH thực hiện

Chưa có thuốc đặc trị

. Thưa ông, phải làm sao để hạn chế lây lan bệnh TCM và kéo giảm tỉ lệ tử vong?

+ Hiện bệnh chưa có thuốc phòng ngừa hữu hiệu, chủ yếu là vệ sinh trẻ và nhà cửa, vật dụng sạch sẽ. Muốn có kháng thể chống lại virus TCM thì phải tiếp xúc với virus TCM tự nhiên từ năm năm trở lên. Do đó, những trẻ dưới năm tuổi, đặc biệt là ba tuổi thì rất dễ mắc bệnh vì chưa có kháng thể. Trẻ năm tuổi thì chỉ có khoảng 50% em có kháng thể chống lại virus TCM. Phụ huynh cần phát hiện sớm, khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh phải đưa ngay trẻ vào bệnh viện để bác sĩ theo dõi sát và truyền gamaglobulin sớm. Gamaglobulin được chiết xuất từ máu người lớn, là kháng thể chống lại nhiều virus. Vấn đề điều trị không phải là diệt virus mà là giữ cho trẻ không chết, tránh cho não bị tổn thương. Đến ngày thứ 5-7, trẻ sẽ trở lại bình thường. Nhiều khi phản ứng của cơ thể trẻ chống lại virus cũng có thể làm trẻ chết.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, Việt Nam là nước có số ca TCM tử vong đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 40.000 ca mắc và 88 ca tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm