Một vụ chạy án xưa nay hiếm

Từ xưa tới nay, ở xứ người hay ở xứ ta, mỗi khi có việc phải đáo tụng đình, không ít người tìm mọi cách để có một phán quyết có lợi cho mình, bất chấp quyền lợi của mình có hợp pháp hay không. Cách thông thường là họ liên hệ với những người tiến hành tố tụng để những người này giúp cho họ toại nguyện. Vậy nên xưa nay, chạy án không phải là chuyện hiếm, mà là chuyện rất thường tình.

Vậy nhưng mới đây, đã có một vụ chạy án đáng được xếp vào hàng xưa nay hiếm.

Dám viết giấy biên nhận tiền

Vụ chạy án này được đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM những số tân niên xuân Canh Dần vào tháng 2-2010 vừa qua, với loạt bài Phát hiện vụ “chạy án” giá 60 triệu đồng. Vụ chạy án liên quan đến một điều tra viên và hai kiểm sát viên.

Vụ chạy án có giá 60 triệu đồng. Với số tiền này, hành vi phạm tội có khung hình phạt thấp nhất là 15 năm tù, chứng tỏ mức độ nguy hiểm của hành vi không phải là nhỏ. Trong thực tế, việc chạy án rất khó bị phát hiện và đưa ra xét xử nếu sự việc diễn ra trôi chảy. Khi bên chạy án và bên nhờ chạy án cùng đạt được mục đích của mình, họ chẳng dại gì tự gây thiệt hại cho mình bằng việc tố cáo nhau để cả hai cùng đi tù. Sự việc chỉ bắt đầu lùng nhùng, vỡ lở nếu chuyện chạy án diễn ra không đúng mong muốn của các bên. Bên chạy án có thể tố cáo bên nhận chạy án nếu họ không chịu hoàn trả những gì đã nhận. Nói là tố cáo, nhưng liệu có người nào trưng ra được bằng chứng thể hiện các bên đã giao nhận tiền chạy án?

Vậy mới nói, dám viết giấy biên nhận tiền chạy án như nội dung báo nêu quả thực là chuyện xưa nay hiếm. Sau khi ra giá, người nhận chạy án viết rõ số tiền đã nhận, lại còn nói rõ số tiền còn lại mà bên kia phải đưa ngay khi được thả để không bị khởi tố và đưa ra xử lý hình sự.

Cứ chạy án dù 100% sẽ “lòi” tội

Nếu chưa đọc loạt bài này trên báo Pháp Luật TP.HCM, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ trong đầu rằng người nhận chạy án chắc chắn là một nhân vật có... tầm cỡ. Người nhận chạy án chắc phải có thẩm quyền quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố hoặc không khởi tố bị can. Được vậy, họ mới cả gan bảo đảm kết quả chạy án bằng cách viết giấy biên nhận tiền mà không sợ bị phát hiện vì chắc chắn mình có thể thực hiện trót lọt vụ chạy án.

Một vụ chạy án xưa nay hiếm ảnh 1

Leg: Bao giờ hết nạn “chạy án”? Ảnh minh họa: THÙY DUNG

Thế nhưng không. Người nhận chạy án trong vụ này chỉ là một điều tra viên. Anh là thượng sĩ thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận và không phải là người được phân công trực tiếp thụ lý vụ án. Theo luật định, một điều tra viên chỉ có thể đề xuất chứ không có quyền quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Hơn nữa, người phạm tội trộm cắp này thuộc trường hợp bị bắt quả tang, là đối tượng của một đường dây trộm cắp chuyên nghiệp có nhiều đồng phạm. Một vụ án như vậy thì không thể không khởi tố.

Người nhận tiền chạy án biết rõ mình không thể chạy án được, nhưng vẫn chủ động liên hệ, ra giá chạy án là việc mà xưa nay hiếm có ai dám làm.

Những con người xưa nay hiếm

Hai kiểm sát viên xuất hiện trong vụ chạy án cũng “xứng đáng” được liệt vào hạng... con người xưa nay hiếm. Hai kiểm sát viên này chỉ có quyền đề xuất chứ không có quyền quyết định khởi tố hay không khởi tố bị can. Thế mà họ dám chia nhau tiền chạy án, lại còn nhận tới 25 triệu đồng trong tổng số 30 triệu đồng, tức nhận nhiều hơn người trực tiếp ký giấy biên nhận chạy án tới năm lần.

Việc chạy án bị phát hiện ngày 7-2-2010 và đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 19-2-2010. Đến ngày 22-2-2010 (tức 15 ngày sau khi sự việc xảy ra), viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận nơi hai kiểm sát viên nhận tiền chạy án công tác, lại tỏ ra hết sức bất ngờ. Tiếp nhận thông tin thuộc cấp của mình nhận tiền chạy án, vị này cho biết sẽ đình chỉ công tác hai kiểm sát viên chạy án. Trong khi báo chí và công luận bàn ra tán vào trước đó khá lâu, thì thái độ bất ngờ của người đứng đầu cơ quan và phản ứng của cơ quan trước việc chạy án cũng đáng được liệt vào dạng xưa nay hiếm.

Chuyện hiếm là chuyện ít xảy ra. Trong một vụ chạy án mà có đến bốn cái hiếm thì e là đã quá nhiều. Ở đời, cái gì quá nhiều thì lại trở thành bình thường, không còn gì gọi là hiếm nữa. Từ việc đánh giá nhiều cái hiếm xảy ra cùng lúc, người ta lại liên tưởng đến một hiện tượng gì đó mắc mứu đến khó tin.

Vụ án mười mươi là không thể lọt mà gợi ý chạy, không có thẩm quyền mà dám bảo đảm kết quả chạy án, nhận tiền chạy án rồi dám ký giấy biên nhận... Nhiều chuyện hiếm trong cùng một vụ án khiến tôi cứ vấn vương mãi một câu hỏi: Sao cán bộ của ta ngày nay lại cả gan đến vậy?

Ngày 1-2, Mạc Văn Tuấn bị bắt quả tang cùng tang vật trộm cắp tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Thấy vợ Tuấn đến trại giam gửi đồ thăm nuôi chồng, Thượng sĩ N.T.A. thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận gợi ý giúp cho Tuấn được thả.

Hai bên thỏa thuận chạy án với giá 60 triệu đồng, đưa tiền làm hai lần. Ngày 6-2, N.T.A. nhận 30 triệu đồng từ vợ Tuấn và viết... giấy biên nhận.

Trưa ngày 7-2, N.T.A. báo cho vợ Tuấn biết Tuấn sẽ được thả lúc 16 giờ cùng ngày, đồng thời yêu cầu vợ Tuấn đưa nốt số tiền còn lại. Khi đến điểm hẹn nhận tiền, N.T.A cùng kiểm sát viên P. bị phát hiện. Qua khai thác, C14B phát hiện thêm kiểm sát viên T. cũng dính lứu đến vụ chạy án này. Ba người đã chia nhau số tiền 30 triệu đồng mà vợ Tuấn đưa trước đó. Kiểm sát viên T. được chia 20 triệu đồng, N.T.A. và kiểm sát viên P. mỗi người 5 triệu đồng. Những người này đã giao nộp tiền. N.T.A. bị tước quân tịch, còn hai cán bộ kiểm sát chạy án bị đình chỉ công tác. 

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 3-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm