Nên cho phép tòa linh hoạt?

Sau khi phản ánh vụ việc xảy ra tại TAND quận 12 (TP.HCM), chúng tôi đã nhận được nhiều luồng dư luận khác nhau. Cũng có những chuyên gia, đặc biệt là các thẩm phán tỏ ra thông cảm, cho rằng đây là cách tòa linh hoạt để tránh phải thụ lý, giải quyết các tranh chấp có giá trị quá nhỏ, nếu không sẽ làm tất cả các bên đều mệt mỏi...

Không đảm bảo khách quan?

Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) khẳng định: “Đây là một cách làm sai luật. Tòa là cơ quan thực thi pháp luật nên không thể lấy mục đích để biện hộ cho cách làm sai luật của mình. Làm như vậy, tòa không còn là cơ quan đóng vai trò như trọng tài nữa mà có cảm giác đang “bênh” một bên đương sự. Người dân sẽ đặt câu hỏi là trong quan hệ tranh chấp khác thì tòa có dùng cách này để giải quyết hay không? Hay thích thì làm, không thích thì thụ lý”.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Hải Vân (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Á, TP.HCM) cũng cho rằng việc này không chỉ trái luật mà còn tạo ra sự thiếu khách quan, tùy tiện, tạo điều kiện cho đương sự bức xúc, nghi ngờ rằng tòa “giúp” nhà mạng thu hồi nợ mà không thông qua hoạt động tố tụng chính thức.

Luật sư Vân ví von: “Nó cũng giống hiện tượng một số người “mượn tay” công an để đòi nợ. Nhiều con nợ bị công an gọi lên trụ sở dọa sẽ khởi tố để gây áp lực giúp chủ nợ đòi tiền. Trong khi việc làm này luật không cho phép vì nó hoàn toàn là quan hệ dân sự thông thường”.

Nên cho phép tòa linh hoạt? ảnh 1

Hiệu quả với tranh chấp nhỏ, đơn giản?

TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng cách làm của TAND quận 12 không đúng quy định hiện hành. “Tuy nhiên, nếu bình tĩnh để nhìn nhận thấu đáo vấn đề thì đây là một cách làm hay, cần được ghi nhận để giải quyết những tranh chấp dân sự nhỏ lẻ, lặt vặt, đơn giản” - TS Tiến nói.

Theo TS Tiến, việc nợ cước ĐTDĐ xảy ra khá phổ biến. Nếu một năm trong một quận có khoảng vài trăm người nợ cước mà vụ nào nhà mạng cũng kiện, tòa cũng thụ lý giải quyết thì rất mệt. Trong khi giá trị tranh chấp nhỏ, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng, chứng cứ khởi kiện rõ ràng, tình tiết vụ kiện đơn giản thì nên có cơ chế để tòa linh hoạt giải quyết như trên.

“Nếu máy móc đánh giá thì việc mời người bị kiện lên khi chưa thụ lý vụ án để tạo điều kiện cho nhà mạng đòi nợ cước là thiếu khách quan. Nhưng thực tế hiệu quả của việc này lại tốt cho cả ba bên: Tòa không phải vận hành cả một bộ máy để xét xử từng vụ, đỡ tốn thời gian, tiền bạc, công sức, còn phía đi kiện và phía bị kiện không phải vất vả lên xuống tòa nhiều lần”. Từ đó, TS Tiến cho rằng xuất phát từ nhu cầu thực tế, cách làm của TAND quận 12 có thể chấp nhận được. Đây có thể là tiền đề để các nhà làm luật nghiên cứu, ban hành một cơ chế “tiền tố tụng” trong việc giải quyết án dân sự.

Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cũng đồng tình là nếu tòa giải quyết các tranh chấp nhỏ, đơn giản như đòi nợ cước ĐTDĐ theo trình tự, thủ tục thông thường sẽ rất tốn kém, lãng phí.

“Thực tế cho thấy những vụ công ty điện lực, công ty nước, nhà mạng kiện đòi tiền khách hàng ngày càng gia tăng. Nếu cho phép thẩm phán mời hai bên đến thương lượng trước khi thụ lý vụ án có khi lại giải quyết được rắc rối, trong khi nếu đưa ra xử lại rất phức tạp. Do đó cần linh hoạt áp dụng hình thức này như một biện pháp nghiệp vụ của thẩm phán trước khi thụ lý vụ án. Dù không đúng quy trình nhưng có lợi và có lý thì nên ghi nhận để sửa luật” - luật sư Phong nói.

Biện pháp cần thiết

Khi giải quyết một số tranh chấp đất đai đơn giản, một số tòa từng phải viết giấy mời phía bị kiện lên gặp trước khi thụ lý. Chẳng hạn, khi thấy trong hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn có vài chi tiết chưa đầy đủ như thông tin về nơi thường trú, tạm trú hay thiếu tài liệu mà chỉ bị đơn mới có... Nếu không mời bị đơn lên xác định rõ nhằm có cơ sở thụ lý vụ án thì không xong vì sau khi thụ lý, rất có thể vụ án sẽ phải đình chỉ chỉ với lý do không xác định được địa chỉ bị đơn. Đây là biện pháp nghiệp vụ cần thiết, giúp thẩm phán xác định rõ thẩm quyền và cơ sở giải quyết tranh chấp.

Một thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước

Xử án đơn giản qua mạng

Trong chuyến công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Canada mới đây, chúng tôi được biết từ nhiều năm qua, các cơ quan tư pháp Canada rất “nhức đầu” với những vụ án lặt vặt, chứng cứ rõ ràng, giá trị tranh chấp nhỏ mà tòa vẫn phải mở phiên xử. Do đó, Canada sắp áp dụng mô hình xử án đơn giản qua mạng Internet. Từ việc nộp đơn kiện, cung cấp chứng cứ, lấy lời khai đến hòa giải, xét xử đều thể hiện trên mạng. Các đương sự không phải đến tòa, tòa cũng không phải mở phiên xử mà tranh chấp giữa các bên vẫn được giải quyết.

Luật sư Nguyễn Thế Phong,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm