Ngày xuân trên trang sách

Tục viết câu đối, cho chữ ngày xuân của tiền nhân nhắc nhở cháu con rằng sự sung túc không chỉ thể hiện ở cái ăn, cái mặc mà còn ở chữ nghĩa, sự hiểu biết, cảm thụ cái đẹp. Thời hiện tại, trong đời sống đô thị, con người đủ đầy hơn về vật chất nhưng đổi lại, mọi thứ chóng vánh hơn, con người dễ bị nhấn chìm vào hư vô hơn. Tận cùng của cuộc đeo đuổi vật chất luôn rập rình nguy cơ hoang trống nội tâm. Những ngày cuối năm se lạnh, phố phường thưa thớt hơn, tạm gạt khỏi tâm trí những ngổn ngang thường nhật, đi bộ qua những góc phố, lại thấy xao xuyến trước hình ảnh những ông đồ thời nay ngồi mài mực tặng chữ cho khách qua đường. Một hình ảnh làm khai thông trở lại cái dòng chảy văn hoá truyền thống tốt đẹp. Chữ tết xưa là mực tàu câu đối. Chữ tết nay là những trang sách.

Cứ đến những ngày giáp tết, khi các chuyến xe về quê trở nên quá tải, các con đường thành phố vắng vẻ dần, bạn bè gọi điện vẫn hỏi thăm nhau: tết nay đi đâu? Tết là đi. Dường như, khác với người già với quá nhiều nghi thức tập tục ràng buộc, chúng tôi, bị coi là đám trẻ ích kỷ, cứ nghĩ tết là dịp để được xê dịch. Nhưng vài năm gần đây, đôi khi giật mình nghĩ rằng có lẽ lứa bạn bè mình đã già (dĩ nhiên mình cũng thế), khi hỏi tết nay đi đâu, lại nhận được câu trả lời lạ lùng: nằm nhà đóng cửa đọc sách.

Hẳn đã có một sự thay đổi nào đó trong “hormon văn hoá” của tuổi trẻ. Nhưng cũng có lý khi nghĩ rằng, khi những cuộc đi bất bạt đã cho chúng tôi những trải nghiệm đẹp, mới lạ, những dấn thân trên các dặm đường xa đã giúp cho chúng tôi biết bao “sàng khôn”, sau những cuộc chơi rộn ràng khám phá thiên nhiên thì chúng tôi trở về vẫn với tâm thức hoang trống của những người trẻ cô đơn trong một thời kỳ đầy xáo trộn các giá trị. Chúng tôi dừng lại, bình thản đi tìm hệ giá trị sống cho mình. Và người bạn lúc này, luôn có mặt, đó là những trang sách. Lắng đọng với sách vẫn là một cuộc đi không kém hấp dẫn với nhiều bạn bè lúc này.

Ngày xuân trên trang sách ảnh 1

Có dịp nào tốt hơn những ngày nghỉ tết để mua sách, đọc sách, ngẫm ngợi cùng sách. Ảnh: NV

Ngày tết, những người trẻ tuổi hẹn nhau ở những nhà sách trong thành phố để chọn những cuốn sách hay mà gần 365 ngày qua, với áp lực, guồng quay công việc, có thể bỏ sót. Nhiều người lục lại mớ sách mua trong năm, vì không bảo toàn trọn vẹn quỹ thời gian đọc, có những cuốn hãy còn gấp nếp trang dang dở, để đọc trọn vẹn. Có người ghi chằng chịt trong cuốn sổ tay hàng chục tựa sách mà trong năm, ngày nọ nối ngày kia với những lịch họp hành, công việc bất tận, không đủ can đảm đến nhà sách rước sách về, lo không thu xếp được giờ đọc, lại đắc tội với sách…

Có nhiều lý do để gần gũi với sách trong thời gian ngắn ngủi của dịp nghỉ tết. Căn bản nhất, đây là quãng thời gian tâm trí được phép an nhàn buông xả hết mọi bận rộn ồn ào để cân bằng nội tâm.

Trong vài khảo sát gần đây của giới phát hành tại Sài Gòn, tết là mùa cao điểm để bán sách. Độc giả dành thì giờ nghỉ tết để rủ nhau đi nhà sách ngày càng đông. Đáng mừng hơn, xu hướng chọn quà là những cuốn sách hay, bộ sách quý (thay vì rượu bia, bánh trái hay bao lì xì) để tặng người thân, con em trong dịp tết đã rất phổ biến. Chúng ta cũng đã chọn ngày đọc sách và bản quyền thế giới (23.4) hàng năm làm ngày tết đọc sách và được người dân nhiều địa phương hưởng ứng. Tết năm ngoái, nhiều người ưu tư về văn hoá đọc đã xúc động trước quang cảnh hội sách không bị lạc lõng bên đường hoa Nguyễn Huệ. Một nhà báo đã nói với tôi rằng, không lo vắng bóng người đọc, mà đáng lo là trong cơ chế và khả năng còn bị giới hạn của mình, ngành xuất bản đang thiếu những nhà xuất bản có quy mô để sách được đến với công chúng có tính hệ thống, chất lượng, ngành phát hành đang thiếu những chiến lược mới để có giá cả phù hợp hơn cho bạn đọc nhằm khơi dòng văn hoá đọc mạnh mẽ.

Sách là một kháng thể để người ta sống với lương tâm trong sáng, nội tâm khoẻ mạnh; để được sống là mình.

Cụ Vương Hồng Sển, một cuộc đời sống với sách, trong di cảo Cuốn sách và tôi có viết một ý thấm thía: “Sách là bạn tốt không biết chữ bạc tình”. Sách không bạc tình với người, thì người cũng không có lý gì chìm đắm trong những thứ son phấn thời thượng, bỏ rơi sách. Tiền nhân xưa thông thái khi nhận ra, người ta không có lý gì để khước từ sự giàu có, bền vững mà chữ nghĩa, sách vở mang lại cho mình.

Một năm thuận lợi, có lẽ sẽ bắt đầu từ sự sảng khoái, tinh thần sáng sủa mà những trang sách ngày tết mang lại.

Nguyễn Vĩnh Nguyên/ SGTT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm