Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 1: Điệp khúc “trồng, chặt”

LTS: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 360.000 ha cây ăn trái với nhiều loại đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi Năm Roi, quýt hồng Lai Vung… Nhưng ngoài nghịch lý “được mùa thì rớt giá”, nhà vườn vẫn mãi loay hoay, “tự bơi” trong việc chọn loại cây trồng, nơi tiêu thụ… nên họ thua từ “sân nhà” thua ra “sân khách”.

Gặp ông Tư Minh, một chủ vườn quen biết ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, Tiền Giang), tôi hỏi 5.000 m2 vườn trồng mận An Phước của ông giờ ra sao rồi. Tư Minh rầu rầu: “Tui đang muốn đốn bỏ mà tiếc đứt ruột đây!”.

Thiếu nguồn tiêu thụ ổn định

Năm 2008, nhà vườn các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… lên “cơn sốt” trồng mận An Phước. Ông Tư Minh cũng “sốt” theo vì cái giá bán cao ngất ngưởng: 15.000-20.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái cũng mua tất. Ông cương quyết đốn bỏ vườn bưởi lông Cổ Cò đang cho thu hoạch, vét tiền nhà, vay thêm vốn ngân hàng mua mấy trăm cây mận An Phước về trồng. Hồi đó, khi tôi nhắc: “Coi chừng dội chợ, rớt giá như mận xanh Lương Hòa Lạc, mận trắng sữa Hòa Hưng… nghe anh Tư”, ông Tư Minh trề môi nói: “Tui làm vườn mấy chục năm chưa thấy giống mận nào độc đáo như giống này. Chú em chờ coi, vài năm nữa là tui giàu to”. Vậy mà mới thu hoạch được một mùa, ông Tư Minh đã lăm le… đốn bỏ vườn mận. “Trời đất ơi, lúc vô mùa thu hoạch rộ có khi bán xô chưa được 2.000 đồng/kg, trong khi công chăm sóc, phân bón, công hái trái đã tốn khoảng 5.000 đồng/kg. Nhiều lúc tui để mận tha hồ rụng hoặc cho con nít trong xóm hái ăn xả láng” - ông Tư Minh than.

Nhà vườn ĐBSCL đến nay vẫn chưa ai quên được bài học cay đắng từ cây nhãn. Hồi thập niên 1990, cây long nhãn tràn ngập miền Tây, diện tích có lúc lên đến hơn 100.000 ha. Nhiều cù lao trên sông Tiền như Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang), Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long), An Nhơn (Châu Thành, Đồng Tháp) nổi danh với tên gọi “cù lao long nhãn”. Ông Út Hiện (Phạm Hữu Hiện, nhà vườn ba đời trồng nhãn ở cù lao An Nhơn) nhớ lại: “Chỉ vài năm, khi cây long nhãn xuất hiện đều khắp các tỉnh ĐBSCL thì giá bán có lúc chưa tới 500 đồng/kg. Lúc đó nhãn tiêu da bò giá hơn 10.000 đồng/kg nên người ta lại ùn ùn chặt nhãn long, trồng nhãn tiêu da bò. Rồi cũng chỉ được vài năm, nhãn tiêu da bò lại rớt giá, thêm bệnh chổi rồng hoành hành, bây giờ nhà vườn đang ào ào phá vườn nhãn tiêu trồng nhãn Ido, một giống nhãn rất mới”.

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 1: Điệp khúc “trồng, chặt” ảnh 1

Mận An Phước, rớt giá thê thảm sau khi nhà vườn ĐBSCL ồ ạt trồng. Ảnh: HÙNG ANH

Điệp khúc “trồng, chặt” của nhà vườn ĐBSCL không phải là chuyện mới nhưng tồn tại dai dẳng đến mức người ta ví là một “căn bệnh nan y”. Ông Út Hiện lý giải: Nhà vườn luôn nghe ngóng xem trái cây nào đang có giá là họ sẵn sàng lao theo với suy nghĩ “ai nhanh hơn thì thắng”. Thực tế chứng minh chỉ một số ít người nhanh tay là thắng, nhờ bán trái, bán cây giống, còn đa phần những người theo sau lại thua trắng. “Nhà vườn phải tự “bơi”, tự quyết định trồng cây gì, bán cho ai… nên cứ mãi trồng, chặt là vậy” - ông Hiện nói.

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nói hiện nay nhà vườn không thiếu cây giống tốt, kỹ thuật canh tác cũng không thua kém ai. “Nhưng nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái chạy theo phong trào, chưa gắn với nhu cầu ổn định, lâu dài của thị trường và chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là một căn bệnh nan giải. Các nhà khoa học và ngành nông nghiệp các tỉnh vẫn không thuyết phục được nhà vườn trồng cây theo quy hoạch vì không đảm bảo được nguồn tiêu thụ ổn định, lâu dài” - TS Châu nói.

Hào hứng với xuất khẩu

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, khoảng 85% sản lượng trái cây của ĐBSCL được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Tuy chỉ có khoảng 15% sản lượng trái cây được xuất khẩu nhưng các nhà khoa học về cây ăn trái, ngành nông nghiệp các tỉnh vẫn hào hứng với xuất khẩu trái cây tươi. PGS-TS Nguyễn Minh Châu nhìn nhận cản ngại lớn nhất của xuất khẩu trái cây tươi nhiều năm qua là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều. Ông đề xuất các tỉnh không nên phát triển nhiều loại trái mà cần chọn một hoặc hai loại có thế mạnh để đầu tư đúng mức, tạo ra những vùng chuyên canh hàng hóa lớn mới chủ động được xuất khẩu quanh năm.

Hiện tại, một “phong trào” quy hoạch vùng chuyên canh đã được ngành nông nghiệp các tỉnh ồ ạt thực hiện. Tại Tiền Giang, nơi có hơn 67.000 ha cây ăn trái, ngành nông nghiệp xác định được bảy loài cây chủ lực để phát triển xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm (dứa) Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công. Tại Vĩnh Long, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết diện tích cây ăn trái của tỉnh hơn 44.800 ha. Còn Vĩnh Long sẽ phát triển diện tích cây ăn trái lên 55.000 ha vào năm 2015, trong đó ưu tiên quy hoạch phát triển bốn loài cây chủ lực là bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn và chôm chôm. Cần Thơ hiện có 17.360 ha vườn trồng cam, quýt, chanh, bưởi, vú sữa, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, dâu Hạ Châu, chuối…

Song song với phát triển vùng chuyên canh, các tỉnh còn đua nhau xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn về địa lý, tiêu chuẩn chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trái cây tươi. Tiền Giang có vú sữa đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, khóm đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P; Bến Tre có bưởi da xanh Viet G.A.P, chôm chôm Global G.A.P, Vĩnh Long có bưởi Năm Roi Eurep G.A.P; Đồng Tháp đang thực hiện tiêu chuẩn Viet G.A.P trên vườn xoài Cát Chu ở huyện Cao Lãnh.

Các nhà khoa học và ngành nông nghiệp các tỉnh hô hào nhà vườn thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu trái cây được giá cao hơn tiêu thụ nội địa nhưng thực tế... không phải muốn là được.

Thua ngay trên "sân nhà"

Ông Nguyễn Văn Mách ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) - vùng trồng quýt hồng duy nhất ở ĐBSCL với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng hơn 40.000 tấn/năm than thở: “Trái quýt hồng Lai Vung to, màu sắc bắt mắt, hương vị ngon lành, bán chỉ có 11.000-12.000 đồng/kg mà người ta không thèm mua, thiên hạ cứ chọn mua quýt Trung Quốc trái nhỏ xíu, chua lè”.

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 1: Điệp khúc “trồng, chặt” ảnh 2

Trái cây ngoại tràn ngập các chợ ở TP Mỹ Tho. Ảnh: HÙNG ANH

Không riêng gì quýt Lai Vung mà sầu riêng, măng cụt, bòn bon… của xứ vườn Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) cũng chịu không nổi trước sức tấn công của trái cây cùng loại từ Thái Lan. Đi qua các “thủ phủ trái cây” nổi tiếng ở miền Tây như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, chưa khi nào người ta thấy trái cây Thái Lan đổ đống bán trên vỉa hè nhưng trái cây miền Tây thì đổ xá bán hằng hà. Chị Hồng, chủ một sạp trái cây ở chợ Mỹ Tho, cho biết: “Bòn bon, măng cụt của Thái Lan giá cao hơn hàng Cái Mơn 5.000-10.000 đồng/kg nhưng người ta vẫn chọn mua vì hạt nhỏ, ngọt, màu sắc bắt mắt, không bị xì mủ”.

HÙNG ANH

(Còn nữa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm