Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 3: Giấc mơ “cường quốc trái cây”

PGS-TS Nguyễn Minh Châu nhiều lần khẳng định xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, Ri-6, thanh long Chợ Gạo… của ĐBSCL chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Nhưng dù chất lượng ngon vẫn không thể đẩy mạnh xuất khẩu được do diện tích trồng manh mún, sản lượng không đảm bảo cung cấp quanh năm.

Xuất khẩu: Cung không đủ cầu

Một cán bộ của HTX xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang) nhìn nhận hiện nay trái xoài đặc sản này dù đã có tiêu chuẩn G.A.P nhưng số lượng xuất khẩu chẳng thấm vào đâu. Cả vùng chuyên canh rộng hơn 540 ha nhưng mỗi năm chỉ xuất khẩu được khoảng 100 tấn trái. “Mỗi lần nghe các doanh nghiệp nước ngoài đề nghị cung cấp xoài lâu dài với số lượng lớn thì cả HTX ai cũng e ngại, lắc đầu từ chối vì không thể tìm ra đủ số lượng hàng cung ứng theo yêu cầu” - vị cán bộ nói.

Tương tự, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX sản xuất thanh long Quơn Long (Chợ Gạo, Tiền Giang), cho biết HTX không đủ sức cung cấp trái thanh long đạt tiêu chuẩn G.A.P với số lượng lớn theo đơn đặt hàng xuất khẩu. Theo ông Ửng, dù vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo rộng hơn 2.000 ha, sản lượng hàng chục ngàn tấn/năm nhưng vẫn không cung ứng đủ nguồn hàng xuất khẩu.

Với trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng không hơn. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX sản xuất vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang), cho biết hiện nay diện tích canh tác và sản lượng trái đạt tiêu chuẩn Global G.A.P quá ít so với nhu cầu của khách hàng. HTX đang tiếp tục vận động nhà vườn áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global G.A.P trên diện rộng để tăng sản lượng trái xuất khẩu, bởi hiện nay tổng diện tích vú sữa Lò Rèn hơn 2.500 ha với sản lượng hơn 30.000 tấn trái/năm nhưng chỉ có chưa đến 100 ha áp dụng Global G.A.P.

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 3: Giấc mơ “cường quốc trái cây” ảnh 1

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được đóng hộp để xuất khẩu. Ảnh: dddn.com.vn

Một cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết vú sữa Lò Rèn và thanh long Chợ Gạo là hai loại trái cây thường được đưa sang châu Âu, châu Á… giới thiệu để tìm cơ hội xuất khẩu. Nhưng rất nhiều lần nhà nhập khẩu nước ngoài đề nghị ký hợp đồng dài hạn với số lượng lớn thì nhà cung cấp ngậm ngùi từ chối vì… sợ không đủ sản lượng đáp ứng, chưa kể tỉ lệ trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rất ít.

Đừng để mạnh ai nấy làm

“Còn sản xuất nhỏ lẻ, trồng tạp nhiều loài trong cùng một vườn, nhà vườn còn chưa liên kết với nhau, còn bán tại vườn, còn đóng gói lạc hậu và đất nước còn tiếp thị chưa đủ thì không thể nghĩ đến việc xuất khẩu trái cây nhiều như Thái Lan, Trung Quốc được” - PGS-TS Nguyễn Minh Châu khẳng định.

Theo TS Châu, trong năm 2011 nhiều loại trái cây như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi đã vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, châu Âu và bán được giá cao nhưng số lượng rất hạn chế. Hồi đầu năm, các nhà vườn rất hào hứng khi dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh nông nghiệp” được Ngân hàng Thế giới cho vay vốn để xây dựng các liên minh sản xuất và tiêu thụ lúa và cây ăn trái ở các tỉnh ĐBSCL. Dự kiến sẽ có khoảng 35 nhóm liên minh sản xuất và tiêu thụ ở 22 huyện. Dự án này tập trung cho những cây ăn trái có diện tích lớn và giá trị cao như xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm để xây dựng mới và mở rộng diện tích quy mô khoảng 100 ha/mô hình sản xuất Global G.A.P. Dự báo khi dự án kết thúc vào năm 2013 thì khả năng cạnh tranh của cây ăn trái ĐBSCL sẽ khả quan hơn.

Nhưng đến đầu năm 2012, PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho biết dự án này vẫn còn… nằm trên giấy.

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 3: Giấc mơ “cường quốc trái cây” ảnh 2

 Khách nước ngoài tại gian hàng hội chợ trái cây. Ảnh: Internet

Nghịch lý trái cây miền Tây - Bài 3: Giấc mơ “cường quốc trái cây” ảnh 3

Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, trái cây Việt Nam chỉ tiêu thụ quanh quẩn trong “ao nhà”. Ảnh: Internet

Theo ông Châu, muốn phát triển cây ăn trái ở ĐBSCL chỉ có hai giải pháp chính: Xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn để có đủ hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P, Viet G.AP để có sản phẩm sạch, môi trường canh tác trong lành.

Tuy nhiên, TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho rằng rất khó để buộc nhà vườn trong một ấp, một xã trồng cùng một loại cây ăn trái, áp dụng cùng một quy trình sản xuất bởi sự chênh lệch về diện tích, trình độ canh tác, tiềm lực đầu tư… “Nhưng nếu vận động nhà vườn xây dựng được vùng chuyên canh tập trung, áp dụng Global G.A.P, Viet G.A.P nhưng không giải quyết được nguồn tiêu thụ, người dân bán sản phẩm không được hoặc phải bán với giá thông thường thì… rất khó ăn khó nói với dân. Cần nhớ rằng hiện nay thị trường tiêu thụ trái cây đang rất khó khăn, chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giúp nhà vườn tiêu thụ trái cây ổn định, lâu dài” - ông Hải nói.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho rằng việc xóa canh tác nhỏ lẻ, vườn cây manh mún không khó, lâu nay không làm được vì UBND các tỉnh không muốn làm. “Chỉ cần Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình điểm có diện tích lớn, có tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn tiêu thụ ổn định với giá cả hợp lý thì sẽ kích thích những nhà vườn khác tham gia. Khi thực hiện những mô hình này, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho nhà vườn, vì tự thân họ không thể làm được, ví dụ việc thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Viet G.A.P, Global G.A.P rất tốn kém. Lâu nay chúng tôi đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng các tỉnh không làm, họ chỉ tập trung cho lúa và thủy sản, cây ăn trái họ không quan tâm”.

Theo ông Châu, do chẳng có ai chịu trách nhiệm trong việc khuyến khích nhà vườn thực hiện Viet G.A.P, Global G.A.P, khi họ thực hiện rồi thì lại bỏ mặc họ tự tìm nơi tiêu thụ sản phẩm hoặc phải bán với giá chợ… đã khiến họ nản lòng. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế vườn ĐBSCL không phát triển đúng tiềm lực vốn có.

Nhà nước phải hỗ trợ nhà vườn

Trong một hội thảo quốc tế về cây ăn trái ở ĐBSCL, ông Huang Guodi (Viện Nghiên cứu cây trồng bán nhiệt đới Guangxi - Trung Quốc) cho biết Trung Quốc hiện có 10 triệu ha cây ăn trái với sản lượng hơn 105 triệu tấn, chiếm 20% tổng sản lượng trái cây toàn cầu. Theo ông Huang Guodi, để có được điều này, từ năm 1949 Trung Quốc đã đầu tư cho trái cây, đến thập niên 1980 mới thành công với những giống ngon và phổ biến kỹ thuật tiến bộ để người dân áp dụng. Giai đoạn đầu, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp tài chính, giảm thuế, ưu tiên cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất trái cây, đầu tư hạ tầng, phát triển kênh phân phối… Kết quả là ngành trái cây phát triển không ngừng và trở thành ngành chính trong nông nghiệp của Trung Quốc.

Tương tự, ông Sakda Sinives (Cục Khuyến nông Thái Lan) cũng cho biết lâu nay Thái Lan phát triển trái cây thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là trái cây mùa vụ như xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, mãng cầu, măng cụt và vải. Nhóm thứ hai là trái cây cho quả quanh năm như khóm, chuối, đu đủ và mít. “Sự phân loại trên để có chính sách đầu tư và định hướng sản xuất phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Vì vậy trái cây Thái Lan luôn tươi và có mặt ở chợ quanh năm” - ông Sakda Sinives nói.

“Hai kinh nghiệm của Thái Lan và Trung Quốc nhà vườn ĐBSCL đều có thể làm được nếu có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Chừng nào chưa xóa được tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa lớn thì dù ở một vài nơi trái cây có đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P, Việt Nam vẫn không thể trở thành một cường quốc trái cây nhiệt đới” - PGS-TS Nguyễn Minh Châu đúc kết.

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm