CHUYỆN VỀ “CÔNG TỬ” VĨNH LONG - BÀI 1

Ngông nhưng giàu lòng nhân ái

LTS: Trước giờ người ta chỉ nghe nhắc đến “công tử” Mỹ Tho và “công tử” Bạc Liêu chứ ít ai biết Nam Bộ còn có “công tử” Vĩnh Long. Nhưng khác với hai “công tử” chơi ngông, xài tiền như nước kia, “công tử” Vĩnh Long giàu lòng nhân ái, tham gia cách mạng từ rất sớm, từng vào tù ra khám năm lần, từng ở tù chung với cố Tổng Bí thư Trần Phú… Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu đôi nét chân dung của vị “công tử” này.

“Công tử” Vĩnh Long tên là Châu Sanh, tên khai sinh là Châu Văn Sanh, tên thường gọi là Lời. Người dân địa phương thân mật gọi ông là “công tử” Lời. Ông sinh ngày 3-4-1911 tại làng Chánh Hội, quận Cái Nhum, Vĩnh Long (nay là thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, Vĩnh Long).

“Con anh, con em là vốn, con chúng ta là lời”

Cha ông tên là Châu Xuyên, sinh năm 1865, gốc người Hoa Phúc Kiến, đến định cư ở Gò Công. Sau trận lụt Năm Thìn (1904), ông Châu Xuyên mới phiêu bạt về Chánh Hội. Giống như khá nhiều người Hoa khác, khi đến quê mới, ông Xuyên cùng mẹ bán lẻ bánh ú, đậu phộng rang, lục lạc, đồ chơi trẻ em… ở chợ Cái Nhum. Mấy năm tích cóp, ông mở tiệm thuốc Bắc.

Chuyện kể rằng một hôm có một ghe thương hồ buôn bán đá mài dao đậu ở bến chợ. Bán nhiều ngày không thấy ai mua, chủ ghe đến nhờ ông Châu Xuyên mua giúp. Thấy người phương xa khốn khó, ông Xương kêu vác hết số đá mài đem lên tiệm ông cất. Vậy là mấy ngày sau, người mua các nơi kháo nhau đến mua sạch số đá trên. Ông Xuyên có một món lời lớn. Từ đấy số vốn kha khá ấy, ông mua đất, mở mang điền sản và trở thành một điền chủ có tiếng trong vùng.

Ông sống giản dị, gần gũi với nông dân nên được nhiều người quý mến. Ông Xuyên có một đời vợ sinh được ba con ở Gò Công thì vợ qua đời. Ông phiêu bạt về Mỹ Tho thì gặp bà Đào Thị Bòi, góa chồng, có hai con. Hai người cùng thương yêu con riêng của nhau như con ruột của mình nên cứ xếp thứ tự năm người con từ thứ hai đến thứ sáu theo cách gọi thứ của người Nam Bộ. Năm ông 46 tuổi, bà Bòi sinh cho ông một người con chung là Châu Sanh. Ông Xuyên đùa với vợ: “Năm đứa con của tui với bà là vốn, còn sinh đứa này là lời!”. Từ ấy Châu Sanh có tên thường gọi là Bảy Lời, sau này người quanh vùng gọi là “công tử” Lời.

Ngông nhưng giàu lòng nhân ái ảnh 1

Chân dung “công tử” Vĩnh Long và bìa cuốn sách. Ảnh tư liệu

Thương người yếu thế, đỡ người thân cô

Cậu Bảy Lời là con út, anh chị đều lớn tuổi có gia đình riêng nên cậu rất được cha mẹ cưng chiều. Năm lên bảy tuổi, trong một lần qua sông Mang Thít thăm chành lúa với người làm công, cậu Bảy Lời đã đánh nhau với một thiếu niên lớn tuổi gấp đôi. Người nhà cấp báo, Năm Thạnh (anh thứ năm cùng mẹ khác cha với cậu Bảy Lời) chèo ghe qua xem thấy em bị đòn thâm tím mới can ngăn và lôi em về. Mẹ của Bảy Lời nghiêm sắc mặt: “Sao con lại đi đánh lộn?”. “Nó ỷ giàu ăn hiếp nhà nghèo, không đánh nó sao được!” - cậu Bảy Lời cãi lý với mẹ.

Năm lên 10-11 tuổi, cậu Bảy Lời hay la cà ngoài chợ, ngồi ăn hàng, có bao nhiêu bạn bè đều rủ vô bao hết. Chiều chiều, thấy mấy người bán hàng ế ẩm, cậu Bảy Lời đến lấy mỗi thứ cắn một miếng. Mấy người bạn hàng thấy vậy đem hàng đến “bắt đền” ông Châu Xuyên. Vậy là họ được đền bù thỏa đáng, còn người làm cho nhà ông Châu Xuyên lại có thêm quà vặt để ăn.

Có lần gánh hát về chợ Cái Nhum, tụi con nít không tiền xé màn che rạp ghé mắt “coi cọp”. Ông bầu gánh hát cho người lấy điếu thuốc châm vào mắt mấy đứa nhỏ. Chuyện đến tai cậu Bảy Lời. Cậu bảo tụi nhỏ bắt cào cào, kiến nẻ bỏ vào hộp lon, lấy nước cống, nước tiểu quậy chung, sau đó lấy tờ giấy mỏng đậy lại đem vào rạp. Rạp hát phải một phen náo loạn vì kiến cắn, cào cào búng văng nước thúi rùm.

Được cho đi thu lúa ruộng nhưng lần nào về cậu Bảy Lời cũng nói với cha: “Năm nay thất bát, bớt lúa cho người ta!”. Có khi đi thu lúa mấy ngày không về, gia đình cho người đi tìm thì thấy cậu ngồi ăn bắp giã nấu với tá điền. Có lúc cậu Bảy Lời còn lấy tiền nhà đi đóng thuế thân cho tá điền nợ thuế bị đóng trăn trên xã.

Khi ra khỏi nhà, “công tử” Lời ăn mặc chỉnh tề, giày, nón, áo quần xúng xính. Khi về nhà thì “công tử” chỉ còn độc một chiếc quần tà-lỏn. Hỏi ra mới biết “công tử” đã cởi cho người nghèo mà cậu gặp trên đường.

Chàng rể chơi ngông

16 tuổi, “công tử” Lời được cha sắm cho một chiếc xe hơi hiệu De Lage mui trần với giá 5.000 đồng tiền Đông Dương bấy giờ, tương đương với giá 500 tấn lúa!

La cà chơi ở ngã tư Long Hồ, “công tử” Lời để ý cô Năm Phối (Võ Thị Phối), con ông Hương cả Tường của làng An Đức, quận Châu Thành (nay là huyện Long Hồ). Ông cả Tường là người nề nếp gia phong, tuy không giàu có nhưng là người có học. Cô Năm Phối có chín anh chị em, trong đó có bảy gái. Cô Năm Phối không phải là người phụ nữ hương sắc, lại lớn hơn cậu Bảy Lời hai tuổi. Nhưng trong con mắt cậu Bảy Lời, cô Năm Phối là một cô gái nết na, nhân hậu, đáng yêu và đáng để lấy làm vợ.

Muốn là làm, “công tử” Lời lái xe thẳng đến nhà cô Năm Phối, xin gặp ông cả Tường. Khi giáp mặt vị nhạc phụ tương lai, “công tử” bèn ngỏ lời cầu hôn: “Thưa bác, con muốn cưới cô Năm, con gái bác!”.

Ông cả Tường chới với, nhìn cậu thanh niên non choẹt, bảnh bao, ông nghiêm sắc mặt nói thẳng: “Cậu còn trẻ, nên lo lập nghiệp. Hiện tại cậu còn xài tiền nhà. Tôi không ham rể giàu, không ham xe hơi, nhà lầu. Ít ra cậu cũng phải nói với gia đình nhờ mai mối, chớ có “phang ngang, bửa củi” như vậy là không phải lễ…”.

Về nhà, “công tử” Lời tập hợp 12 gia nhân, sắm 12 mâm lễ vật chèo ghe 12 cây số lên nhà ông cả Tường. Ông cả không tiếp. Y lời dặn của “công tử”, đoàn người bèn giở chiêu ăn vạ: “Ông cả không nhận, về nhà chúng con bị công tử cho nghỉ việc”.

Dân chúng trong làng thấy lạ kéo tới coi như xem hát bội. Bí quá, ông cả Tường bèn xuống nước, đồng ý nhận hai mâm lễ rồi năn nỉ đoàn người lui về.

Từ ấy mỗi lần lái xe đi ngang nhà ông cả, cậu Bảy Lời đều ghé thăm, tặng quà. Có lúc đi săn ở miền Đông về thì chia đôi “chiến lợi phẩm”. Ông cả lúc đầu bực mình vì tính tình ngông nghênh, xốc nổi (nhưng lại thẳng thắn) của “công tử” nhưng hỏi chuyện gì cậu Bảy Lời cũng đáp lễ phép, trôi chảy, kiến thức uyên thâm, chữ Pháp, chữ Hoa thông thạo khiến ông dần dần cũng thấy cảm tình.

Thế là năm 17 tuổi, “công tử” Lời hỏi cưới cô Năm Phối. Năm ấy là năm 1928. Cuối năm, ông Châu Xuyên bệnh nặng, gọi con dâu út (Năm Phối) lại đưa cho một cái va li bằng nhôm, kích thước to đến 30 x 40 x 10 cm và dặn dò: “Đây là tất cả gia sản của nhà ta. Tía mất rồi con ráng lo cho má con thằng Lời và đứa con sắp chào đời của nó. Con không được tiết lộ với ai. Nếu sợ không an toàn thì gởi cho chú Hai Xi, tá điền của tía, là người trọng tín nghĩa”.

Cô Năm Phối mở ra thấy toàn tiền giấy 100 đồng hình bộ lư chất đầy va li. Cô hết sức bàng hoàng. Mấy ngày sau thì ông Châu Xuyên qua đời…

Sách về “công tử” Vĩnh Long

Tôi có nghe chuyện “công tử” Lời loáng thoáng qua giai thoại dân gian cùng sự kiện ông dẫn đầu cuộc biểu tình chống thuế năm 1930 ở Văn Thánh miếu Vĩnh Long. Gần đây tôi được tặng một quyển sách “Công tử Lời - Nhân ái một tấm lòng” của tác giả Huỳnh Quan Thư do NXB Trẻ ấn hành (xem ảnh bìa bên cạnh). Bà Thư, nguyên là cán bộ Thành đoàn TP.HCM từ năm 1966-1978, là vợ của liệt sĩ Lê Quang Lộc - một thủ lĩnh của phong trào sinh viên-học sinh Sài Gòn trước giải phóng. Bà là cháu gọi vợ “công tử” Lời bằng dì ruột. Quyển sách của bà chứa nhiều tư liệu quý, giúp ta hiểu khá đầy đủ về chân dung vị “công tử” giàu lòng nhân ái này. Bài báo bên cạnh có sử dụng một số tư liệu trong cuốn sách vừa nói.

NGUYỄN NGỌC

Kỳ tới: Bạn tù của cố Tổng Bí thư Trần Phú

(Mời bạn đọc đón xem trên số báo thứ Hai 16-4)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm