Người cứu đấu trường La Mã

Đấu trường La Mã (hay Colosseo) là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều cuộc tranh tài giữa những võ sĩ giác đấu, những màn đánh nhau với thú dữ như sư tử và cọp hay những cuộc hành hình thu hút hàng chục ngàn khán giả La Mã cổ đại tới xem.

Ký ức tuổi thơ đeo đẳng

Gần 50 năm trước, cậu bé Diego Della Valle đã trông thấy đấu trường Colosseo tại Roma lần đầu tiên trong đời trong một chuyến tham quan do nhà trường tổ chức. Khi ấy cậu mới 10 tuổi. Giờ đây, Diego Della Valle hồi tưởng: “Bọn học trò chúng tôi khởi hành bằng xe buýt lúc 3 giờ sáng. Khi chúng tôi bước chân vào đấu trường Colosseo, tôi thấy khung cảnh ở đây quá hoành tráng. Lúc đó tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong một bộ phim hoạt hình. Sau đó và trong khoảng thời gian dài gần 50 năm, tôi cũng đã nhiều lần đi ngang qua đây nhưng chưa bao giờ có dịp dừng chân lại để vào thăm. Nhưng lúc nào trong đầu tôi cũng bật lên ý nghĩ đây chính là một công trình khổng lồ, uy nghi mà lại rất đáng yêu”.

Người cứu đấu trường La Mã ảnh 1

Toàn cảnh đấu trường Colosseo tại Rome, Ý. Ảnh: wikipedia.org

Thế rồi vào ngày 22-6-2011, Diego Della Valle, nay đã là người đứng đầu tập đoàn thời trang Ý Tod’s, đã đặt chân mình lần thứ hai lên nền cát của đấu trường Colosseo. Lần này, ông đến để ký tấm ngân phiếu trị giá 25 triệu euro để cứu “người khổng lồ Flavio” (tên khác của Colosseo) trước nguy cơ sụp đổ.

Màu của thời gian

Lời kêu cứu đối với Colosseo đã được đưa ra vào ngày 9-5-2010 khi một vạt trần nhà của một trong 74 mái vòm của Colosseo bong ra và rơi xuống đất. Và người dân Roma không thể làm ngơ trước tình cảnh đó, bởi “khi nào mà Colosseo còn đứng vững thì Roma vẫn còn đứng vững. Khi Colosseo ngã quỵ, Roma sẽ ngã theo. Và khi mà Roma ngã quỵ, thế giới này sẽ sụp đổ”.

Các chuyên gia đã từng phát ra thông điệp đáng lo ngại về tình hình “sức khỏe” của Colosseo, đó là “ung thư đá”. Bầu không khí bị ô nhiễm nơi đây đã chuyển hóa chất carbonat canxi (CaCO3) thành sulfat canxi (CaSO4), hiện tượng này đã tạo ra các “di căn về khoáng chất”. Nhà khảo cổ học Rossella Rea giải thích: “Hơn thế nữa, công trình này đã phải chịu một trận động đất vào năm 1349 và nhiều phần vách đã bị bong ra khỏi các khung sườn bằng kim loại. Thời gian về sau, Colosseo càng “yếu ớt” hơn khi con người mở tuyến tàu điện ngầm ngang qua khu vực này. Và nếu như không có các khối gạch nung được chèn thêm vào trong, từ khoảng thế kỷ 18, thì Colosseo có lẽ đã tự sụp đổ rồi”.

Mặt khác, công trình vĩ đại này còn bị ám khói từ khí thải của các phương tiện giao thông hiện đại và hẳn nhiên đã trở thành “nạn thân từ hào quang của chính mình”, đó là lượng du khách đến viếng thăm vào khoảng 5 triệu lượt người/năm. Từ đó, vào thập niên 1980, người ta đã cho lắp đặt một cách rất thô thiển các chấn song sắt tại tầng trệt và tầng một để làm đường dẫn cho khách tham quan. Rồi nào là quầy bán vé, cửa hàng lưu niệm, văn phòng làm việc, khu nhà vệ sinh,… tất cả các lắp đặt mới này đã chiếm 20% diện tích của Colosseo. Thêm vào đó, nhiều trang thiết bị “tân thời” được đưa vào. Tất cả đã khiến công trình cổ này bị biến thái trầm trọng…

Thị trưởng Roma Gianni Alemanno phải thốt lên rằng đây là “một nỗi ám ảnh, một cơn ác mộng” đối với ông nhưng ông chỉ có thể duyệt chi 500.000 euro/năm cho biểu tượng của TP và của đất nước mình. Vì thế, ngài thị trưởng gấp rút tìm kiếm con số 25 triệu euro cần thiết đủ để cứu nguy cho Colosseo.

Có người đã đưa ra ý tưởng “nhờ vả” đến các mạnh thường quân người Nhật Bản, song ngài thị trưởng đã nhắm đến Diego Della Valle, ông chủ Tod’s. Và chỉ trong 2 giờ đồng hồ sau đó, ông chủ Tod’s đã chấp nhận “dấn thân”, với một điều kiện: Chỉ một mình ông tận tay “trao phong bì” mà thôi! “Tôi không muốn có đối tác nào tham gia vào đây, để tránh việc hình ảnh của Colosseo bị sử dụng cho các chiến dịch quảng bá thương hiệu rầm rộ” - ông nói.

Người cứu đấu trường La Mã ảnh 2

Chân dung Diego Della Valle. Ảnh: INTERNET

Thật thế, Diego Della Valle đã bỏ tiền ra để trùng tu Colosseo nhưng ông không treo các mô hình sản phẩm giày thời trang của hãng Tod’s lên các cột trụ của Colosseo, ông không in logo của Tod’s lên vé vào cổng, ông không cần phải được gắn biển vinh danh tên ông lên cổng vào của Colosseo. Và nếu như vị mạnh thường quân này được giữ độc quyền thông tin về quá trình trùng tu Colosseo trong vòng 15 năm thì đây chính là công việc mà một tổ chức hội có tên là “Những người bạn của Colosseo” đứng ra thực hiện, chứ tập đoàn Tod’s không nhúng tay vào.

Làm gì đó để cảm ơn tổ quốc

Ông Diego Della Valle tâm sự: “Chúng tôi là một tập đoàn kinh doanh lớn, đang làm ăn có hiệu quả và đang sống nhờ vào hình ảnh của nước Ý, một nước Ý của nghệ thuật và của những nét tinh túy kiệt xuất. Trong giai đoạn khủng hoảng, những con người bình thường luôn cần đến những hành động thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái. Và nếu như các doanh nghiệp không làm gì cả, thì làm sao khách hàng có thể tiếp tục mua các sản phẩm của chúng ta? Kế đến, bản thân tôi có thể sẽ qua đời trong ít phút tới đây. Mà nếu từ đây đến đó, tôi có thể mở được thêm 50 cửa hiệu Tod’s, thì điều đó đối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa lớn lao gì. Song, nếu như trùng tu được Colosseo, thì cuộc đời tôi có ý nghĩa lắm. Tôi cho rằng đây chính là nhiệm vụ của tôi và tôi thành thật nói với quý vị rằng khi làm được như vậy, thì cuộc đời tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.

Số tiền 25 triệu euro của Diego Della Valle sẽ được dùng để “tẩy sạch các phiến đá khỏi các khối u ung thư” với các máy phun bụi nước không chứa dung môi, với bàn chải và sức lao động thủ công. Số tiền này còn dùng để thay mới 84 hàng rào sắt dẫn khách vào tham quan, gia cố phần mái vòm, xây mới tầng hầm làm nơi tổ chức các dịch vụ phục vụ khách và làm mới lối vào - nơi ngày xưa các đấu sĩ đã từng bước ra để đánh nhau với thú dữ. Cuối cùng, các pho tượng sẽ được phục hồi, được tẩy sạch các vết hoen ố để có lại được màu trắng nguyên thủy.

Tất cả những công việc trên đây là cần thiết nhưng cũng phải có… tiền! Một chuyên gia về marketing giải thích: “Diego Della Valle đã làm được một điều kỳ diệu. Giờ đây đối với thế giới, ông là cứu tinh của Colosseo - một hòn ngọc châu báu của nhân loại. Đây là một bậc kỳ tài về văn hóa”.

“Khi đã có những thành công trong công việc của mình, bạn cũng nên làm điều gì đó để nói lời cảm ơn tới tổ quốc” - ông Diego Della Valle nói.

Quan niệm sống của đại gia

Người cứu đấu trường La Mã ảnh 3

Hai anh em nhà Della Valle trước đấu trường Colosseo. Ảnh: INTERNET

Ngoài chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tod’s, Diego Della Valle còn là người sở hữu Fiorentina, đội tuyển bóng chày hạng A của Florence, đồng thời còn là thành viên trong Ban Quản trị Tập đoàn Truyền thông Rizzoli. Sáng lập Tod’s từ năm 1978, Diego Della Valle đã biến hãng làm giày của gia đình thành doanh nghiệp toàn cầu.

Diego Della Valle kể: “Khi cha tôi khởi nghiệp chỉ có 10 nhân viên, giờ là 5.000 nhưng quan điểm của tôi thì vẫn giữ nguyên: Khi bạn sản xuất hàng tốt nhất, người ta sẽ ủng hộ bạn. Khi tôi còn khá trẻ, tôi ngủ trong nhà máy, gần những tấm da. Tôi thức giấc vào lúc 5 giờ 30 hoặc 6 giờ, đọc lướt sáu tờ báo trong lúc ăn sáng với một tách trà rồi đi làm. Tôi thích đi thăm nhà máy, theo dõi mọi người làm việc và sờ vào mảnh da tốt nhất.

“Made in Italy” là một sự cam kết chất lượng. Người Ý là những nghệ nhân giỏi nhất trên thế giới, một dân tộc có con mắt tuyệt vời. Đấu trường La Mã tượng trưng cho điều này. Đó là công trình kiến trúc quan trọng nhất của người Ý. Khi thị trưởng Rome yêu cầu tôi giúp ông ấy khôi phục, chúng tôi sẵn sàng chỉ trong 5 phút. Chúng tôi đang sống trong giai đoạn không dễ dàng đối với Ý, vì thế thật là quan trọng khi chúng ta giúp đỡ đất nước”.

T.B tổng hợp

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm